TS Võ Hùng Dũng - Ảnh: Chí Quốc
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng: bên cạnh việc kêu gọi đầu tư hạ tầng, lãnh đạo các địa phương cần thay đổi tư duy không dựa quá nhiều vào nông nghiệp, đặc biệt là biết cách tìm cơ hội trong gian khó.
Hạ tầng quan trọng, thay đổi tư duy còn quan trọng hơn
Thưa ông, vừa qua bí thư Thành ủy Cần Thơ nêu thực trạng 13 tỉnh, thành ĐBSCL chỉ thu ngân sách bằng 1 tỉnh Bình Dương. Phải chăng lâu nay cả vùng này đặt quá nặng vào vai trò của nông nghiệp và chỉ phát triển dựa trên nền tảng nông nghiệp?
Chính xác là như vậy. Gần như không ai dám bỏ cái này (nông nghiệp - PV) cả. Lãnh đạo xuất thân từ nông nghiệp, lâu năm làm trong lĩnh vực đó. Gia đình thì gắn bó với truyền thống đó. Rất ít người xuất thân từ lĩnh vực công nghiệp nằm trong bộ máy quản lý.
Thậm chí nhiều tỉnh cơ cấu Ban thường vụ phải có một thành viên từ nông nghiệp với nhân sự hoặc là phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách nông nghiệp hoặc là giám đốc Sở NN&PTNT.
Gắn bó nông nghiệp là tốt, nhưng nó ảnh hưởng trong phương thức điều hành, ảnh hưởng trong tư duy đến mức khi ai mà nói trái với nông nghiệp hiện nay là phê phán ngay. Khi được cấp trên khen thì cảm thấy đủ rồi, sướng rồi, tôi chưa làm gì sai, được trung ương khen thì "cần gì thay đổi". Nền tảng của các vị lãnh đạo địa phương không đổi. Nói cách khác là không thay đổi cả hệ thống nên thậm chí một ông bí thư tỉnh ủy cũng không dám làm vì xung quanh đều cứng nhắc hết.
Ngay cả nông nghiệp thì bây giờ cũng phải thay đổi với một nền nông nghiệp công nghệ cao, còn "cao" thế nào cần dựa vào thị trường cụ thể, gồm thị trường truyền thống (châu Âu, Mỹ, Nhật…) và thị trường mới (Trung Quốc, Đông Nam Á…)
Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có từ năm 2009, nhưng 10 năm nay chưa hoàn thành được kilomet đường nào - Ảnh: Chí Quốc
Nhiều địa phương cho rằng họ đã nhận thức được và bắt đầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ chú trọng nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại và dịch vụ, nhưng hạ tầng giao thông yếu kém là rào cản cho vấn đề này?
Rõ ràng câu chuyện giao thông yếu kém cản trở quá trình phát triển, môi trường đầy tư là có thật và đã kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng cản trở về tầm hoạch định mới là cản trở lớn. Cứ suốt ngày đi "ca bài ca nông nghiệp" trên tư duy của nông nghiệp cũ, muốn thay đổi nông nghiệp cũ đó thành mới như đã nói trên thì phải có dịch vụ, công nghiệp vào đây. Nếu không có tư duy tốt mà có đường sá tốt rồi cũng sẽ lãng phí.
Vậy theo ông, để chuyển dịch mạnh mẽ sang công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đâu là rào cản thật sự và giải quyết bài toán này thế nào?
Như tôi đã nói, đầu tiên là cần thay đổi suy nghĩ cái đã. Khi thay đổi, tức là làm cho thông trong bộ máy, lúc đó sẽ đưa ra nghị quyết. Bộ máy thông cái đi, rồi những điểm nghẽn về nhân sự anh giải quyết vấn đề nhân sự, giao thông sẽ có giải pháp giải quyết vấn đề giao thông. Lúc đó phải khảo sát, đánh giá, đưa ra thảo luận bàn bạc. Không phải lãnh đạo nói là xong mà mời chuyên gia thảo luận đi thảo luận lại rất nhiều cuộc.
Những cuộc thảo luận như vậy mới vỡ ra từng phần. Có cái làm thay đổi hoạch định, có cái làm thay đổi suy nghĩ rồi đưa vào hoạt động hằng ngày, hằng giờ của các lãnh đạo địa phương, các giám đốc sở.
Dù chưa thể hiện trên giấy tờ được nhưng ít ra bắt đầu thay đổi trong điều hành. Từ suy nghĩ đó thì chừng 3 đến 5 năm sẽ chuyển động ra bên ngoài. Còn nếu anh chưa thấy, chưa thay đổi gì trong suy nghĩ thì 3 năm nữa chưa có gì cả.
Tuyến đường nối cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống đã hoàn thành nhưng vẫn chưa thông do cầu Vàm Cống vẫn chưa xong. Ngay cả khi cầu Vàm Cống được đưa vào sử dụng thì tuyến đường này vẫn còn nút "thắt cổ chai" bởi nhiều tuyến đường khác kết nối chưa được đầu tư tương xứng - Ảnh: Chí Quốc
Khó khăn cũng là… cơ hội
Nhiều năm qua, nhìn vào kết quả có thể thấy được đa phần các tỉnh ĐBSCL đều cải thiện thứ hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), nhưng việc thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài rất khiêm tốn. Nhiều tỉnh cho rằng là do khó khăn trở ngại về hạ tầng giao thông?
Nói giao thông khó khăn không kéo được nhà đầu tư về thì đúng trong 4 - 5 năm về trước. Nhưng bây giờ chưa hẳn thế và đặt ra nhiều vấn đề. Trong 5 năm qua, giao thông ĐBSCL có thay đổi không?, có phát triển không?, tôi cho rằng là có. Nhưng vì sao tắc nghẽn giao thông lại diễn ra nhanh hơn. Điều đó cho thấy nội lực tiềm tàng của vùng đã lớn đến mức cần một nhu cầu đột phá về hạ tầng giao thông.
Tuy nhiên trước khi chờ sự đột phá về hạ tầng giao thông, tôi nghĩ các địa phương cũng nên thấy rằng đó cũng là… cơ hội cho nhà đầu tư, vì vậy cách thức tiếp cận đầu tư cũng phải thay đổi. Anh phải chứng minh cho nhà đầu tư thấy rằng nội lực bên trong của địa phương mình là rất lớn. Phải làm một số so sánh tại địa phương về các tiềm năng để chứng minh với nhà đầu tư rằng sẽ sinh lợi nếu họ đến.
Tôi nhớ, trước đây thu hút đầu tư nước ngoài cũng vậy, cũng phải nói cho nhà đầu tư biết là chúng tôi đang thế này, nhưng nhà đầu tư vào lúc này sẽ có lợi. Và rõ ràng một số nhà đầu tư đi đầu lúc đó bây giờ có lợi thật sự. Nếu họ chưa tin thì địa phương nên mời chuyên gia biết đo đạc, tính toán số liệu làm bài bản rồi cung cấp cho họ.
Nông nghiệp ĐBSCL cũng phải thay đổi theo hướng công nghệ cao, mang lại giá trị gia tăng lớn hơn - Ảnh: Chí Quốc
Trở lại câu chuyện "chiếc áo quá chật" đến mức cần một sự đột phá như ông đã nói. Trước đây Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký quyết định 99 năm 1996 về đầu tư hạ tầng nông nghiệp, sau đó nông nghiệp ĐBSCL đã phát triển mạnh mẽ và đạt nhiều thành tựu to lớn. Vậy có cần một "quyết định 99" như vậy cho hạ tầng giao thông vào thời điểm này ở ĐBSCL?
Phải nói là rất cần một "nghị quyết" kiểu như vậy để giải quyết "ách tắc" hạ tầng giao thông ĐBSCL. Tôi cho rằng nên có một vị ở trung ương tầm cỡ như phó Thủ tướng hoặc Thủ tướng chủ trì công việc này, bởi có đầu tư hạ tầng mới cụ thể hóa nghị quyết 120 của Chính phủ năm 2018 về phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cần có người cầm trịch, chủ trì để kết hợp giữa đường bộ, đường thủy và thủy lợi với nhau, coi đây là bước đột phá để thực hiện nghị quyết 120. Tôi có niềm tin chắc chắn nó sẽ mang lại kết quả tích cực. Quyết định 99 lúc đó tạo ra một nền tảng phôi thai cho sự phát triển vượt bậc của nông nghiệp và "quyết định 99 bây giờ" cũng như vậy đối với hạ tầng giao thông. Nó sẽ tạo ra một sự thay đổi cực kỳ lớn và thúc đẩy kinh tế ĐBSCL tăng trưởng.
Thực tế cho thấy một trong những điểm yếu trong thu hút đầu tư ở ĐBSCL là thiếu vai trò dẫn dắt của những doanh nghiệp "đại bàng"?
Thực tế đó mới thấy vai trò của đô thị lớn như Cần Thơ chưa đủ lớn để xuất hiện những "ông lớn" đó. Nếu nơi đây đủ lớn về tài chính, dịch vụ, về điểm giao thương quốc tế thì mới có những "ông lớn" xuất hiện. "Ông lớn" đó có thể từ bên ngoài vào, cũng có thể từ tại chỗ rồi kết hợp với bên ngoài.
Tôi nghĩ chắc chắn có vai trò của đô thị trung tâm đủ lớn hình thành tài chính, dịch vụ cao cấp từ ăn chơi, giải trí, đường sá đi lại (đường bay). Nhà đầu tư họ tính hằng ngày, hằng giờ mà chạy từ miền Tây lên TP.HCM trắc trở như vậy làm sao có những ông chủ lớn vào đây.
Hiện tại ĐBSCL cũng có những doanh nghiệp lớn như: Minh Phú ở Cà Mau, Vĩnh Hoàn ở Đồng Tháp nhưng chỉ kết nối chuỗi thủy sản, tạo lợi ích trong chuỗi đó thôi, chưa tạo sự lan tỏa đủ mạnh.
Không nhất thiết phải có "ông lớn", nhưng muốn thay đổi nhanh phải có những "ông lớn" đó. Ở Trung Quốc có thời gian họ ban hành chính sách nuôi dưỡng để có công ty lớn bởi họ quan niệm cần công ty lớn để thúc đẩy tăng tốc trong đầu tư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận