Phóng to |
Nhiều đoạn đê đã bị người dân đập phá để mở lối đi như thế này - Ảnh: Phương Nguyên |
Đi từ cống Bảy Giá đến cầu Mỹ Thanh 2 thuộc tuyến đường Nam Sông Hậu (quốc lộ 91C) ở huyện Trần Đề sẽ thấy con đê bằng bêtông cặp sát mép lộ và ôm trọn tuyến vòng cung quốc lộ 91C ven biển Đông. Phía bên ngoài đê là hàng trăm hộ dân sinh sống. Để có lối đi ra ngoài, nhiều người đã phá bỏ đoạn đê ngay trước phần đất nhà họ.
Bà Lê Minh Hiền (75 tuổi, ngụ xã Lịch Hội Thượng) cho biết gia đình bà đã sống ở đây trên 20 năm và than phiền: “Nhà cửa, cơ sở sản xuất được xây dựng đàng hoàng, bỗng dưng Nhà nước cho xây dựng con đê cao ngất ngay trước cửa nhà khiến vợ chồng tôi hằng ngày phải leo qua đê để ra ngoài, có lúc té ê cả người. Xe cộ không vào được nhà phải gửi nhà người dân bên ngoài. Phiền phức trăm bề”.
Lúc đầu, gia đình bà Hiền làm thang dốc bắc ở bên trong và bên ngoài đê để ra vào nhà nhưng đê cao quá, thang dốc ngoài lộ lấn ra lòng đường gây tai nạn giao thông nên chính quyền không cho. Gia đình muốn đào thêm ao nuôi tôm thì không đưa được xe ủi vào. Cả ngàn tấn thức ăn, tôm giống, vôi, nước đá tôm sau thu hoạch... không thể vận chuyển được nên gia đình bà Hiền phải phá một đoạn đê để mở lối đi.
Ông Huỳnh Khánh Lượng ở xã Trung Bình kể ông cũng phải mở một đoạn đê khoảng 2,5m để xe cuốc ra vào đào ao tôm và vận chuyển thức ăn, thu hoạch tôm.
Ông Nguyễn Văn Nhiệm cũng buộc phải phá một đoạn đê trước phần đất mà ông đào ao nuôi tôm ở xã Lịch Hội Thượng để tự cứu mình. Theo ông Nhiệm, người dân không muốn tự ý phá đê để mở lối đi, nhưng bà con đã kiến nghị tập thể, chính quyền địa phương đã có ý kiến mà đơn vị quản lý tuyến đê không ngó ngàng đến nguyện vọng của dân nên mọi người mới phá đê.
Ông Đặng Minh Hoàng, chủ tịch UBND xã Trung Bình, cho biết đã lập biên bản 52 hộ gia đình tự ý phá đê, đồng thời báo cáo vụ việc về huyện để xin hướng xử lý. Theo ông Hoàng, đơn vị quản lý tuyến đê đã có văn bản đề nghị chính quyền địa phương buộc dân phải trả lại hiện trạng ban đầu, đồng thời có hình thức xử lý các cá nhân vi phạm.
Ông Lê Thành Trung, chủ tịch UBND huyện Trần Đề, cho biết địa phương rất đắn đo khi phải xử lý người dân trong trường hợp này nên đến nay chưa xử phạt trường hợp nào. “Người dân đã quá khổ sở với tuyến đê này rồi” - ông Trung nói.
Theo ông Trung, tuyến đê này thuộc dự án đường Nam Sông Hậu, do Ban quản lý dự án Mỹ Thuận làm đại diện chủ đầu tư. Việc xây đê chống nước biển dâng là ý tưởng tốt nhưng xây đê kiên cố quá cao, cặp sát quốc lộ trong khi chưa có giải pháp thích hợp để ổn định cuộc sống, sản xuất của người dân bên ngoài đê là không ổn. Huyện Trần Đề đã đề xuất hai phương án: cho dân mở đê nhưng có hệ thống đóng mở khẩu hoặc xây tuyến đường gom bên ngoài đê, tuy nhiên chưa có phương án nào được các đơn vị liên quan đồng ý. Trong khi đó, đợt khảo sát đầu năm 2011 cho thấy tuyến đê có tổng cộng 61 chỗ bị người dân đập phá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận