Chị Nguyễn Ngọc Hà chuẩn bị cho con - bé Trần Minh Tú - vào lớp 1 Trường tiểu học Trần Văn Ơn (Q.Gò Vấp, TP.HCM) - Ảnh minh họa: N.HÙNG
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới, người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, phải xác định dịch bệnh có thể kéo dài, và năm học kề cận sắp tới sẽ diễn ra trong tình huống vừa dạy học vừa phòng dịch.
Dạy học trực tuyến và các hình thức dạy học từ xa vẫn đang là giải pháp chính yếu ứng phó với tình thế học sinh không thể đến trường vì dịch bệnh.
Dù với tinh thần "không ngừng học vì khó khăn" và đã có thực tiễn việc dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong học kỳ II năm học trước, nhưng lãnh đạo một số sở Giáo dục và Đào tạo cũng phải thừa nhận các hình thức này áp dụng cho bậc tiểu học không dễ.
Nhiều giáo viên, hiệu trưởng ở ngay Hà Nội cho rằng dạy trực tiếp mà giáo viên chủ nhiệm lớp 1 năm nào cũng sụt vài ký vì quá vất vả. Học sinh lớp 1 chỉ là trẻ vừa qua giai đoạn mầm non, từ nề nếp kỷ luật đến cách cầm bút, cách mở sách đều phải uốn nắn... Với đối tượng này mà áp dụng "dạy trực tuyến" thì quá khó, nhất là khi giáo viên cũng đang phải làm quen với chương trình mới, sách giáo khoa mới.
Và vẫn là lớp 1, còn có những khó khăn khác khi năm học kề cận mà chưa giải quyết được. Sĩ số học sinh vượt quá mức quy định, tình trạng quá tải trường lớp, tình trạng chưa đủ giáo viên cũng vẫn ngổn ngang.
Tại Hà Nội, còn đến gần 2.000 lớp học có sĩ số từ 50 học sinh/lớp, 1.000 lớp học sĩ số trên 55 học sinh/lớp, trong khi quy định là 35 học sinh/lớp. Tại TP.HCM, nhiều địa phương có khu chế xuất, khu công nghiệp, các khu đô thị mới cũng rơi vào tình trạng "đã sử dụng hết quỹ dự phòng, ưu tiên lớp 1" nhưng chưa đạt được yêu cầu về sĩ số để đảm bảo chất lượng nói chung và triển khai chương trình lớp 1 với cách tổ chức dạy học mới mẻ.
Với những lớp học có sĩ số trên 50 học sinh/lớp học 2 buổi/ngày, theo một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thì phải cần đến tỉ lệ 1,8 giáo viên/lớp. Trong khi đó, hiện nay cả nước mới chỉ đang cố gắng nhích tới tỉ lệ 1,41 giáo viên/lớp.
Các giải pháp để giảm tải do thiếu trường lớp, thiếu giáo viên chưa được đầu tư đúng mức và còn vướng nhiều cơ chế đòi hỏi có sự phối hợp và nhất quán trong việc chỉ đạo từ trên xuống dưới, giữa các bộ, ngành và địa phương.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết vấn đề trường lớp, tuyển dụng giáo viên là trách nhiệm đã phân cấp cho địa phương.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các địa phương không "đổ trách nhiệm ngược". Còn các địa phương cũng "kêu" rằng một số quy định thuộc trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hoặc đề xuất cần được điều chỉnh để sát thực tiễn từng vùng miền. Bởi nước ta có sự khác biệt, chênh lệch lớn giữa các vùng miền khác nhau, nếu đưa về một quy định chung sẽ không khỏi có những chệch choạc khiến các địa phương khó xoay xở.
Sự không thông đồng bén giọt này là nguyên nhân lớn dẫn tới những việc nằm trong lộ trình, có thời gian chuẩn bị lâu dài như thực hiện chương trình mới ở lớp 1 năm nay mà tới ngày tựu trường vẫn còn ngổn ngang nhiều nỗi lo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận