30/06/2017 14:30 GMT+7

Để bệnh nhân phong bước ra với cuộc đời

ĐOÀN CƯỜNG - TẤN VŨ
ĐOÀN CƯỜNG - TẤN VŨ

TTO - Nhiều bệnh nhân khi mới vào trại phong Quy Hòa nghĩ rằng mình đang bước vào một cõi bế tắc. Nhưng rồi sau mấy mươi năm qua căn bệnh đã lành, cuộc sống trở lại bình yên, an nhiên với họ.

Quy Hòa giờ đã trở thành điểm đến của nhiều du khách - Ảnh: Đoàn Cường
Quy Hòa giờ đã trở thành điểm đến của nhiều du khách - Ảnh: Đoàn Cường

 

Ở làng phong hiếm ai có ý chí kiên định như ông Hai. Một thân một mình vô đất Quy Hòa tự thân học hành cũng gọi là thành danh

Đại diện hội đồng bệnh nhân

Tuy vậy sự mặc cảm, tự ti và nỗi ám ảnh cứ hằn sâu trong tâm thức. Chẳng ai muốn con cái của mình thổ lộ về nơi sinh sống, xuất xứ của bản thân để bước đi một cách vững chãi vào đời...

Bệnh nhân đến… giảng đường

Làng phong Quy Hòa giờ đã nườm nượp du khách thập phương tìm đến để thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình. Những tiệm tạp hóa, quán nước của bệnh nhân cũng mở cửa thênh thang đón mọi người ghé chơi.

Nhưng “vòng kim cô” vô hình của căn bệnh vẫn hiển hiện đâu đó trong tâm thức các bệnh nhân. “Cuộc đời chúng tôi xem như đã rồi, chúng tôi không muốn mình xuất hiện trên báo chí để ảnh hưởng đến cuộc sống con cháu mình” - một bệnh nhân tâm sự (cũng vì lẽ đó trong bài này chúng tôi xin được đặt tên khác cho họ).

Nhà ông Hai nằm ở ngã tư đường vào làng phong. Nhắc đến ông, dân làng cảm mến và xem ông như một tấm gương nhắc nhở con cháu về sự vượt khó thành danh. Vừa nghỉ hưu năm vừa rồi, ông Hai quay về tiệm tạp hóa gia đình để phụ giúp vợ.

Thấy khách lạ, ông Hai cũng e dè và khá kiệm lời chia sẻ về mình. Quê ông Hai ở Quảng Bình, đang là sinh viên một trường ĐH kỹ thuật mang ước mơ trở thành kỹ sư trong tương lai. Bỗng dưng năm 1979, ông Hai phát bệnh phong khiến cánh cửa tương lai đóng sập lại.

Ông bảo rằng lúc đó chỉ ước được chết, một cái chết thật nhanh... Rồi ông nghe phong thanh tin tức về nơi dành riêng cho những người có cùng nỗi thống khổ như mình. Đó chính là Quy Hòa. Vậy là ông lặng lẽ đón xe đò vào đất Quy Nhơn năm 1980.

Chỉ trong bốn năm, các bác sĩ đã chữa dứt bệnh phong cho ông Hai. Cho rằng ông Hai là người có trình độ khá của làng, giám đốc khi ấy là bác sĩ Ngoạn nói nếu ông muốn ở lại bệnh viện thì nên làm một công việc phù hợp để phát huy khả năng của mình.

Ông Hai xin được thử làm kế toán, rồi thấy công việc kế toán cũng gian nan, ông đăng ký học ĐH tại chức ở Quy Nhơn. Cứ như vậy, mỗi khi lớp học tập trung, ông Hai lại ròng rã đạp xe vượt đèo ra Quy Nhơn để học.

Những năm 1989, cuộc sống còn kham khổ nhưng ông Hai không chỉ học ĐH tại chức mà còn đăng ký học thêm kỹ thuật viên về chấn thương chỉnh hình.

Khi bác sĩ Ngoạn nghỉ làm giám đốc, ông Hai cũng nghỉ làm kế toán và bắt đầu chuyển sang một công việc mới là kỹ thuật viên phục hồi chức năng, chấn thương chỉnh hình cho những người cùng cảnh ngộ.

Suốt chín năm trời làm kỹ thuật viên, ông Hai đã lăn lộn khắp 11 tỉnh của miền Trung, Tây Nguyên để giúp những người đồng bệnh như mình. Ông trở thành người dạy kỹ thuật về chấn thương chỉnh hình cho một số bệnh nhân ở Kon Tum.

Trường mầm non Quy Hòa - nơi nuôi dạy con em bệnh nhân được xây dựng ngay giữa làng phong - Ảnh: Tấn Vũ
Trường mầm non Quy Hòa - nơi nuôi dạy con em bệnh nhân được xây dựng ngay giữa làng phong - Ảnh: Tấn Vũ


Hạnh phúc trong lặng thinh

Những thế hệ con cháu của các bệnh nhân ở Quy Hòa giờ đây đã có thể tự tin bước ra với thế giới bên ngoài. Vị đại diện của hội đồng bệnh nhân nhẩm tính Quy Hòa hiện có hơn 400 bệnh nhân, 60-70 người là con các bệnh nhân đang là sinh viên hoặc đã tốt nghiệp CĐ, ĐH.

Gia đình có 2-3 con đều là sinh viên không phải là ít. Không chỉ vậy, đã có người học lên đến cao học.

Có người hiện là phó giám đốc ngân hàng, bác sĩ, giảng viên... và nhiều người ra trường hiện đang quay trở lại chính quê hương Quy Hòa để phục vụ bệnh nhân.

Ngôi nhà nhỏ của gia đình ông Nhân ở đầu làng phong. Đã chạng vạng tối, ông Nhân vẫn đang tỉ mẩn sửa từng chiếc xe đạp. Nhìn người đàn ông nhỏ thó, vầng trán cao, chân tay co quắp vì bệnh phong này ít ai nghĩ ông từng là giáo viên.

Nghỉ dạy, ông Nhân mở một tiệm sửa xe đạp ngay trước hiên nhà mình, và nhờ đó ông nuôi cả gia đình. Gia đình ông Nhân là một trong những gia đình trí thức của làng phong.

Đứa con gái thứ hai của ông tốt nghiệp ĐH Công nghiệp TP.HCM, hiện làm kế toán. Đứa thứ ba tốt nghiệp trung cấp hiện đang làm y sĩ ở bệnh viện. Giờ ông Nhân lại đang tiếp tục nuôi hai đứa đang học ĐH chuyên ngành dược tại Đà Nẵng.

Ông nói: “Ở đâu nghề sửa xe đạp mới ế chứ tại Quy Hòa này không ế bao giờ. Vì dân làng toàn đi xe đạp. Cũng khó có ai mà 20 năm làm nghề sửa xe đạp như tui”.

Ở cuối làng là nhà ông Tâm thợ hồ, vợ làm thợ ở xưởng may nhưng hai người con của ông bà lại có một sức học rất đáng nể.

Người con trai đầu sau khi tốt nghiệp cử nhân ở ĐH Khoa học Huế đã tiếp tục học lấy bằng thạc sĩ. Hiện anh mở trung tâm dạy học ở Quy Nhơn.

Con gái của ông Tâm thì làm bác sĩ. Ông Tâm tâm sự cả đời ông chỉ mong sao cho con cái học hành đàng hoàng, bước ra ngoài với người ta.

Bảng nội quy chống các loại tệ nạn của dân làng Quy Hòa - Ảnh T.V.
Bảng nội quy chống các loại tệ nạn của dân làng Quy Hòa - Ảnh T.V.

 

Nhiều gia đình khác trong làng phong này như ông P., bà L.,... hiện cũng có con học xong ĐH và đang học lên cao học. Trong câu chuyện của mình, họ đều thể hiện sự tự hào về sức học con cái mình. Tuy nhiên, đó là niềm hạnh phúc trong im lặng mà họ không muốn sẻ chia nhiều với người lạ.

“Chúng tôi không muốn cuộc đời mình, căn bệnh của mình sẽ đeo bám dai dẳng trong tâm thức con cái của mình. Hãy để chúng bước ra đời hoàn toàn an nhiên” - ông Tâm nói với giọng bùi ngùi.

__________________________________

Kỳ cuối: Từ Quy Hòa ngắm nhìn vũ trụ

Xem các kỳ trước:

Kỳ 5: 

Kỳ 4:  

Kỳ 3:  

Kỳ 2:  

Kỳ 1: 

ĐOÀN CƯỜNG - TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp