26/03/2018 11:52 GMT+7

Để bò thả rông gây tai nạn, có thể bị xử lý hình sự?

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Từ câu chuyện anh Cao Thiên Như (huyện Phú Quốc, Kiên Giang) tử vong sau khi va chạm với bò thả rông, nhiều bạn đọc thắc mắc về trách nhiệm pháp lý của chủ bò trong trường hợp này.

Để bò thả rông gây tai nạn, có thể bị xử lý hình sự? - Ảnh 1.

Anh Cao Thiên Như lúc được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: TÂM AN

Giữa đường gặp họa

Theo nội dung vụ việc, khoảng 20h ngày 15-3, khi tan ca ở một công trình tại địa phương về nhà, xe máy của anh Như đã tông phải một con bò thả rông trên đường. 

Sau cú tông trúng con bò, anh Như bị chấn thương sọ não phải chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy chữa trị nhưng do chấn thương quá nặng, anh Như đã không qua khỏi.

Được biết, con bò thả rông khiến anh Như tông phải sau đó đã được Công an huyện Phú Quốc đưa về trụ sở để truy tìm chủ nhân.

Cũng theo đó, tình trạng bò thả rông được báo chí và người dân phản ánh nhiều lần nhưng tình trạng này vẫn chưa được chấn chỉnh.

Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM), những vi phạm của người nuôi, thả gia súc, vật nuôi, pháp luật đã có quy định xử phạt hành chính và cả hình sự, nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại không đáng có cho người tham gia giao thông. 

Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường, trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ được đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn, không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới. 

Trường hợp chủ nhân thả gia súc hoặc dẫn dắt súc vật đi trên đường không thực hiện đúng quy định nêu trên mà không may gây tai nạn cho người tham gia giao thông dẫn đến chết người thì họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "vô ý làm chết người" và phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự mà luật quy định.

Trong trường hợp cụ thể này, phải căn cứ vào kết luận giám định của cơ quan điều tra để xác định trách nhiệm pháp lý.

Tuy nhiên, ngay cả khi người điều khiển xe có lỗi thì chủ sở hữu bò vẫn phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Để bò thả rông gây tai nạn, có thể bị xử lý hình sự? - Ảnh 2.

Bò thả rông nhở nhơ đi trên đường, cắn phá cây cảnh ở thị trấn An Thới, Phú Quốc - Ảnh: DUY KHÁNH

Bồi thường ra sao?

Theo luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật sư TP.HCM), điều 603 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường. Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, theo luật sư Học, trong trường hợp này phải xem xét người điều khiển phương tiện giao thông dẫn đến hậu quả chết người có lỗi trong khi tham gia giao thông hay không.

Nếu có lỗi thì phải xác định lỗi cơ bản dẫn đến hậu quả chết người. Bởi lẽ việc thả rông bò là hành vi vi phạm pháp luật giao thông đã rõ nhưng hậu quả chết người chưa hẳn là do bò thả rông gây ra mà phải xem có lỗi của người điều khiển xe máy hay không mới có thể khẳng định trách nhiệm chính xác. 

Cụ thể, nếu người đi xe máy không có lỗi thì người thả rông bò có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.

Còn nếu lỗi của cả người lái xe và người thả rông bò (lỗi hỗn hợp) thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại là trách nhiệm liên đới được xác định dựa vào mức độ lỗi của hai bên. Có nghĩa là, người tham gia giao thông (người chết) phải tự chịu một phần thiệt hại do phần lỗi của chính mình và phần thiệt hại còn lại sẽ do chủ sở hữu con bò bồi thường.

Hiện nay, chưa thể xác định được chủ sở hữu con bò là của ai nên việc truy trách nhiệm là hết sức khó khăn. Việc này đòi hỏi phải điều tra, xác minh để tìm chủ sở hữu mới có thể xử lý trách nhiệm.

Xử lý sao nếu không tìm thấy chủ bò

Luật sư Học phân tích, theo quy định hiện hành, người bắt được gia súc bị thất lạc phải nuôi giữ và báo ngay cho UBND cấp xã nơi người đó cư trú để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau 6 tháng, kể từ ngày thông báo công khai, hoặc sau 1 năm đối với gia súc thả rông theo tập quán, thì quyền sở hữu đối với gia súc và số gia súc được sinh ra trong thời gian nuôi giữ thuộc về người bắt được gia súc.

Trường hợp chủ sở hữu được nhận lại gia súc bị thất lạc thì phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho người bắt được gia súc. Trong thời gian nuôi giữ gia súc bị thất lạc, nếu gia súc có sinh con thì người bắt được gia súc được hưởng một nửa số gia súc sinh ra hoặc 50% giá trị số gia súc sinh ra và phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi cố ý làm chết gia súc.

Như vậy sau thời gian thông báo mà vẫn không tìm được chủ nhân thì con bò này sẽ được UBND xã bán đấu giá, xung công quỹ.

"Tuy nhiên, theo tôi số tiền bán bò này nên được trích để hỗ trợ cho gia đình anh Như" - luật sư Học nói.

Người đi xe máy tử vong sau khi tông con bò thả rông

TTO - Đi làm về ban đêm tông phải bò thả rông, anh Cao Thiên Như (ngụ huyện Phú Quốc, Kiên Giang) chấn thương sọ não và thiệt mạng sau nhiều ngày nằm viện.

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp