13/05/2021 09:42 GMT+7

Đê bao bờ hữu sông Sài Gòn lún nửa mét

LÊ PHAN
LÊ PHAN

TTO - Hoàn thành từ năm 2015, tuyến đê bao bờ hữu sông Sài Gòn đến nay chưa được chủ đầu tư bàn giao cho đơn vị chuyên môn quản lý khai thác đã bị xuống cấp nghiêm trọng, trong đó đoạn Nam Rạch Tra bị sụp lún hơn nửa mét so với cao độ thiết kế.

Đê bao bờ hữu sông Sài Gòn lún nửa mét - Ảnh 1.

Khu vực sạt lở tại đê bao bờ hữu sông Sài Gòn đoạn qua xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, được gia cố và cắm bảng cảnh báo - Ảnh: LÊ PHAN

Từ năm 2015, khi dự án đê bao bờ hữu sông Sài Gòn hoàn thành, người dân ven sông các quận 12, Gò Vấp, huyện Hóc Môn, Củ Chi tạm bớt vất vả chống chọi với triều cường. Thế nhưng, thời gian gần đây nhiều đoạn đê thuộc các quận 12, Gò Vấp và huyện Hóc Môn bị xuống cấp, sạt lở khiến người dân lại nơm nớp lo ngập, nhất là khi mùa mưa bão cận kề.

Nuốt hơn 20 mét đất một đêm

Chỉ chúng tôi xem đoạn ven rạch Cầu Cụt (xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn) bị nước "liếm", anh T. kể nơi này từng là mỏm đất chồm ra sông - nơi gia đình anh tận dụng để dựng quán nước bán cho bà con chòm xóm. Rồi một hôm khu vực này bị sạt lở cuốn trôi cả khoảnh đất, chính quyền địa phương phải huy động lực lượng khắc phục và cắm bảng cảnh báo sạt lở. Cũng theo anh T., đường đê bao ven khu vực này còn nhiều điểm sạt lở khác đe dọa "nuốt" con đường bất cứ lúc nào.

Đi dọc đường đê bao bờ hữu sông Sài Gòn thuộc quận 12, huyện Hóc Môn mới thấy rõ nguy hiểm chờ chực. Mặt đê được đắp bằng đất, chỗ hẹp nhất chỉ rộng khoảng 3m, nhiều đoạn chân đê bị nước khoét sâu vào. Hiện tại chưa phải đỉnh triều nhưng mặt nước sông Sài Gòn chỉ cách mặt đường khoảng nửa mét. Người dân địa phương cho hay chỉ cần triều cường đạt mức 1,7m trở lên là nước sông vượt bờ tràn vào khu dân cư.

Ông Đặng Thanh Xuân - chủ tịch UBND xã Nhị Bình - cho biết đoạn đê bao qua địa bàn xã hoàn thành từ năm 2012 nhưng đến nay chủ đầu tư chưa bàn giao nên thành phố không cấp kinh phí duy tu. "Hiện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP vẫn đang quản lý công trình này, Công ty TNHH MTV Dịch vụ thủy lợi quản lý các cống thoát, van ngăn triều. Khi có sự cố thì xã chủ động khắc phục. Một số thời điểm xảy ra triều cường cao, nước từ sông Sài Gòn chảy tràn vào, xã phải huy động lực lượng để hỗ trợ bà con ngăn nước", ông Xuân cho biết.

Khẳng định không sai thiết kế

Theo thiết kế, tuyến đê bao bờ hữu sông Sài Gòn có cao trình 2,2m, đường trên đê cho phép xe tải trọng 5 tấn lưu thông. Nhưng thực tế chỉ cần triều cường đạt 1,6 - 1,7m là nước đã tràn bờ, khiến người dân ngờ rằng công trình này xây dựng không đúng thiết kế.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Khưu Thành Khiêm - đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP - khẳng định tuyến đê này được xây dựng đúng với thiết kế. Theo ông Khiêm, những năm qua địa tầng tại huyện Hóc Môn, quận 12 có nhiều nơi bị lún đến 60 - 70cm nên tuyến đê này hiện không còn đủ cao trình như ban đầu. Mặt khác, nhiều đoạn đê được đưa vào sử dụng từ năm 2012, xe cộ qua lại, hoạt động san lấp, bến bãi ven sông cũng khiến công trình bị xuống cấp. 

"3 - 4 năm nay chúng tôi đã đề xuất bàn giao nhưng các sở ngành chuyển qua chuyển lại không nhận. Chúng tôi đang trình Thường trực UBND TP chủ trì để bàn giao, sau khi bàn giao mới được bổ sung kinh phí duy tu bảo dưỡng cho công trình này", ông Khiêm nói.

Trong khi đó, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM cho biết các gói thầu của dự án đê bao bờ hữu ven sông Sài Gòn đã được chủ đầu tư nghiệm thu nhưng vướng nhiều lý do nên chưa bàn giao cho đơn vị quản lý khai thác. Cụ thể, kết cấu đê bao bằng đất đắp đã sử dụng qua thời gian dài nên nhiều vị trí, hạng mục hư hỏng, xuống cấp. Đê bao và các cống ngăn triều tại thời điểm kiểm tra, đề nghị bàn giao không đạt theo cao trình thiết kế đã duyệt. 

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị kiến nghị bàn giao dự án theo hiện trạng nhưng hiện trạng công trình chưa có cơ sở pháp lý, chưa được UBND TP hướng dẫn nên sở không thể tiếp nhận.

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong thời gian chờ UBND TP hướng dẫn, sở sẽ chỉ đạo Chi cục Thủy lợi, Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi phối hợp với địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát các vị trí xung yếu và chuẩn bị vật tư để kịp thời xử lý sự cố. Cũng theo sở này, hiện Sở Kế hoạch và đầu tư đang được UBND TP giao chủ trì với các sở ngành liên quan nghiên cứu, xử lý các vướng mắc trong việc bàn giao công trình.

Công trình đê bao bờ hữu sông Sài Gòn gồm hai gói thầu chính: Nam Rạch Tra (quận 12, quận Gò Vấp, huyện Hóc Môn) và Bắc Rạch Tra (huyện Củ Chi).

Gói thầu Nam Rạch Tra có tổng chiều dài đê bao hơn 12km, bờ bao các rạch nội đồng khoảng 46km và 209 cống các loại. Gói thầu này khởi công năm 2007, cơ bản hoàn thành năm 2015, có chức năng chống lũ cho 3.560ha đất sản xuất nông nghiệp và khu dân cư, phục vụ cho 27.795 hộ dân.

Gói thầu Bắc Rạch Tra gồm đê bao sông Sài Gòn dài khoảng 9,5km, bờ bao các rạch nội đồng hơn 32km và 136 cống các loại. Gói thầu này khởi công năm 2009, cơ bản hoàn thành năm 2015, với nhiệm vụ chống lũ cho 3.054ha đất sản xuất nông nghiệp và khu dân cư.

Sau chỉnh trang vỉa hè, bờ kè sông Cà Ty Phan Thiết nứt toác và sụp lún Sau chỉnh trang vỉa hè, bờ kè sông Cà Ty Phan Thiết nứt toác và sụp lún

TTO - Sau cơn mưa lớn vào tối 26-4, một đoạn bờ kè Cà Ty đoạn thuộc đường Trưng Trắc, phường Đức Nghĩa, TP Phan Thiết (Bình Thuận) nứt toác và sụp lún xuống sông.

LÊ PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp