Ảnh tư liệu. |
Bên cạnh số ít ý kiến ủng hộ cách dạy của TS Phan Quốc Việt, chủ biên cuốn Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1, các ý kiến còn lại đều phản đối kịch liệt.
Đứng về phía ủng hộ, bạn đọc Nguyễn Thành Vinh viết: “Nên cho các cháu làm quen, không có gì phải lo lắng. Ngày xưa chúng tôi đi chăn trâu vẫn chạy nhảy qua những nơi gai góc bụi rậm, thủy tinh quá trời mà có sợ gì đâu. Bây giờ cứ hơi tí chảy máu là la làng ra, khóc rống lên”.
Tuy nhiên, số đông bạn đọc cho rằng để dạy một đứa trẻ can đảm có nhiều cách thử thách trẻ mà không cần thiết phải đi trên thủy tinh. Nhiều bạn đọc cho rằng ý tưởng tập cho trẻ nhỏ có những kỹ năng sống từ nhỏ rất tốt nhưng phải biết chọn lọc chứ không phải nói như ông TS Việt: “Dạy trẻ bằng cách đi trên thủy tinh là một cách rất hay. Hồi nhỏ tôi cũng giẫm lên mảnh sành, mảnh chai là bình thường. Chúng ta đừng biến trẻ con thành gà công nghiệp mà nên biến thành đại bàng”.
Bạn đọc nick name N.N.H. tranh luận: “Tôi nghĩ việc cho trẻ đi trên thủy tinh không hay vì có thể gây rách chân chảy máu, để lại sẹo nếu trẻ đi không cẩn thận. Thay vì thế hãy tập cho trẻ biết cách tự chăm sóc bản thân, khi đau ốm biết xoa dầu, hoặc các kỹ năng sống như băng bó vết thương, rách tay rách chân băng thế nào... Có rất nhiều bài học bổ ích cho trẻ nhỏ, nhưng cần phải chọn lọc cho phù hợp lứa tuổi và mong muốn từ phụ huynh”.
Từ ý tưởng phải cân nhắc cái nào có ích, có lợi để đưa vào chương trình giáo dục phù hợp nhất cho trẻ nhỏ, nhiều bạn đọc cho rằng đó là trách nhiệm của người lớn, trong đó vai trò đầu tàu phải là những người có trách nhiệm của ngành giáo dục. Bạn đọc nick name Tuan Hung hiến kế: “Đề nghị Bộ GD-ĐT nên đưa tác phẩm Tâm hồn cao thượng vào chương trình bài đọc thêm cho học sinh tiểu học là hay nhất”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận