Tiết học tiếng Anh của học sinh một trường THPT - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Thắc mắc này được nêu ra trong hội nghị triển khai đề án giai đoạn tiếp theo (2016-2020) do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 17-9.
Theo mục tiêu của đề án đã đặt ra, tới năm 2020 sẽ có 100% học sinh lớp 3 được học chương trình tiếng Anh 10 năm với tổng kinh phí 9.378 tỉ đồng. Nhưng tính tới năm 2016, cả nước mới chỉ có 1.617.022 học sinh lớp 3, 4, 5 trên tổng số 7.784.685 được học tiếng Anh 4 tiết/tuần. Còn lại chủ yếu mới chỉ được làm quen với tiếng Anh thời lượng 2 tiết/tuần. Như vậy so với mục tiêu trên, hiện tại mới chỉ đạt được 20%.
Đích còn xa...
Theo Bộ GD-ĐT, khó khăn lớn nhất để đạt được mục tiêu trên là vấn đề giáo viên. Đến hết năm 2015, cả nước có gần 49% giáo viên tiếng Anh tiểu học cả nước đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của VN.
Để 51% giáo viên còn lại đạt chuẩn sẽ mất khoảng thời gian nhiều hơn thời gian đã thực hiện đề án, nhưng chỉ có chờ tới lúc đó thì 100% học sinh tiểu học mới có thể đảm bảo được học 4 tiết/tuần. Với số lượng hơn 21.000 giáo viên đạt chuẩn như hiện nay thì mỗi giáo viên phải dạy 5-10 lớp, tương đương 20-40 tiết/tuần.
Trong khi đó, quy định mỗi giáo viên tiểu học dạy 23 tiết và với giáo viên ngoại ngữ khi thực hiện chương trình tiếng Anh tiểu học những năm đầu chỉ dạy 18 tiết/tuần. Ở bậc THCS và THPT, đến hết năm học vừa qua mới có 33,14% giáo viên đạt chuẩn, trong đó THPT mới có 26,12%.
Đó chỉ là con số tổng quát, còn tìm hiểu ở từng địa phương, tình trạng thiếu giáo viên đạt chuẩn để đảm bảo yêu cầu dạy học tiếng Anh thảm hơn nhiều. Tỉnh Cao Bằng hiện có 275 trường nhưng chỉ có 86 giáo viên tiếng Anh, chưa đến 30% số lượng giáo viên cần để đáp ứng việc học ngoại ngữ đủ 4 tiết/tuần.
Rất nhiều tỉnh khác rơi vào cảnh tương tự như Bắc Kạn, Hòa Bình, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Hậu Giang...
Bất ổn tập huấn, bồi dưỡng
Việc tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên ở nhiều địa phương cũng bất cập. Theo thông tin của Bộ GD-ĐT, nhiều tỉnh đã không khảo sát, phân loại trình độ giáo viên mà vẫn tổ chức lớp bồi dưỡng. Điều này dẫn tới việc giáo viên có trình độ khác nhau được xếp vào một lớp, một đợt. Các cơ sở giáo dục không tạo điều kiện được cho giáo viên tập trung nâng cao trình độ nên hiệu quả thấp. Tình trạng giáo viên đổ xô đi học ở những cơ sở đào tạo “dễ thở” để có chứng chỉ hợp thức hóa quy định nhằm giữ chỗ dạy ở các trường rất phổ biến.
Ở TP.HCM, đã có giảng viên đề nghị được tự chọn nơi học, tự sắp xếp thời gian đi học và mang chứng chỉ đạt chuẩn về chứ không đồng ý đi học tập trung theo sự sắp xếp của cơ quan quản lý. Giải pháp này đã được nhiều người đồng tình và ủng hộ, nhưng rất tiếc cuối cùng không thể thực hiện do vướng quy định về quyết toán kinh phí.
Thậm chí có địa phương còn tổ chức lớp bồi dưỡng ồ ạt theo kiểu “tiêu cho hết tiền” chứ thật sự không hiệu quả. Trong năm 2015-2016, Bộ GD-ĐT đã đẩy mạnh việc kiểm tra, chấn chỉnh nhưng việc này vẫn chưa khắc phục được các bất cập.
Tình trạng quá nhiều cơ sở đào tạo, liên kết đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ dễ dãi đã biến mục tiêu “cải thiện chất lượng đội ngũ giáo viên” thành mục tiêu chạy theo con số thành tích hình thức khi sự “chuyển biến” chỉ nhìn thấy ở số giáo viên được cấp chứng chỉ trình độ tiếng Anh đạt chuẩn tăng nhanh.
Nhiều nơi trong 8 năm qua đã kịp “đạt chuẩn” về bằng cấp, chứng chỉ nhưng trình độ thực tế vẫn là điều bất ổn. Tỉnh Quảng Ngãi từ chỗ chỉ có 1/132 giáo viên tiểu học, 28/512 giáo viên THCS đạt chuẩn B2 và 3/223 giáo viên THPT đạt chuẩn C1 đợt khảo sát đầu, đến nay đã có 200/254 giáo viên tiểu học, 386/570 giáo viên THCS và 195/256 giáo viên THPT đạt chuẩn.
Nhưng theo ông Nguyễn Minh Trí - phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh, “năng lực chuyên môn của giáo viên tiếng Anh hiện còn rất yếu ở tất cả các kỹ năng. Đa số giáo viên và các cơ sở đào tạo ỷ lại, trông chờ vào các lớp bồi dưỡng do Sở GD-ĐT tổ chức”.
Ngành GD-ĐT nhiều địa phương cho rằng với quy định hạn chế về định biên như hiện nay, cơ chế tuyển dụng với nhiều bất cập thì việc bổ sung đủ nguồn giáo viên đạt chuẩn và có năng lực thực tế đảm bảo yêu cầu sẽ gặp khó khăn.
(còn tiếp)
Lãng phí Đến năm 2014-2015, tình trạng lãng phí trong việc triển khai đề án mới được thanh tra Bộ GD-ĐT phát hiện. Theo thanh tra bộ, nhiều địa phương đã dùng tiền của đề án phân bổ mua thiết bị hiện đại, đắt tiền nhưng lại không trang bị phần mềm tiếng Anh, không phục vụ trực tiếp cho các mục tiêu của đề án. Có nơi mua sắm thiết bị nhưng không tập huấn kỹ, giáo viên không sử dụng được thiết bị vào việc dạy học. Có nơi đầu tư tiền dự án mua sắm thiết bị rất lớn nhưng vốn đối ứng để nâng cấp cơ sở vật chất, đảm bảo việc sử dụng thiết bị hiệu quả không đúng mức. Ví dụ không có phòng học tiếng cách âm, không có nơi bảo quản thiết bị dẫn tới việc thiết bị xuống cấp, hỏng hóc. Nhiều tỉnh đã sử dụng phần lớn kinh phí mua sắm thiết bị nên không còn tiền cho các hoạt động khác của đề án (bồi dưỡng giáo viên, mua tài liệu, phần mềm dạy học). Có nơi do không có kế hoạch từ trước đã mua thiết bị công nghệ thông tin chỉ có phần cứng, không có phần mềm ứng dụng đi kèm nên “đắp chiếu”, không dùng được. |
“Việc quản lý điều hành đề án giai đoạn đầu đã rất lúng túng. Sở dĩ dẫn tới các bất cập trên là đề án phân bổ kinh phí về địa phương để địa phương tự chi, hướng dẫn đến các địa phương quá chậm. Trong khi nhiều địa phương hoàn toàn thụ động và bối rối trong việc khảo sát trình độ giáo viên, khảo sát đánh giá đầu ra của học sinh các cấp, mua sắm trang thiết bị, tổ chức bồi dưỡng giáo viên... Việc này dẫn tới tình trạng triển khai hiệu quả thấp, lãng phí. Đặc biệt là việc đào tạo, đào tạo lại đối với giáo viên”. TS Nguyễn Văn Huấn (phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận