Căng thẳng bảo vệ đoạn đê biển Tây bị sóng gió tấn công - Ảnh: THANH MINH
Nhiều năm qua, hành trình tạo lập đê, giữ đê vẫn diễn ra hết sức dai dẳng, khó khăn. Nó như cuộc chiến một mất một còn giữa con người và thiên nhiên cuồng nộ...
Cứu đê trong sóng gió
Mưa đêm, gió rít và những con sóng biển khổng lồ rầm rập vỗ vào bờ. Đê biển Tây như người ôm mặt chịu những cú đấm liên hồi.
"Bị đánh liên tục hết năm này sang năm khác, thì người dù mình đồng da sắt cũng phải mệt" - ông Bùi Văn Ðông, hạt trưởng Hạt Ðê điều (Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau) ví von.
Chuyện đê bị đe dọa, rồi bể đê, hộ đê... luôn trở thành chuyện thời sự nóng của tỉnh Cà Mau. Mỗi năm, khi vào mùa sóng to gió lớn thì y như rằng sẽ liên tục có các chỉ đạo khẩn từ những người đứng đầu tỉnh để giữ cho đê biển Tây không thất thủ.
Lùa vội chén cơm, khoác vội chiếc áo mưa đã rách, Trần Minh Quảng (cán bộ Trạm quản lý đê điều huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) cùng nhóm anh em chạy ra đoạn đê bị sóng biển đánh dữ dội.
Cây gỗ, bêtông, đất đá... không chịu thấu trước những con sóng quật cao quá đầu người. Những bóng người dường như quá nhỏ bé. Trong màn mưa trắng xóa, cột sóng dựng đứng che khuất tầm nhìn, thỉnh thoảng lại lộ ra những bóng người đu đưa trên những chiếc cọc.
Anh Quảng nói đó là công việc mà anh em làm nhiệm vụ hộ đê đã làm từ nhiều năm nay. Trong điều kiện thời tiết xấu mà đê thì bị đe dọa, không thể đợi tới khi trời yên biển lặng mới ra cứu đê.
Tùy theo tình huống, nhưng thường thì khi phát hiện đê bị sóng uy hiếp, nhóm của anh cắm những cọc tràm rồi ôm đá chất lên để làm giảm áp lực sóng, che chắn cho đê. Việc nghe thì đơn giản, nhưng nó còn hơn cả nặng nhọc, bởi họ phải làm việc trong sóng gió khắc nghiệt, hiểm nguy...
Đó là một tình huống cấp cứu đê biển Tây đoạn gần khu vực Đá Bạc, tỉnh Cà Mau của lực lượng túc trực giữ đê. Nhiệm vụ của họ là phải bảo vệ đê bằng mọi giá. Bởi đê biển Tây mà bị "thất thủ" thì nhà cửa, vườn ao sinh kế của người dân cả một khu vực rộng lớn bên trong sẽ bị điêu đứng.
Và thực tế những người hộ đê đã nhiều lần thành công trước sóng gió. Tiếp sau đó, các lực lượng và máy móc hỗ trợ khắc phục những tổn thương của đê.
Có đợt sóng gió lớn, lực lượng tuyến đầu của anh Quảng phải chống chọi suốt ngày đêm không ngơi nghỉ như lính giữ thành. "Có khi chúng tôi phải chống chịu 15 giờ liên lục. Đê gặp nguy, mình là lính giữ đê mà lơ là thì chẳng khác nào bỏ ngũ" - một nhân viên hộ đê nói.
"Mình vất vả, nguy hiểm thiệt. Nhưng được cái là bà con hiểu và thương. Những ngày bám trụ trong mưa bão, bà con nấu bánh dừa, bánh tét mang ra cho anh em chống đói" - anh Quảng chia sẻ.
Hạnh phúc của những người hộ đê không đơn giản là nhìn thấy đoạn đê mình bảo vệ được lành lặn, mà còn cả khi cuộc sống dân tình phía trong đê được giữ trọn màu xanh và nụ cười.
Gian nan "cuộc chiến" hộ đê biển Tây - Ảnh: THANH MINH
Nhân dân cùng hộ đê
"Chưa năm nào sóng gió dữ dằn như năm nay" - ông Nguyễn Thanh Tuấn (63 tuổi, ấp Thời Hưng, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) vội vã nói khi theo nhóm anh em hộ đê ra đoạn đê bị sóng đánh "hở hàm ếch".
Là bộ đội phục viên, bước đường mưu sinh đã đưa ông Tuấn về vùng đất ven biển Tây và chứng kiến những đoàn người đến rồi đi vì không trụ được ở vùng đất đầy khắc nghiệt này. Họ trồng lúa nhiều phen trắng tay, vì đồng đất nhiều khi như bị "giải tỏa trắng" chỉ sau một trận sóng biển.
Ông Tuấn phải làm thuê đủ nghề, vậy mà cũng tích cóp được để mua miếng ao vuông rộng 12 công tầm lớn (khoảng 1,4ha) đối diện hòn Đá Bạc. Lúc đó, vuông tôm ông được bao bọc bởi những dải rừng, tưởng chừng như vững chắc. Ông đã từng nghĩ không lâu sau đất của mình sẽ ngày càng rộng dài ra, vì rừng mỗi năm mỗi lấn biển.
Nhưng đến năm 2006, vợ chồng ông Tuấn ngậm ngùi nhìn biển "gặm" hết miếng vuông. Hết rừng, hết đất, biển ăn tới đê. Thấy mà xót, ông Tuấn cứ làm chuyện "bao đồng" là dông bão tới lại xách đèn đi tuần coi đê có bị làm sao không.
Nếu có bất thường thì báo cho anh em hộ đê kịp xử lý. Ông Tuấn nói vì nhà ông ngay đê, gia đình ông bị trắng tay vì sóng gió, nên ông cũng theo dõi "tánh nết" của thiên nhiên rồi kinh nghiệm dần.
Nhà ngay phía trong đê, thấy anh em hộ đê dầm mưa dãi nắng, ông Tuấn ngỏ lời cho lực lượng hộ đê tá túc trong căn nhà lá của ông. Hết ngày này qua tháng nọ, những lúc đê biển Tây căng thẳng nhất thì nhà ông Tuấn lại như một lán trại.
"Có khi ông Quảng dẫn anh em đến đóng quân mấy tháng trời. Lúc đê bị nguy thì lực lượng đông hơn, phải nằm ra ngoài hiên. Anh em phải bắc đèn làm đêm làm ngày, chứ để sóng trùm qua đầu, vỡ đê rồi thì mệt.
Anh em nhiều khi không dám thay quần áo, ngồi xổm ăn cơm, rồi lại lao ra hộ đê nữa. Chuyện đó là thường xuyên chứ không phải lâu lâu mới có".
Thấy ông Tuấn tâm huyết với đê biển Tây, từ 6 năm trước, lãnh đạo Hạt đê điều đã động viên ông tham gia lực lượng hộ đê nhân dân với vai trò tổ trưởng tổ quản lý đê nhân dân. Ông Tuấn gật đầu tham gia công việc mà từ trước đó ông cũng đã sẵn sàng. Ông được phân công tham gia bảo vệ 4 cây số đê từ hòn Đá Bạc đến cống Kinh Mới.
"Vừa rồi, đi tuần ông ấy phát hiện đoạn đê có khả năng bị sóng tràn, dù ban đêm ban hôm, té ngã bị cây đâm vào người nhưng ông vẫn kịp báo để anh em chủ động ứng phó. Lần đó, triều cường và sóng lớn đã tràn qua đê.
Mình không kịp chuẩn bị là thiệt hại còn lớn hơn nhiều"- ông Đông kể và cho biết thêm dọc theo tuyến đê biển Tây luôn có những người nhiệt huyết bảo vệ đê như vậy. Lực lượng hộ đê không đủ, nhờ có những người dân nhiệt huyết như ông Tuấn cùng bảo vệ con đê xung yếu này.
"Chỉ cần vào Google gõ chữ đê biển Tây, sẽ thấy toàn là bể đê, đê bị nguy cấp, cứu đê..." - một cán bộ Hạt đê điều tỉnh Cà Mau kể những gì mà họ ứng phó toàn là "chuyện lớn" dù họ chỉ là "những người nhỏ bé".
Ông Nguyễn Long Hoai, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, nói rằng ông đã gắn bó với những đoạn đê từ khi mới ra trường và chứng kiến nhiều trận tỉnh dồn lực cứu đê, giữ đất, giữ sinh kế cho dân.
"Bảo vệ đê là công việc cực trần thân. Nhưng mỗi năm anh em càng làm tốt hơn. Từ chỗ người ta gọi mùa mưa là "mùa bể đê", thì giờ mặc dù bị sóng gió đe dọa, nhưng đa phần đê biển Tây vẫn đứng vững.
Ngoài việc được đầu tư xây dựng tốt hơn, cũng như có kè bảo vệ đê ở những đoạn xung yếu, thì lực lượng túc trực và người dân sống gần đê cùng hộ đê, họ làm rất trách nhiệm để giữ yên con đê quá quan trọng này" - ông Hoai tâm sự.
Chẳng ai như những người hộ đê luôn mong mình... thất nghiệp. Mỗi khi nghe có các hội thảo ứng phó biến đổi khí hậu, rồi triển khai dự án lớn để xây dựng đê kiên cố, làm đường ven biển có chức năng đê điều, họ lại khấp khởi mừng và đợi mong.
Dù là kiểu đê nào, bêtông hóa, vành đai rừng xanh phòng hộ, hay phối hợp đồng bộ nhiều giải pháp bền vững, thì mục tiêu bảo vệ được nhà cửa, đất đai sinh kế của nhân dân bên trong luôn là mối quan tâm lớn nhất của mọi người…
Khi biển không bồi nữa mà đến chu kỳ lở, sóng gió tàn phá bờ bãi, thì việc xây dựng, bảo vệ đê điều là hết sức khó khăn và tốn kém trước sức mạnh của đại dương.
Kinh nghiệm các nước trên thế giới thường thực hiện nhiều giải pháp khác nhau, như "kè xanh" (trồng rừng phòng hộ), đê tạm, đê bêtông kiên cố, kể cả mở bãi đầm ngập nước...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận