Theo các địa phương và chuyên gia, năm nay ĐBSCL nhiều khả năng sẽ đối mặt với mặn khốc liệt như năm cực đoan 2016. Trong ảnh: một con kênh ở huyện Long Phú, Sóc Trăng cạn trơ đáy trong mùa khô năm 2016 khiến người dân rất khốn đốn - Ảnh: CHÍ QUỐC
Theo bản tin dự báo tình hình thủy văn, nguồn nước và xâm nhập mặn từ 24 đến 30-1 của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, độ mặn cao nhất tuần qua tại các trạm thuộc vùng hạ lưu các sông Nam Bộ ở mức khá cao, ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2016 (năm cực đoan về hạn, mặn) và trung bình nhiều năm. Độ mặn lớn nhất tại hầu hết các trạm vùng hạ lưu các sông Nam Bộ đều xuất hiện vào cuối tuần.
Trong tuần tới (trùng với những ngày Tết Nguyên đán), dự báo dòng chảy qua Tân Châu và Châu Đốc sẽ giảm chậm đến cuối tuần và ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Trong khi đó, thủy triều trên các sông Nam bộ sẽ lên theo kỳ triều cường đầu tháng 1 âm lịch và đạt đỉnh vào giữa tuần.
Độ mặn lớn nhất trên các sông Nam bộ hầu hết xuất hiện vào nửa đầu tuần, riêng vùng bán đảo Cà Mau và TP.HCM xuất hiện vào cuối tuần, ở mức nhỏ hơn so với cùng kỳ mùa khô 2016 và lớn hơn so với trung bình nhiều năm.
Trong một diễn biến có liên quan, UBND tỉnh Bạc Liêu vừa có tờ trình gửi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải đề nghị cho phép vận hành tạm thời cống âu thuyền Ninh Quới (do Ban quản lý dự án thủy lợi 10 thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đầu tư, đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính) nhằm phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất và dân sinh mùa khô năm 2019-2020 cho 3 tỉnh liên quan.
Cụ thể, việc vận hành tạm này phục vụ sản xuất vụ lúa đông xuân 2019-2020 của Bạc Liêu (48.000ha), Sóc Trăng (53.000ha), Hậu Giang (3.000ha); vụ lúa trên đất nuôi tôm hơn 39.000ha và khoảng 62.000ha nuôi trồng thủy sản vùng chuyển đổi sản xuất phía bắc quốc lộ 1 của tỉnh Bạc Liêu.
Dự án cống âu thuyền Ninh Quới phục vụ vùng sản xuất của nhiều tỉnh ở ĐBSCL cơ bản hoàn thành, tỉnh Bạc Liêu đề nghị cho vận hành tạm để phòng chống xâm nhập mặn - Ảnh: CHÍ QUỐC
Chính quyền Bạc Liêu cho biết theo các nhận định, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 sẽ gay gắt tương đương mùa khô năm 2015-2016.
Hiện nay, do tác động của các đợt triều cường có đỉnh triều cao và mực nước trên sông Cửu Long xuống thấp nên hiện tượng xâm nhập mặn mùa khô năm nay đã xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng 1 tháng và ở mức cao hơn, gay gắt hơn.
Ranh mặn 4 phần ngàn xâm nhập vào sâu nội địa vùng các cửa sông Cửu Long từ 45km - 55km (có 8/13 tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL đã bị mặn xâm nhập sâu).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận