Các em học sinh trải nghiệm trò chơi “tên lửa nước” - Ảnh: L.T.NHÃ |
Đó là phương pháp dạy môn vật lý của thầy Nguyễn Phúc Hậu và thầy Lê Thành Nhiệm, giáo viên Trường THPT Trần Văn Kiết (Chợ Lách, Bến Tre).
Các thầy nhận thấy trò chơi ngoại khóa về môn vật lý không nhiều (thường là hái hoa học tập, chơi ô chữ, rung chuông vàng...), tuy có giúp học sinh củng cố kiến thức đã học nhưng lại thiếu tính sáng tạo, dễ gây nhàm chán với người chơi.
Băn khoăn trước điều này, thầy Hậu và thầy Nhiệm đã nghiên cứu, tìm ra trò chơi mới giúp học sinh vận dụng kiến thức vật lý đã học vào đời sống. Đó là các trò chơi “tên lửa nước”, “robot thủy lực” và “thả trứng”.
Để có thể tham gia các trò chơi này, học sinh buộc phải rèn luyện kỹ năng tự học, tự sáng tạo, tìm kiếm thông tin và kiến thức trên mạng Internet. Nhà trường còn tổ chức hội thi có thưởng, thu hút học sinh tham gia các trò chơi sáng tạo.
“Tên lửa nước” được học sinh tận dụng phế liệu dễ tìm như vỏ chai nước ngọt dung tích 1,5 lít và các nguyên liệu khác như ống nước nhựa, giấy bìa cứng, giấy màu, keo dán... Cơ chế hoạt động của tên lửa nước là chuyển động bằng phản lực.
Các đội dự thi đổ nước vào tên lửa, rồi bơm không khí vào trong ống cho đầy, rồi mở khóa, tên lửa lao đi. Thầy giám khảo dựa vào tầm bay cao của tên lửa nước, đúng mục tiêu nhắm bắn để chấm điểm cho các đội.
Còn với “robot thủy lực”, các học sinh có thể chế tạo dễ dàng bằng những vật dụng y tế dễ tìm như: que đè lưỡi, dây truyền nước, ống tiêm... Hình thức chơi khá đơn giản: các đội dự thi điều khiển cánh tay robot bằng lực ném thủy lực (qua ống tiêm), đẩy ngã đối thủ.
Trò chơi “thả trứng” được mô phỏng chuyến khám phá của con người lên hành tinh xa xôi trong vũ trụ. Các đội chơi phải thiết kế mô hình khoang đổ bộ của tàu vũ trụ sao cho các quả trứng (ví như phi hành gia) khi được thả từ trên cao xuống mặt đất (bề mặt hành tinh) được an toàn sẽ được điểm. Nếu trứng rơi xuống bị bể, điểm 0.
Vì vậy các đội chơi cần phải vận dụng các định luật, quy tắc vật lý để thiết kế khoang đổ bộ: định luật Newton, tổng hợp và phân tích lực đàn hồi, lực ma sát...
Thầy Hậu cho biết: qua các cuộc thi, học sinh có nhiều mẫu sáng tạo rất độc đáo, đẹp mắt khiến các thầy giật mình, vì sự sáng tạo của trò đã vượt khỏi sức tưởng tượng của thầy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận