Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân đề nghị bổ sung hình thức thư khen vào dự Luật thi đua khen thưởng sửa đổi - Ảnh: QUOCHOI.VN
Sáng 27-5, thảo luận tại hội trường về dự án Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi), đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho biết tại phiên họp tổ, ông đã phát biểu về hình thức khen thưởng đó là thư khen của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với những trường hợp cần có sự động viên, khen thưởng kịp thời.
"Sẽ rất tuyệt vời"
Ông dẫn chứng ở các nước, học sinh cũng được lãnh đạo, tổng thống, thủ tướng gửi thư khen kịp thời khi có thành tích xuất sắc và cho rằng ở Việt Nam rất cần hình thức này.
"Nếu bản thân tôi hay con cháu của tôi có thành tích nhận được thư khen quả thực rất tuyệt vời vì các cháu sẽ phấn đấu và làm tốt hơn và không cần phải làm hồ sơ thi đua khen thưởng gì cả", ông Ngân bày tỏ.
Ông đề xuất tại Quốc hội, nếu như trong kỳ họp này mà đại biểu Quốc hội được Chủ tịch Quốc hội tặng thư khen thì "rất là tuyệt vời", và đó là khi trong một kỳ họp mà đại biểu tham gia thảo luận chuyên môn sâu, đóng góp nhiều trí tuệ hoặc đưa ra sáng kiến được Quốc hội nhìn nhận.
Ông nhấn mạnh, việc đại biểu Quốc hội nhận được một thư khen sẽ năng nổ, làm việc nhiều hơn và dành nhiều thời gian, công sức hơn.
"Và chỉ cần một thư khen thôi, không cần thưởng" - ông Ngân nói.
Theo đại biểu Ngân, hiện tại trong điều 9 dự thảo Luật thi đua khen thưởng về hình thức khen thưởng đã quy định 7 hình thức khen thưởng, gồm: huân chương; huy chương; danh hiệu vinh dự nhà nước; giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước; kỷ niệm chương, huy hiệu; bằng khen và giấy khen, thì chỉ cần thêm một dòng thứ 8 là thư khen sẽ "rất tuyệt vời".
Đại biểu Ngân không đồng tình khi báo cáo giải trình tiếp thu mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi tới các đại biểu lý giải rằng cái này rất có lý nhưng phải đánh giá tác động và có thể bổ sung kỳ sau.
Ông Ngân cho rằng nên làm luôn, vì điều này phù hợp, "động viên mà không tốn kém gì cả, chỉ một chữ ký của Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội…". Ông rất mong lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi nhiều thư khen hơn cho các cá nhân có thành tích, như thế sẽ đẩy mạnh hơn phong trào thi đua.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nêu ý kiến sau đó cũng bày tỏ đồng ý với đại biểu Trần Hoàng Ngân. Ông đánh giá "thư khen của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là hết sức cao quý, là sự động viên lớn nên rất cần đưa vào luật này".
Đại biểu Phạm Trọng Nhân - Ảnh: Quochoi.vn
Cần làm rõ hơn tiêu chí gia đình văn hóa
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cũng nhận định các danh hiệu từ cá nhân đến tập thể, từ phạm vi xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố đến gia đình đều nhằm mục đích ghi nhận thành tích, công trạng của mỗi người, cơ quan, đơn vị.
"Điều cốt lõi và căn cơ nhất cho mỗi cá nhân có thể trở thành công dân có ích cho xã hội, không gì khác ngoài gia đình nơi dưỡng dục, hình thành nhân cách con người để tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà mục tiêu của Luật thi đua, khen thưởng đề ra", ông nêu rõ.
Tuy nhiên, các quy định về tiêu chuẩn danh hiệu gia đình văn hóa theo ông còn chưa rõ ràng. Đó là về tiêu chuẩn danh hiệu gia đình văn hóa sẽ là một thách thức không hề nhỏ khi triển khai thực tế, khi một trong những tiêu chuẩn của danh hiệu này là gia đình có kinh tế ổn định và phát triển.
Khi bàn về danh hiệu gia đình văn hóa, ông Nhân cũng nhắc lại câu chuyện của một đại biểu Quốc hội khóa XIV đã thẳng thừng từ chối danh hiệu này.
"Đây không còn là chuyện riêng của đại biểu đó nữa, bởi trong quá trình tham vấn chính sách về thực hiện dân chủ cơ sở, sự quan tâm của xã hội với danh hiệu vốn dĩ rất cao quý này ít nhiều bớt đi hoặc không ít câu chuyện cười ra nước mắt với các gia đình nhận danh hiệu gia đình văn hóa phần nào cho thấy cách làm thiếu chặt chẽ, công khai, dân chủ chưa bám sát tiêu chuẩn…", ông Nhân nêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận