Sự kiện đầu tiên gây bất ngờ là việc Thổ Nhĩ Kỳ cho phép đoàn tàu Tự Do chở hàng cứu trợ đến Gaza bằng đường biển vào ngày 31-5 năm ngoái, bất chấp tình trạng bao vây phong tỏa nghiêm khắc của Israel. Biệt kích của Tel Aviv đã tấn công một tàu trong số đó. Sự kiện này mở màn cho tình trạng tụt dốc nhanh chóng trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Israel vốn là đồng minh quan trọng nhất của nhau trong khu vực.
Tiếp theo đó là sự leo thang liên tục từ phía Thổ Nhĩ Kỳ như để nhấn chìm quan hệ đôi bên, mặc cho Israel và Mỹ cố công níu kéo. Mới đây nhất, ngày 6-9 Thủ tướng Erdogan tuyên bố đình chỉ mọi quan hệ thương mại và hợp tác quân sự với Israel. Trước đó, chính quyền Ankara đã đuổi đại sứ Israel về nước. Với một loạt hành động như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ được người Ả Rập coi như một ngọn cờ chống Israel và Thủ tướng Erdogan được tôn vinh như một người hùng của thế giới Hồi giáo.
Tiếp đến là việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập liên minh thực hiện chiến dịch quân sự Libya, góp phần kết thúc chế độ Gaddafi trong vòng sáu tháng. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang nghiêng về phía phe đối lập tại Syria đang đấu tranh đòi lật đổ Tổng thống Basha’r al-Assad. Thổ Nhĩ Kỳ còn là một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất ủng hộ việc Palestine đòi Liên Hiệp Quốc công nhận là nhà nước độc lập.
Chuyến công du mà Thủ tướng Erdogan đang tiến hành đến ba nước Ả Rập Bắc Phi là một hành động nhanh nhạy để khẳng định lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ khuynh hướng cải cách dân chủ, chống lề thói độc tài gia đình trị trong thế giới Ả Rập. Ông Erdogan đã được đông đảo quần chúng Ai Cập đón tiếp nồng nhiệt như một người hùng. Nhiều tiếng nói trong thế giới Ả Rập coi Thổ Nhĩ Kỳ như hình mẫu thành công nhất trong thế giới Hồi giáo đầu thế kỷ 21.
Từ nhiều năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ ra sức vận động để được gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Nước này đã là thành viên của NATO, nhưng vẫn bị hoài nghi về khuynh hướng Hồi giáo của Đảng Công lý và phát triển cầm quyền. Do đó, kỳ vọng sớm được EU kết nạp chưa thể thành hiện thực. Những biến động chưa từng có đang làm thế giới Ả Rập bất ổn. Có lẽ nhà cầm quyền ở Ankara cảm thấy họ nên quay lại với khu vực Trung Đông - Ả Rập mà họ có nhiều lợi thế mọi mặt, hơn là cố công gia nhập khối châu Âu xa lạ và có nhiều đối thủ quá tầm.
Nhưng chuyến đi của ông Erdogan đến Bắc Phi cũng đã gặp những phản ứng bất lợi. Phong trào Huynh đệ Hồi giáo tại Ai Cập bất bình vì ông Erdogan dám công khai kêu gọi chính quyền mới ở Cairo xây dựng chế độ thế tục như ở Thổ Nhĩ Kỳ. Giới chính trị và truyền thông Tunisia phản đối ngay từ đầu khi Thủ tướng Erdogan từ Cairo đến Tunis. Họ cho rằng chuyến đi của ông Erdogan thể hiện “tính cơ hội” của giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, muốn biến thành quả của trào lưu thay đổi trong thế giới Ả Rập thành lợi thế giúp Thổ Nhĩ Kỳ giương ngọn cờ “thủ lĩnh” mới trong khu vực.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên ở khu vực Trung Đông - Ả Rập, nhất là ủng hộ phe đối lập tại Syria, không thể tránh được phản ứng từ phía Iran - quốc gia Hồi giáo Shi’a đã tốn nhiều công của mấy chục năm qua gây dựng thế lực ở vùng này. Người ta có cơ sở để lo ngại một cuộc cạnh tranh mới giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Iran, như từng xảy ra giữa đế chế Ottoman và đế quốc Ba Tư trong giai đoạn lịch sử trước khi các đế quốc phương Tây xuất hiện ở khu vực này.
Sự nổi lên của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực Ả Rập đánh đổi bằng việc hi sinh quan hệ với Israel cũng tiềm ẩn rủi ro không nhỏ, bởi Mỹ làm sao có thể từ bỏ nhà nước Do Thái. Chưa biết tham vọng của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ thời Erdogan sẽ có kết quả thế nào, nhưng đây là một yếu tố mới khiến khu vực Trung Đông - Ả Rập càng thêm khó lường hơn lúc nào hết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận