17/03/2020 12:20 GMT+7

ĐBSCL có tin vui: lúa trúng mùa, được giá

K.TÂM - M.TRƯỜNG - K.NAM - C.QUỐC - N.TÀI
K.TÂM - M.TRƯỜNG - K.NAM - C.QUỐC - N.TÀI

TTO - Dù hạn hán, xâm nhập mặn hoành hành nhưng nhờ bố trí lịch thời vụ hợp lý, chọn giống chất lượng, chủ động trữ nước… nên vụ lúa đông xuân này người dân ĐBSCL được mùa lúa vàng bội thu.

ĐBSCL có tin vui: lúa trúng mùa, được giá - Ảnh 1.

Nông dân huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp tập kết lúa chuẩn bị xuất bán - Ảnh: NGỌC TÀI

Niềm vui của nông dân càng được nhân lên gấp bội khi vụ này bán được giá cao. Các giống lúa như ST24, ST25 được săn tìm.

Vài ngày nữa nông dân mới thu hoạch lúa ST, nhưng ngay từ lúc này thị trường đã sôi động, nhu cầu rất cao...

Anh hùng lao động Hồ Quang Cua

Xuống giống sớm né hạn, mặn

Vụ đông xuân 2019-2020, anh Phan Văn Tính (xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng) làm 1ha lúa. Nhờ lúa bán được giá cao, sau khi trừ chi phí, anh Tính bỏ túi tiền lời trên 20 triệu đồng. Anh Tính cho biết từ khuyến cáo của Phòng Nông nghiệp huyện Mỹ Tú, anh và nhiều nông dân trong xã tranh thủ làm đất, xuống giống lúa đông xuân sớm hơn vụ năm rồi 15 ngày. 

Không chỉ vậy, anh còn cùng bà con trong vùng gia cố bờ đê bao, trữ nước ngọt. "Do vậy, chúng tôi đủ nước cho cây lúa đến cuối vụ, đạt năng suất khoảng 6,5 tấn. Giá lúa năm nay cũng ấm hơn cùng kỳ từ 200-300 đồng/kg, bà con rất phấn khởi" - anh Tính nói.

Niềm vui trúng mùa được giá đang lan tỏa. Ông Trần Văn Đen (xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) vui mừng cho biết giá lúa hạt dài đã tăng từ 4.500 đồng/kg lúc đầu vụ lên 4.800 đồng/kg. "Tôi tính rồi, trung bình mỗi công lời ít gì cũng 3 triệu. Ông nào càng sạ trễ, lúa bán càng có giá, lời nhiều hơn" - ông Đen chia sẻ.

Còn tại các huyện phía tây tỉnh Tiền Giang như Cái Bè, Cai Lậy, dù hạn mặn khốc liệt nhưng vụ mùa đông xuân sớm vẫn đạt năng suất cao, khoảng trên 8 tấn/ha. 

Ông Lê Văn Thường (xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè, Tiền Giang) cho biết trà lúa Đài thơm 8 gần 1ha của gia đình ông năm nay trúng kép: vừa trúng mùa vừa trúng giá. "Với giá lúa bán tại ruộng 5.000 đồng/kg, tôi còn lãi được hơn 20 triệu đồng" - ông Thường phấn khởi.

Lúa ST24, ST25 "lên mây"

Những nông dân trồng các giống lúa đặc sản, lúa thơm vui hơn nhiều. Ông Nguyễn Xuân Hùng (xã Châu Hưng, huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng) cho biết ông đã làm ruộng gần 40 năm nay, nhưng đây là năm giống lúa tài nguyên bán được giá cao nhất. Ông Hùng kể sắp đến ngày thu hoạch, thương lái tranh mua, kèo giá với nhau từng ngày: "Tôi bán được 7.400 đồng/kg, trừ chi phí còn lời khoảng 30 triệu đồng".

Đặc biệt, nông dân làm các giống lúa thơm ST phấn khởi vì hiệu quả cao sau khi giống này vừa được biết đến nhiều với giải thưởng gạo ngon nhất thế giới. Anh Nguyễn Quang (thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng) cho biết không chỉ đạt năng suất cao, giá lúa thơm ST24 còn "lên mây". 

Ký hợp đồng làm 2ha lúa thơm với một doanh nghiệp ở huyện Mỹ Xuyên, anh Quang cho hay khoảng 10 ngày nữa sẽ thu hoạch. "Hiện doanh nghiệp mua tới nhà máy với giá 8.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao kỷ lục. Coi như vụ này tôi lời cầm chắc không dưới 80 triệu đồng" - anh Quang vui mừng.

Ông Châu Kiểm, một thương lái chuyên thu mua lúa ở nhiều tỉnh ĐBSCL, cho hay giá thu mua tại ruộng tăng 20-22% so với cùng kỳ 2019. "Hạn khốc, nhiều doanh nghiệp rục rịch mua lúa để dự trữ" - ông Kiểm cho biết.

ST25 vẫn không đủ bán

Ông Nguyễn Thành Phước - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng - cho biết năm nay tỉ lệ giống lúa chất lượng trung bình, thấp của tỉnh chỉ còn chiếm 2,1% diện tích. 

"Nhờ chủ động các giải pháp thích ứng hạn, mặn nên Sóc Trăng thoát được thiệt hại. Mừng hơn, từ hiệu ứng gạo ST25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới, nếu làm tốt, 20.000 hay 30.000ha lúa thơm ST cũng không đủ tiêu thụ nội địa" - ông Phước cho biết.

Anh hùng lao động Hồ Quang Cua - "cha đẻ" của gạo thơm ST25 - cho biết vài ngày nữa nông dân mới thu hoạch lúa ST, nhưng ngay từ lúc này thị trường đã sôi động, nhu cầu rất cao, ông Cua ước tính "có bao nhiêu cũng không đủ bán" với lượng đặt hàng hiện tại.

Ông Nguyễn Trung Kiên (phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam - VFA):

Xuất khẩu tăng trên 30%

Đến cuối tháng 2-2020, Việt Nam đã xuất khẩu được trên 928.000 tấn gạo, đạt trên 430 triệu USD, tăng 31,7% so với năm ngoái. Trong đó thị trường xuất khẩu chủ yếu là Philippines, Iraq, Malaysia và các nước châu Phi.

Nguyên nhân là do hạn hán, dịch bệnh ở Ấn Độ, Thái Lan nên một số nước tranh thu mua vì lo ngại thiếu nguồn cung. Giá xuất khẩu gạo lên mức cao hơn, trong khi nhu cầu nội địa cũng tăng. Gạo ST25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới là cú hích giúp đẩy giá gạo Việt lên cao.

Dự báo thị trường lúa gạo sẽ tiếp tục ổn định đến hết quý 2-2020. (H.T.Dũng)

Nông dân phấn khởi vì lúa trúng mùa được giá, lời 45% Nông dân phấn khởi vì lúa trúng mùa được giá, lời 45%

TTO - Nhu cầu mua gạo tăng ở hầu hết các thị trường cũng như chủng loại gạo đã giúp tăng giá bán lúa của nông dân trong nước, mức có lời khoảng 45%.

K.TÂM - M.TRƯỜNG - K.NAM - C.QUỐC - N.TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp