Cẩm Vân (hàng cuối) và các bạn nhỏ trong một hoạt động về môi trường - Ảnh: K.ANH
Mình rất thích nói chuyện với trẻ em, vì chính các em sẽ xây dựng ý thức và thói quen một cách tốt nhất trong việc bảo vệ môi trường, bắt đầu từ việc không xả rác bừa bãi. Từ đó lan tỏa đến mọi thành viên trong gia đình và những người xung quanh.
Châu Ngọc Cẩm Vân
Với mong muốn lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, Vân dành thời gian đến với các em nhỏ trong trường học để trao đổi và hướng dẫn các em tham gia giữ gìn môi trường sống từ những biện pháp nhỏ nhất.
Chuỗi hoạt động liên tục
Vân chia sẻ TP. HCM "tiêu thụ" một khối lượng khổng lồ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, đồng thời thải ra môi trường khối lượng tương ứng các loại chất thải, kể cả các chất gây hiệu ứng nhà kính, rác thải mất hàng trăm đến hàng ngàn năm để phân hủy.
Chất lượng môi trường và cuộc sống bị giảm sút do sự phát triển thiếu bền vững và do các loại chất thải này. Những tác động này càng gây áp lực lớn cho TP trong quá trình xây dựng và phát triển.
"Trước thách thức đó, chúng tôi hướng đến công tác giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho trẻ em, thế hệ tương lai và là đối tượng có khả năng lan tỏa ý thức và hành vi sống thân thiện môi trường tốt nhất đến người thân, gia đình và toàn xã hội" - Vân cho hay.
Mô hình Ngày hội môi trường ra đời, với nhiều trò chơi tương tác thực tế, các vở kịch lồng ghép thông điệp tuyên truyền, hướng dẫn cách thức và hành vi góp phần bảo vệ môi trường sống, thiết kế phù hợp ở từng lứa tuổi học sinh.
Cô thông tin thêm đối với các sự kiện môi trường hoặc hoạt động ngày hội, phải tốn nhiều chi phí và công sức để chuẩn bị nhưng thường chỉ tổ chức một lần rồi kết thúc. Như vậy khá lãng phí vật dụng, công sức tập luyện chuẩn bị, các sản phẩm in ấn và cả nhân sự, nội dung chương trình... Đồng thời độ phủ của thông tin chủ yếu chỉ đến với những người tham gia lúc đó.
Thế là Vân và các cộng sự tạo ra chuỗi hoạt động liên tục tại nhiều điểm trường khác nhau. Nhờ đó giúp tăng mức độ ảnh hưởng đến với nhiều học sinh mà lại tiết kiệm chi phí khi sử dụng lại toàn bộ vật dụng, nội dung và nhân sự.
Chương trình Truyền thông học đường về bảo vệ môi trường triển khai tại nhiều trường tiểu học, mầm non, trung học cơ sở hướng tới đối tượng chính là học sinh nhưng cũng tác động đến cả giáo viên, phụ huynh các trường, từng bước thay đổi hành vi và hình thành thói quen "sống xanh" một cách tích cực, được nhiều nơi hưởng ứng.
Thiết kế bộ trò chơi bảo vệ môi trường
Vân cho biết trong quá trình tổ chức các sân chơi, ngày hội cho học sinh và thanh niên, sinh viên, cô đã tổng hợp và lập ra bộ các trò chơi tuyên truyền trực quan sinh động gửi gắm thông điệp bảo vệ môi trường, với hơn 20 trò chơi như: tiết kiệm nước sạch, từ bỏ thói quen xấu, bảo vệ cây xanh, làm sạch bãi biển, cứu hộ rùa biển...
Các trò chơi này được tổ chức tại ngày hội và tất cả vật dụng để tổ chức trò chơi, vật dụng trưng bày... được chuẩn bị và tái sử dụng trong suốt chuỗi chương trình.
Các thông tin in ấn cũng được tiết kiệm tối đa khi in chừa trống các phần cần thay đổi để dùng được ở nhiều địa điểm, đặc biệt là phông sân khấu, chỉ cần dán decal phần chữ hoặc số còn trống lên thiết kế, sẽ đảm bảo các yếu tố về nơi tổ chức hoạt động. Việc này giúp giảm chi phí và giảm rác thải.
Cô kể mọi người rất thích cách thức tổ chức sinh động và nội dung chương trình, liên tục đăng ký với mong muốn ngày hội sẽ diễn ra ở trường mình, qua đó như một tiết sinh hoạt thực tế để đa dạng hóa cách giáo dục trẻ về bảo vệ môi trường.
Biến bãi rác thành vườn hoa
Ngoài vai trò là diễn giả, Vân cũng là một trong những "tác giả" đề xuất thực hiện mô hình "Biến bãi rác thành vườn hoa" trong những năm gần đây tại TP.HCM. Nhiều bãi rác tồn đọng lâu ngày tại các địa phương được tình nguyện viên, thanh niên cải tạo thành khu vui chơi, công viên mini, không gian thư giãn dành cho bà con ở các khu dân cư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận