02/06/2008 05:06 GMT+7

Dạy trẻ tự kỷ

LƯU TRANG
LƯU TRANG

TT - Kiêng nước đá để giữ giọng nói luôn to và rõ, làm việc dưới áp lực của máy quay, chạy 3-4 "sô”/ngày, vận động cơ thể tám giờ/ ngày, chưa lãnh "sẹo" chưa "cứng" tay nghề, gia sư "ba trong một"... đó là những gì người ta nói về nghề giáo viên dạy trẻ bị tự kỷ (bại não, chậm phát triển) tại nhà.

7pT2YTeG.jpgPhóng to

Tập cho bé trườn - Ảnh: A.D.

TT - Kiêng nước đá để giữ giọng nói luôn to và rõ, làm việc dưới áp lực của máy quay, chạy 3-4 "sô”/ngày, vận động cơ thể tám giờ/ ngày, chưa lãnh "sẹo" chưa "cứng" tay nghề, gia sư "ba trong một"... đó là những gì người ta nói về nghề giáo viên dạy trẻ bị tự kỷ (bại não, chậm phát triển) tại nhà.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Từ 8g-11g là ca dạy đầu tiên trong ngày của cô Cao Thị T. (46 tuổi) với bé Bon tại một căn phòng cách âm trên tầng ba ngôi nhà bé đang ở (Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Bé Bon vừa tròn 6 tuổi, không nói được hai từ trở lên, cứ năm phút một lần bị động kinh nhẹ, thường gồng cứng người hoặc la lớn khi không vừa ý. Bé thích nghịch điện thoại, sợ những tiếng động trên tivi...

Lớp học 1 cô, 1 trò

Đó là những dòng đầu tiên của cuốn giáo án được bố mẹ Bon và cô T. cùng biên soạn từ cuối tháng 6-2007. Gần một năm qua, cô T. và một cô giáo khác mỗi ngày hai ca thay phiên nhau chăm sóc và hướng dẫn cho bé tập luyện theo đúng giáo án trên. Đầu giờ học, cô dạy Bon chào và đóng cửa phòng. Hai cô trò cùng chơi trò "lộn mèo" khoảng 50 lần và tập nâng tạ 30 lần. Cô T. dạy bé tập tô màu và nhận biết các tấm đềcan với các chữ cái khác nhau nhưng mắt bé chỉ chú ý đến bức tranh các con vật treo trên tường và đòi lấy tranh. Đòi không được bé la lớn và lăn đùng ra sàn nhà khóc lóc, đập tường. Cô giáo không dỗ bé mà lôi từ tủ ra những tấm ghép hình đủ màu sắc và chơi một mình, ra chiều thích thú. Khoảng 15 phút sau, bé nín khóc và tới ngồi gần cô giáo đòi chơi chung. Cô tập cho bé khoanh tay và nói: "Xin lỗi cô!".

Chứng tự kỷ là một trong những hội chứng rối loạn phát triển ở trẻ em, biểu hiện qua ba hành vi: khiếm khuyết về quan hệ xã hội, khiếm khuyết về sử dụng ngôn ngữ và chơi tưởng tượng. Theo một số nghiên cứu, nếu được phát hiện và can thiệp sớm, 30% trẻ tự kỷ có cơ hội khỏi hoàn toàn, 70% có thể phát triển tốt.

Ba giờ cùng học, cùng chơi, cùng tập thể lực với bé khiến cô T. thấm mệt. Hết tập cho bé trườn, lăn rồi đến tập tạ, tập nhảy trên đệm bông, xoa bóp, day ấn huyệt cho bé để kích thích các cơ và giác quan cho bé. Bé tập thế nào thì cô tập thế ấy. Hết giờ học, mồ hôi của cô và trò thấm ướt áo...

15g30, cô T. bắt đầu vào ca 2. Lần này là một bé trai 8 tuổi bị bại não, không nói được, nửa cơ thể bên phải bị yếu. 19g là thời gian cô T. chơi và tập luyện với một học sinh khác ở quận 8. Ngoài ba ca dạy mỗi ngày với ba học sinh, cô còn nhận tư vấn, thăm nom, hướng dẫn cho bốn gia đình có trẻ bị mắc chứng tự kỷ khác, mỗi tuần một buổi vào thứ bảy hoặc chủ nhật. Cô tâm sự: "Có ngày mình phải chạy tới bốn ca. Vậy mà vẫn còn nhiều lời đề nghị từ các phụ huynh khác mà mình không thể nhận lời được".

Cách đây khoảng năm năm, khi đang dạy tại một trường mầm non, cô T. phát hiện trong số các học sinh của mình có một bé ba tuổi rưỡi tuyệt đối không chơi với các bạn mà chỉ nằm yên một mình, ai động đến thì bé khóc và còn đánh nữa. Hồi đó hai chữ "tự kỷ” đối với cô còn quá lạ lẫm. Cô cố gắng chơi chung và gần gũi với bé nhưng không được, rồi bỏ thời gian đi học, đọc thêm các tài liệu, sách báo và thuyết phục phụ huynh chữa bệnh cho bé. Đó cũng là học sinh đầu tiên đưa cô đến với cơ duyên nghề giáo viên dạy trẻ tự kỷ. Sau hai năm điều trị, học sinh đầu tiên của cô đã phát triển giao tiếp bình thường và hiện nay là học sinh lớp 2 ở một trường quốc tế. Những cuốn nhật ký ghi lại quá trình phát triển của từng học sinh mà cô đã và đang dạy cứ nhiều dần lên...

"Chưa lãnh sẹo chưa cứng tay nghề!"

Vài năm trở lại đây, nhu cầu tìm giáo viên dạy tại nhà cho trẻ tự kỷ (hoặc trẻ chậm phát triển, bại não, mắc hội chứng Down...) tăng cao, vì các bậc phụ huynh ngày càng không có nhiều thời gian chăm sóc và chữa bệnh cho con, nhưng không an tâm khi gửi con ở trường chuyên biệt hoặc bệnh viện. Tuy nhiên không phải giáo viên có trình độ sư phạm nào cũng có thể theo được nghề này. Chị Nguyễn Tâm K., một phụ huynh có con 8 tuổi bị tự kỷ ở phường Tân Sơn Nhì, Tân Phú, tâm sự: "Gia đình tôi đã thử với gần mười giáo viên, có cô bỏ cuộc vì cháu không chịu chơi với cô, có cô xin nghỉ vì quá mệt. Đến giờ gia đình tôi vất vả lắm mới mời được ba giáo viên làm việc ba ca mỗi ngày để chăm sóc bé”.

A1e4j1m1.jpgPhóng to

Một buổi học phải tập cho bé “lộn mèo” khoảng 50 lần - Ảnh: A.D.

Không có nhiều giáo án hay phương pháp cụ thể cho các bé mắc dạng bệnh này, mà hầu hết là tùy vào tình trạng của từng bé để có cách dạy và trị liệu riêng. Kinh nghiệm chính là "kim chỉ nam" cho các giáo viên dạy trẻ tự kỷ. Ngoài đọc tài liệu, các cô giáo phải thường xuyên dự giờ lẫn nhau để học hỏi thêm phương pháp và cách xử lý mọi tình huống trong lớp học.

Chị Nguyễn Thị Anh Đào (sinh năm 1960), trước đây là giáo viên tiểu học ở Đồng Nai, đã có bốn năm kinh nghiệm với mười học sinh tự kỷ "qua tay", tâm sự: "Ban đầu làm nghề này phải lãnh sẹo là chuyện thường. Nhiều bé rất hung dữ sẵn sàng cắn, cào hoặc đánh cô giáo. Mình phải dạy bé tất cả các kỹ năng, từ những kỹ năng nhỏ nhất như thè lưỡi, thổi, liếm môi, há miệng... cho đến tập ăn, tập nói, đi vệ sinh, nhận biết màu sắc, chữ cái. Khá gian nan vì các em như những đứa trẻ sơ sinh trong một hình hài lớn. Hạnh phúc là khi thấy các em tiến bộ từng ngày và còn biết biểu lộ cảm xúc với cô giáo nữa".

Mức lương của giáo viên dạy tự kỷ có kinh nghiệm vào khoảng 30.000-50.000 đồng/giờ. Những giáo viên mới vào nghề thường được nhận mức lương như bảo mẫu, khoảng 1,5-2 triệu/tháng, mỗi ngày chơi với bé chừng sáu giờ.

Cô Nguyễn Thị M., giáo viên Trường THCS Trường Sơn (Gò Vấp), nhận dạy hai bé vào các tối thứ hai, tư, sáu và ba, năm, bảy mỗi tuần, kể: "Mức lương khá nhưng công việc rất vất vả. Nhiều giáo viên không chịu nổi đã phải bỏ đi tìm công việc khác". Ngoài giờ dạy, thời gian ít ỏi còn lại cô M. tranh thủ làm các dụng cụ học tập cho bé và nghiên cứu thêm các tài liệu nên hầu như không có nhiều thời gian cho bản thân hoặc "xúc tiến" chuyện gia đình.

Đã có không ít trường hợp cô giáo bị cháu đánh đến nỗi phải bỏ dạy, có cô giáo còn cho chúng tôi xem vết sẹo khá lớn trên ngực do bị học sinh cắn. Nhiều gia đình còn cẩn thận đặt máy quay phim trong phòng học để có thể theo dõi diễn biến giờ học và những tiến bộ của con. Đó cũng là một áp lực lớn đối với những giáo viên làm nghề này. Nhưng như lời tâm sự của cô Anh Đào: "Có hôm mừng vì học trò tiến bộ mà suốt đêm không ngủ được. Cũng có lúc mình lãnh bàn thua trông thấy khi không chế ngự được các hành động bản năng của cháu. Đó là gian nan cũng là hạnh phúc của nghề này, mà nếu không có chữ tâm và không yêu trẻ thì không thể nào theo được...".

LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp