Sáng nay 13-6, tại Hội nghị lần thứ 31 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm đã có báo cáo kết quả đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Cảng Cần Giờ đã có từ lâu trong ý tưởng, quy hoạch và xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế biển. Cảng được đánh giá là một công trình tầm vóc, mang lại lợi ích lớn cho đất nước. Việc xây dựng cảng đã được Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ định hướng và giao nhiệm vụ nghiên cứu triển khai thực hiện.
Vị trí cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nằm ở khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Nơi đây nằm ở cửa sông Cái Mép - Thị Vải, trong vịnh Gành Rái, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, thuận lợi để phát triển cảng trung chuyển quốc tế. Cảng Cần Giờ sẽ bổ sung tiềm năng, tương hỗ đưa cả Cái Mép - Thị Vải trở thành một trung tâm trung chuyển quốc tế tầm cỡ thế giới.
Ngoài các điều kiện thuận lợi về vị trí chiến lược, điều kiện tự nhiên, luồng hàng..., một yếu tố quan trọng để hình thành và phát triển một cảng trung chuyển quốc tế đó chính là có sự quan tâm của hãng tàu lớn trên thế giới.
Hiện liên danh Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn và TerminalInvestment Limited Holding S.A (MSC) quan tâm và đã nộp hồ sơ đề xuất dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. MSC là hãng tàu lớn nhất thế giới có trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sĩ.
Hãng tàu có năng lực chuyên chở của đội tàu đạt trên 23 triệu Teu/năm, chiếm 18% tổng năng lực vận tải đội tàu thế giới. Các tuyến dịch vụ kết nối tới hơn 500 cảng biển toàn cầu.
Tại Việt Nam, hãng tàu hiện có dịch vụ tới hệ thống các cảng container tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cái Mép - Thị Vải… Hằng năm, đội tàu MSC vận chuyển hơn 1 triệu Teu hàng hóa xuất nhập khẩu từ Việt Nam kết nối với các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Đông Nam Á…
Theo đề án, khi cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ hình thành sẽ đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 40.000 tỉ đồng/năm, tạo ra việc làm cho 6.000 - 8.000 lao động. Cảng sẽ thu hút các công ty vận tải, logistics, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm lớn trên thế giới; thúc đẩy sự hình thành Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM...
UBND TP đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình thẩm định quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất vùng nước cảng biển TP và đề án, để sớm trình Thủ tướng phê duyệt (dự kiến quý 3-2024), làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Về đề án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, phát biểu tại Hội nghị Thành ủy sáng cùng ngày, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nói các nhà nghiên cứu đều nhìn nhận dự án này không chỉ phục vụ cho TP.HCM mà còn là tài sản có giá trị quốc tế. Phải nhìn nhận dưới góc độ đó để huy động trí tuệ thực hiện.
Chủ tịch Tập đoàn MSC đã sang thăm và báo cáo đề xuất dự án
Trước đó, tháng 11-2021, trong khuôn khổ chương trình kết nối doanh nghiệp tại Pháp, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn đã ký kết và trao thỏa thuận khung hợp tác với MSC, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng.
Tháng 7-2022, chủ tịch Tập đoàn MSC đã sang thăm và báo cáo Thủ tướng về đề xuất đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
- item
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận