TT - Cũng chẳng mấy ai ngờ rằng bây giờ chuyện mua bán cầu thủ lại quan trọng đến như thế. Lại càng không tưởng tượng mấy tay môi giới cầu thủ ngày nào nay bỗng trở thành một thế lực bóng đá thật sự.
Watzka, ông chủ tịch CLB Dortmund của Đức, mỗi lần vào sân đều yêu cầu ban tổ chức cung cấp ngay danh sách những người tham gia mua bán cầu thủ đang có mặt trên khán đài: có bao nhiêu người, của đội nào, đến đây mấy lần rồi... Bởi vì đây là những người có thể sai khiến các ngôi sao, làm điêu đứng các đội bóng và tạo ra vô số tiền bạc.
Quyền lực trong tay
Mỗi năm 36 đội bóng chuyên nghiệp thuộc Bundesliga hạng nhất và hạng hai ở Đức phải trả cho những người môi giới cầu thủ 45-50 triệu euro. Đấy là chưa kể số tiền lót tay mà các cầu thủ phải nộp cho những “ông bầu” (hay những “thầy cò”) của mình, số tiền mà không ai có thể kiểm soát được. Số người môi giới cầu thủ thật sự đang hoạt động cũng mãi mãi là một ẩn số, dù người ta biết chính xác số người có chứng chỉ FIFA: 5.683 trên toàn thế giới và 328 trên đất Đức. Trong cái thế giới bóng đá vốn khá mờ mịt thì lĩnh vực môi giới cầu thủ lại mờ mịt nhất.
Từ năm 1994, FIFA quyết tâm làm minh bạch toàn bộ hoạt động môi giới cầu thủ trên toàn thế giới. Theo luật mới, chỉ những người có chứng chỉ “FIFA Players’ Agent” mới được làm nghề này. Muốn có chứng chỉ phải thi. Thi ở các liên đoàn bóng đá quốc gia nhưng FIFA nắm toàn quyền: quyền tổ chức và điều phối các cuộc thi, quyền ra câu hỏi và đáp án để chấm bài thi. Hiện nay các cuộc thi được tổ chức tại 70 nước, năm nào cũng vào cùng một ngày trong tháng 4 và tháng 9, lúc nào cũng vào lúc 10g sáng (giờ địa phương). Chặt chẽ và quy củ chưa. FIFA cơ mà!
Để có thể tham gia thi, ngoài các khoản đăng ký và lệ phí được quy định bởi các liên đoàn bóng đá quốc gia (ở Đức là 250 euro), phần cơ bản là phải đủ kiến thức. Tài liệu chính gồm 1.000 trang do FIFA biên soạn, bao gồm tất cả điều luật, quy tắc, vấn đề liên quan trực tiếp hay gián tiếp.
Bài thi có 20 câu hỏi, trả lời theo kiểu trắc nghiệm. Nếu trả lời đúng 14 trong tổng số 20 câu thì đỗ. Ngược lại thì trượt. Nếu trượt mà còn khao khát vào nghề thì lại thi tiếp đợt sau. Lại nộp tiền, lại học... Phòng thi rộng rãi, thí sinh ngồi cách xa nhau, giám thị đi lại như mắc cửi, mặt mày nghiêm trang. Nghĩa là không thể có chuyện quay cóp. Tóm lại, theo tiêu chí thì cuộc thi này sánh ngang các kỳ thi quốc gia ở các trường đào tạo trước khi cấp bằng.
Càng ngày số người đăng ký dự thi càng đông. Vì FIFA rất nghiêm với các trường hợp vi phạm và ai cũng muốn in danh hiệu FIFA này trên thẻ giao dịch của mình. Đấy là quyền uy, đấy là tiền bạc. Năm 2010 Đức có 328 nhà môi giới thì có đến 312 người đăng ký dự thi. Cứ mỗi năm con số này tăng gấp đôi. Ở một số nước khác, số “FIFA Players’ Agent” còn nhiều hơn: Ý 727, Tây Ban Nha 585, Anh 430. Những người này lấy của các CLB và các cầu thủ 7-12% toàn bộ phí giao dịch. Như đã nói, phần lấy từ cầu thủ là một mảng tối, phần còn lại nhà môi giới lấy từ CLB.
Mọi sự sẽ tốt đẹp nếu những quy định của FIFA được thi hành nghiêm ngặt...
Những bằng chứng
Đây là cuộc điều tra không có gì phức tạp, nếu không muốn nói là rất đơn giản, của Michael Ebert, phóng viên tờ Kicker (Đức). Ebert đăng ký thi lấy chứng chỉ FIFA. Dễ dàng. Trong kỳ thi thứ nhất đầu năm 2010 ở Frankfurt có 20 câu hỏi. Ebert trượt, y như đa số thí sinh thi cùng anh: đề thi khó thật. Kỳ thi thứ hai Ebert đỗ: anh trả lời đúng 18 trong 20 câu. Vấn đề chỉ là: trình độ Ebert chẳng có gì khá lên cả. Do anh không học nhưng anh mua toàn bộ đáp án, giá 2.000 euro. Việc duy nhất anh làm là đánh dấu chữ thập lên giấy, 20 lần. Thế là có chứng chỉ hành nghề FIFA. Mọi giao dịch tiến hành trên điện thoại di động. Và như dưới đây chúng ta sẽ thấy: đáp án ấy là của FIFA!
Sau khi thi trượt lần đầu, vào lúc hoang mang nhất và bi quan nhất, thí sinh bất ngờ nhận được một cú điện thoại di động với lời khẳng định: ai cũng có thể thi đỗ, miễn là mua câu trả lời đúng. Người nghe cảm thấy nửa tin nửa ngờ. Trong 20 câu hỏi của đề thi có 15 câu do chính FIFA xác định cả nội dung lẫn đáp án, năm câu còn lại là của liên đoàn bóng đá sở tại. Do đó, chỉ cần mua 15 đáp án FIFA là thừa tiêu chuẩn đỗ. Ebert đồng ý mua nhưng vẫn hồi hộp, không biết mua ở đâu và mua như thế nào.
Thông qua một nhân vật trung gian, thỏa thuận 2.000 euro cho 15 câu trả lời được thực hiện. Lời giao hẹn: đáp án sẽ được gửi đến như tin nhắn SMS trên điện thoại. Trong phòng thi, tất cả điện thoạt di động đều phải tắt và để lên mặt bàn. Do đó thí sinh phải học thuộc lòng đáp án. Cũng không khó lắm, vì tất cả chỉ gồm 15 chữ cái và 20 con số. Nhưng lúc nào sẽ nhận tin nhắn để còn kịp học thuộc? Lời hẹn: đêm hôm trước ngày diễn ra kỳ thi.
Khỏi nói nỗi hồi hộp trong sự đợi chờ. Quả nhiên, đúng đêm đã hẹn, màn hình điện thoại nháy sáng. Dòng tin:”Mai tôi sẽ có mặt ở Frankfurt, chúng ta sẽ gặp nhau trước khi vào phòng thi”. Nhưng cũng chẳng có cuộc gặp nào, chẳng thấy mặt ai. Đúng 6g sáng hôm sau, đáp án đến trong một SMS. Rất ngắn gọn: 1a, 2b, 3c, 4b, 5b, 6a, 7c, 8b, 9b, 10b, 11b, 12c, 13a, 14c, 15a. Chín giờ bắt đầu thi, ba giờ còn lại đủ cho công tác chuẩn bị. Quá dễ dàng. Đề thi dày 11 trang, nhưng Ebert cứ theo hướng dẫn mà gạch. Chỉ mất vài phút. Có hai câu tạo ra nghi ngờ khiến Ebert phải lo ngại: đây là một cái bẫy chăng? Vì sao sáng nay cuộc hẹn gặp lại bị hủy bỏ?
Theo thông lệ, 14 ngày sau sẽ thông báo kết quả. Nhưng một cuộc điện thoại đến bất ngờ: Ông đỗ rồi, được 18 điểm. Trong đó, 15 câu của FIFA đem lại 15 điểm. Đáp án mua đúng 100%. Chắc chắn, bí mật bị lộ trên con đường chuyển tài liệu từ văn phòng FIFA ở Zurich đến văn phòng DFB ở Franfurt và ở nơi lưu trữ hồ sơ của hai văn phòng này. Nhân vật trung gian đã thông qua ai vào trong nội bộ FIFA? Trong bất cứ trường hợp nào, hệ thống FIFA là không đủ tin cậy. Tờ Kicker đã đăng bài báo mô tả vụ này với những chứng cứ cụ thể, hi vọng nhận được câu trả lời hay được thấy một thái độ đáp ứng nào đó của FIFA. Nhưng tất cả rơi vào im lặng như nhiều vụ tham nhũng khác.
Lục lại hồ sơ có thể thấy ngay tỉ lệ thi trượt ngày càng giảm. Nghĩa là việc mua bán đề thi ngày càng phát triển? Bạn có thể nghĩ 2.000 euro không phải là một số tiền lớn, nhưng nếu cả ngàn người thi, mỗi năm lại thi tới hai lần thì sẽ là số tiền hàng triệu.. Thậm chí đây lại là khoản tiền phi pháp khá an toàn, không ai để ý. Nhưng nghiêm trọng hơn, người ta nghi ngờ tính nghiêm túc trong một việc làm và trong toàn bộ hệ thống.
VŨ CÔNG LẬP
Kỳ 1:
_______________________
Nguồn gốc của sự tham nhũng là không minh bạch. Muốn chống tham nhũng phải làm cho FIFA thật sự minh bạch. Đó là một thách thức thật sự cho tương lai của “đế chế” này.
Kỳ cuối: Khát vọng minh bạch
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận