GS Mathias G.Kondolf trình bày tại hội thảo - Ảnh: CHÍ QUỐC
Tại hội thảo quốc tế "Nguyên nhân, giải pháp hạn chế xói lở và bồi lắng trong hệ thống sông ĐBSCL" do Đại học quốc gia TP.HCM tổ chức tại An Giang ngày 26-11, giáo sư Mathias G.Kondolf (Đại học Berkeley, Hoa Kỳ) cảnh báo tình trạng khai thác cát, nước ngầm quá mức và đập thủy điện "bẫy" trầm tích ở lại thượng nguồn có thể làm ĐBSCL lún sâu, tối đa có thể tới 3m.
Ông G.Kondolf cho rằng với tình trạng khai thác cát hiện nay (35 triệu m3 năm 2011) gấp 4 lần lượng bùn cát được bồi đắp tự nhiên sẽ khiến vùng ĐBSCL càng bị thu hẹp lại và bị sụt lún nhanh.
"Hiện nay tình trạng này đang rất nghiêm trọng. Điều này đặt ra câu hỏi độ cao so với mặt nước biển của ĐBSCL hiện nay là bao nhiêu? Chúng tôi sử dụng mô hình DEM nghiên cứu về vấn đề này, các dữ liệu về địa hình được cung cấp từ vệ tinh cho thấy đa số vùng ĐBSCL nằm chưa tới 1m so với mực nước biển. Và khi kết hợp dữ liệu mật độ dân số, nếu sụt lún 2m thì ảnh hưởng vùng sinh sống của 15 triệu người ở ĐBSCL.
Tình huống xấu nhất ở đây là lượng bùn cát tiếp tục suy giảm do hoạt động khai thác cát ở lòng sông. Và nếu các hoạt động khai thác cát, bẫy trầm tích và khai thác nước ngầm vẫn cứ tiếp diễn không được kiểm soát, sụt lún có thể tăng lên 2m, tối đa có thể lên 3m.
Nhưng nếu chúng ta thay đổi về mặt quản lý thì có thể ngăn chặn sụt lún tới 60cm vào năm 2100, giảm diện tích bị mất đi tới 10%", ông G. Kondolf nói.
Khai thác cát gấp 4 lần lượng bùn cát được bồi đắp tự nhiên là một trong những nguyên nhân chính gây sạt lở nghiêm trọng ở ĐBSCL thời gian qua - Ảnh: CHÍ QUỐC
Ông Kondolf gợi ý một số giải pháp như phải thay thủy điện bằng điện gió và mặt trời bởi giá thành rẻ hơn. Nếu có làm thủy điện thì phải quản lý được hoặc có giải pháp kỹ thuật để lượng trầm tích không bị chặn lại.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng Việt Nam cần đưa những dự báo nêu trên vào các quy hoạch, chiến lược để có giải pháp phù hợp, tuy nhiên ông cũng cảnh báo không được "bê nguyên xi" cách làm của Hà Lan bởi những điều kiện không giống nhau giữa hai vùng đất.
Tại hội thảo, GS.TS Trần Linh Thước - hiệu trưởng Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết nhiều năm trở lại đây, hiện tượng xói lở và sạt bờ xảy ra ngày càng gia tăng trong hệ thống sông ĐBSCL với những diễn biến phức tạp, trở thành điểm nóng về sự quan tâm của địa phương và xã hội.
"Số liệu thống kê cho thấy nếu năm 2010 ĐBSCL có 99 điểm xói lở và sạt bờ thì năm 2019 số điểm sạt lở đã lên đến 681 điểm, tăng gần gấp 7 lần... Vấn đề sạt lở ở ĐBSCL đã đến hồi báo động và đòi hỏi phải có những giải pháp khẩn cấp để bảo vệ ĐBSCL" - ông Thước đề xuất.
Sạt lở hiện nay đã tăng gấp 7 lần so với năm 2010. Trong ảnh: một khu vực sạt lở kéo dài hàng trăm mét ở huyện Chợ Mới, An Giang - Ảnh: CHÍ QUỐC
Cũng theo ông Thước, qua một số nghiên cứu bước đầu, có một số nguyên nhân gây sạt lở bờ sông ở ĐBSCL.
Một là sự thay đổi tính chất cơ học của đất hai bên bờ sông vào đầu mùa mưa hằng năm kết hợp với sự dao động mực nước dưới sông làm khối đất bờ sông mất ổn định.
Hai là sự bào mòn lòng sông và bờ sông bởi tập trung dòng chảy về một phía tại khúc sông cong.
Ba là sự khai thác cát cát trong lòng sông chưa thật sự khoa học làm ảnh hưởng dòng chảy.
Bốn là tác động của sóng do tàu thuyền lưu thông hoặc kết hợp các nguyên nhân nêu trên.
Ngoài ra, còn có các hoạt động của con người, trong đó các công trình hạ tầng xây dựng quá gần sông, các công trình lấn sông như bến phà, mố cầu, khu dân cư… là những nguyên nhân đóng vai trò không nhỏ đối với tình trạng sạt lở bờ sông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận