26/03/2020 11:35 GMT+7

Dạy và học thời COVID -19: Sẽ tinh giản chương trình 5 - 7 tuần

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo 63 sở GD-ĐT ngày 25-3 về giảm tải chương trình, áp dụng các hình thức dạy học khi học sinh chưa thể đến trường vì dịch COVID-19.

Dạy và học thời COVID -19: Sẽ tinh giản chương trình 5 - 7 tuần - Ảnh 1.

Em Đoàn Thị Thanh Thương, học sinh lớp 12A1 Trường THPT Nguyễn An Ninh, Q.10, TP.HCM, học trực tuyến môn toán chiều 25-3 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết việc rà soát, tinh giản chương trình sẽ triển khai và công bố trong tháng 3 để các nhà trường căn cứ xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập cho học sinh. 

Bộ GD-ĐT cũng căn cứ vào chương trình được tinh giản để xây dựng ma trận đề thi THPT quốc gia, công bố đề thi tham khảo làm tài liệu ôn tập cho học sinh chuẩn bị thi THPT quốc gia năm nay.

Cần áp dụng và phát huy tối đa ưu điểm của các phương thức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình để đảm bảo việc học tập của học sinh, đảm bảo việc hoàn thành chương trình. Đây cũng là cơ hội để học sinh, giáo viên, ngành giáo dục cả nước làm quen với ứng dụng những công nghệ số hiện đại vào đổi mới các hình thức tổ chức dạy học.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ

Cố gắng 15-7 kết thúc năm học

"Mục tiêu là giảm được từ 5-7 tuần so với chương trình hiện nay để các nhà trường có thể tổ chức dạy học, kết thúc năm học vào ngày 15-7 như mốc thời gian Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh" - ông Độ cho biết. Đồng thời nhấn mạnh hướng tinh giản là "không cắt cơ học", vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức nền tảng, cốt lõi theo yêu cầu của chương trình, đảm bảo chuẩn đầu ra, nhưng tiết kiệm được thời gian.

Tuy nhiên, trao đổi xung quanh việc này tại cuộc họp trực tuyến, ông Trịnh Thế Truyền - giám đốc Sở GD-ĐT Phú Thọ - cho rằng cần phải lường các tình huống xảy ra. "Bộ GD-ĐT đã hai lần điều chỉnh thời gian năm học. Nhưng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay thì việc đảm bảo kết thúc năm học vào ngày 15-7 cũng rất khó khăn" - ông Truyền bày tỏ.

Nhiều lãnh đạo sở cũng có chung băn khoăn này, đồng thời nêu ý kiến cho rằng nên chăng chỉ tinh giản để kết thúc chương trình trong năm học với lớp 9 và lớp 12, vì đây là hai đối tượng phải thi chuyển cấp và thi THPT quốc gia. Còn với các lớp khác nên tính cả phương án dạy bổ sung kiến thức còn lại vào năm học sau để có thể kết thúc năm học.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - cho rằng các lớp từ 1-11 đều có thể bổ sung kiến thức vào năm học sau nếu năm học này không còn quỹ thời gian. Riêng lớp 12 thì không lùi được do phải thi THPT quốc gia. Vì thế việc tinh giản phải tập trung ở lớp cuối cấp này.

Còn bà Lê Thị Bích Thuận - giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng - đề xuất nên để sở GD-ĐT chủ động rà soát, tinh giản và có kế hoạch triển khai chương trình tiếp theo ở các cấp tiểu học, THCS. Riêng THPT thì Bộ GD-ĐT tinh giản thống nhất trên toàn quốc để học sinh hoàn thành chương trình, ôn tập, đảm bảo điều kiện thi THPT quốc gia.

Trao đổi lại, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết không thể đẩy phần nội dung chương trình năm học này sang năm học kế tiếp được vì cần phải đảm bảo học sinh hoàn thành yêu cầu tối thiểu của chương trình thì mới xét lên lớp, xét chuyển cấp. 

Vì thế, Bộ GD-ĐT sẽ lựa chọn hướng tinh giản để vẫn đảm bảo học sinh kết thúc năm học, đạt chuẩn đầu ra như quy định của Bộ GD-ĐT chứ không để lấn sang năm học mới.

Dạy và học thời COVID -19: Sẽ tinh giản chương trình 5 - 7 tuần - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại cuộc họp trực tuyến ngày 25-3 - Ảnh: THẾ ĐẠI

Dạy qua truyền hình - nên thống nhất cả nước

Tại cuộc họp, Bộ GD-ĐT công bố nội dung dự thảo quy định dạy học qua Internet và truyền hình. Xung quanh việc này cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Ông Cao Xuân Hùng - giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định - cho biết Nam Định là một trong những địa phương đầu tiên tổ chức dạy học qua truyền hình thời gian qua. Song song với đó, các nhà trường đều yêu cầu giáo viên lập nhóm trên mạng để trao đổi, kiểm soát, hỗ trợ học sinh.

Việc dạy trực tuyến cũng được sở triển khai, thống nhất giáo viên các trường sử dụng 2 phần mềm để giáo viên, học sinh dễ áp dụng. Nhưng có một khó khăn lớn là không phải tất cả học sinh đều có điều kiện về thiết bị để học trực tuyến. Nên dạy với mục đích tăng cường thì được, còn dạy chính khóa sẽ khó làm đại trà. 

Ông Hùng cho rằng trong trường hợp buộc phải chọn một hình thức dạy từ xa thì dạy qua truyền hình khả thi hơn. Nhưng khi dạy kiến thức mới cho tất cả các lớp từ lớp 1-12 cũng vấp phải khó khăn là đài truyền hình địa phương không thể có kênh để đảm bảo khối lượng dạy học lớn như vậy.

Ông Hùng cho rằng chỉ nên tập trung các hình thức dạy học qua Internet, truyền hình cho lớp 12 và Bộ GD-ĐT cần đề xuất với Chính phủ để dành một vài kênh truyền hình quốc gia thực hiện việc dạy học qua truyền hình cho học sinh cả nước. Hoặc có thể phân luồng cho một số đài truyền hình địa phương lớn cùng phối hợp với Bộ GD-ĐT để triển khai cho học sinh cả nước.

Ông Trịnh Thế Truyền cho biết việc dạy học qua truyền hình đang được Sở GD-ĐT Phú Thọ triển khai. Ông đề nghị: "Bộ huy động giáo viên cốt cán cả nước tham gia ghi hình các bài giảng trên truyền hình cho học sinh cả nước". Đại diện các sở GD-ĐT cũng cho rằng Bộ GD-ĐT không nên chỉ quy định việc dạy học trực tuyến, dạy qua truyền hình một cách tạm thời mà về lâu dài cần rà soát điều chỉnh luật để có cơ sở pháp lý cho việc này.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết Bộ GD-ĐT đang phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, dịch vụ, giúp việc tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình của các nhà trường, giáo viên, học sinh được thuận lợi. "Có thể sẽ phối hợp để tăng số lượng kênh phát sóng, tăng thời lượng phát sóng các chương trình dạy học. Các bài giảng ngoài phát sóng trên truyền hình sẽ được đăng tải trên các nền tảng số khác, để đảm bảo học sinh có thể học lại và lĩnh hội được đầy đủ kiến thức" - ông Độ nói.

Những biện pháp đi kèm mà các nhà trường phải thực hiện khi học sinh học qua Internet và truyền hình sẽ được Bộ GD-ĐT quy định cụ thể trong quy định sắp ban hành trong tuần này.

Dạy và học thời COVID -19: Sẽ tinh giản chương trình 5 - 7 tuần - Ảnh 4.

Đồ họa: TUẤN ANH

Giảm các nội dung nâng cao

Trực tiếp triển khai việc rà soát, tinh giản, ông Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD-ĐT, cho biết sẽ dựa vào chương trình đối chiếu với sách giáo khoa (SGK) để giảm bớt các nội dung nâng cao, sao cho đảm bảo yêu cầu tối thiểu, nhưng có thể thực hiện trong bối cảnh hiện tại.

Các tiểu ban cũng hướng đến việc tích hợp các bài học trong SGK theo chủ đề, thuận lợi cho thiết kế các bài học qua Internet và truyền hình như đang triển khai hiện nay. Ngoài ra, những phần kiến thức hiện đang trùng lặp giữa các môn học sẽ được lược bớt. Các tiểu ban được Bộ GD-ĐT thành lập phục vụ việc này đã làm việc sang tuần thứ 2.

Có thể xét tốt nghiệp THPT bằng học bạ (Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh (tổ trưởng tổ văn Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên)

Tôi cho rằng việc tinh giản chương trình trong hoàn cảnh học sinh phải nghỉ học quá nhiều vì dịch COVID-19 là một giải pháp đúng đắn và cần thiết. Thực tế cho thấy trong chương trình hiện hành có nhiều kiến thức không thực sự cần thiết, cũng có nhiều kiến thức học sinh hoàn toàn có thể tự học, tự đọc được.

Tuy nhiên, theo tôi, đã tinh giản thì cần tinh giản toàn bộ từ lớp 1 đến lớp 12 chứ không nên chỉ từ lớp 9 đến lớp 12. Bởi lẽ, nếu lớp 1 đến lớp 8 không tinh giản mà dành để bù trong năm học sau sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của năm học sau. Thử nghĩ, trong năm học sau, lớp 1 đến lớp 8 vừa phải học chương trình mới, vừa bù chương trình cũ thì liệu có đủ thời gian, liệu có thực sự có chất lượng hay không?.

Hơn nữa, năm học tới lại là năm chúng ta thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Không thể cùng lúc thực hiện nhiều việc như vậy được. Việc của năm nào nên hoàn thành trọn vẹn trong năm đó.

ho tan nguyen minh 2(read-only)

Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh

Thi THPT quốc gia sẽ ra trong chương trình tinh giản, có đề minh họa là hợp lý. Tuy nhiên, theo tôi, để tránh nặng nề, năm học đặc biệt này đề thi chỉ nên giới hạn đến hết học kỳ 1 của lớp 12. Hay hơn nữa là xét tốt nghiệp THPT bằng học bạ. Việc xét tuyển đại học để cho các trường đại học tự tổ chức.

Thảo Thương ghi

Mở đường cho tinh giản lâu dài (Thầy Nguyễn Tấn Huy - tổ trưởng tổ văn Trường THPT chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi, ủy viên HĐQG thẩm định chương trình giáo dục phổ thông mới)

Về giảm tải, đơn cử với bộ môn văn, tôi thấy thực tế với lối dạy học thực dụng hiện nay là để thi THPT quốc gia, hầu hết giáo viên lớp 12 dạy lướt hoặc bỏ qua những văn bản không có trong đề thi như: các văn bản đọc thêm, các văn bản tác phẩm văn học nước ngoài, các văn bản nghị luận, các văn bản văn học Việt Nam nằm trong phần đọc thêm của chương trình giáo dục thường xuyên...

Ngoài ra, các bài tiếng Việt, làm văn hầu như cũng được dạy lướt, giáo viên chỉ tập trung luyện cho học sinh các dạng câu hỏi đọc - hiểu, khi có mảng kiến thức nào thì ôn ngay chỗ ấy như các biện pháp tu từ, các phong cách ngôn ngữ... Giáo viên cũng không dạy lý thuyết nghị luận xã hội mà rèn cách viết đoạn nghị luận xã hội. Thậm chí các văn bản vừa có trong đề thi năm 2019, cả đề chính thức và đề dự bị cũng được lướt qua. Vì thế tôi từng đề xuất cân nhắc công nhận một phần sự tự động "giảm tải" nói trên trong thực tế dạy của giáo viên lớp 12.

nguyen huy tan 2(read-only)

Thầy Nguyễn Tấn Huy

Chuyện tinh giản này có thể mở đường cho lâu dài được, không chỉ sử dụng trong thời dịch bệnh. Để làm được, ví như bộ môn ngữ văn, có thể thực hiện chương trình tinh giản với những nội dung như: dạy theo chủ đề, không dạy bài riêng lẻ, hướng học sinh vào rèn kỹ năng là chính, như rèn luyện kỹ năng đọc văn bản, tập luyện xây dựng các văn bản nhật dụng, văn bản xã hội, văn bản hành chính nhằm phục vụ thực tiễn, giảm giờ dạy lý thuyết rời rạc. Dạy học những tác phẩm có chủ đề, đề tài giàu tính giáo dục, thực tiễn, để rèn luyện khả năng cảm thụ thẩm mỹ, bồi đắp và phát triển năng khiếu nghệ thuật cho học sinh.

Thảo Thương ghi

Rối bời, sốt ruột chờ tinh giản chương trình Rối bời, sốt ruột chờ tinh giản chương trình

TTO - "Mấy bữa nay, giáo viên trường tôi liên tục hỏi về việc tinh giản chương trình. Họ muốn biết thông tin sớm để chủ động sắp xếp chương trình giảng dạy của bộ môn mình phụ trách...".

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp