26/03/2021 09:41 GMT+7

Dạy tiếng Đức và tiếng Hàn trong trường phổ thông: Hào hứng và hụt hẫng

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG

TTO - Việc Bộ GD-ĐT cho phép các trường phổ thông được lựa chọn dạy tiếng Đức, tiếng Hàn là ngoại ngữ 1 khiến nhiều phụ huynh vui mừng vì con em họ có nhiều lựa chọn.

Dạy tiếng Đức và tiếng Hàn trong trường phổ thông: Hào hứng và hụt hẫng - Ảnh 1.

Một giờ học tiếng Đức của học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Q.1, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Tuy nhiên, trên thực tế, "đoạn trường ai có qua cầu mới hay"...

"Vào" khó, "ra" cũng khó

"Hằng năm, trường chúng tôi chỉ mở 2 lớp 6 tiếng Đức trong số học sinh đã đậu vào lớp 6 của trường. Nhưng số học sinh đăng ký luôn luôn cao hơn chỉ tiêu, có năm số đăng ký gấp đôi chỉ tiêu. Điều này cho thấy phụ huynh có nhu cầu cho con em học tiếng Đức không ít" - cô Trần Thị Hồng Thủy, phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM, cho biết.

Vì số lượng học sinh đăng ký đông nên Trường Trần Đại Nghĩa xét tuyển học sinh vào lớp tiếng Đức theo điểm chuẩn tuyển sinh lớp 6: lấy từ trên xuống cho đến hết chỉ tiêu. 

"Đầu vào của lớp tiếng Đức đa số là những học sinh có điểm chuẩn rất cao. Tuy nhiên, đến lớp 8 là một số em bị "đuối" và cho rằng học tiếng Đức quá khó. Do vậy, tỉ lệ học sinh học hết lớp 9 và thi đạt chứng chỉ của chương trình cũng không cao như tiếng Anh" - cô Thủy thông tin.

Tương tự, ở Trường THCS Võ Trường Toản, quận 1, TP.HCM, "đến lớp 8 là một số học sinh xin chuyển sang lớp tiếng Anh vì không theo kịp chương trình tiếng Đức", như chia sẻ của một lãnh đạo Trường Võ Trường Toản.

Ở Hà Nội, việc tiếp tục theo học lớp tiếng Đức cũng rất nhiêu khê. "Để dự tuyển vào lớp 10 tiếng Đức, con tôi phải học đủ 4 năm trong dự án tiếng Đức ở cấp THCS, tiếng Đức đạt trình độ A2 (theo khung tham chiếu châu Âu). Trong khi các trường có lớp tiếng Đức trong khối trường THPT rất ít. 

Điều đó có nghĩa là "cửa hẹp" nếu cố gắng đặt mục tiêu phải học tiếp tiếng Đức. Còn rẽ ngang sẽ lãng phí thời gian đã học ở THCS. Có lẽ khó khăn về "đầu vào" ở cấp học trên sẽ là lý do khiến nhiều phụ huynh e ngại khi định cho con theo một ngoại ngữ không phổ biến" - chị H., phụ huynh có con từng thi trượt vào lớp 10 tiếng Đức, Trường THPT Việt Đức, Hà Nội, nhận định.

Hiếm nên "hẹp"?

Tại TP.HCM, vài năm gần đây Sở GD-ĐT cho thực hiện thí điểm mở lớp 6 tiếng Hàn (tiếng Hàn là ngoại ngữ 2, học sinh vẫn học tiếng Anh là ngoại ngữ 1) tại Trường THCS Hoa Lư và Trường THCS Bình Thọ, TP Thủ Đức. Việc tuyển sinh vào lớp 6 tiếng Hàn được thực hiện trong số học sinh đã có danh sách vào học lớp 6 của trường.

"Mặc dù gia đình tôi có nhu cầu cho con học tiếng Hàn trong trường phổ thông nhưng không thể thực hiện vì nhà ở quận 3, làm sao tôi có thể đưa đón con đi học ở TP Thủ Đức? Đó là chưa kể việc xin học cũng rất nhiêu khê. Các trường THCS ở TP.HCM đều tuyển sinh lớp 6 theo tuyến. Học sinh ở địa bàn khác rất khó xin vào 2 trường THCS trên" - chị Vũ Thị Thu, phụ huynh ở TP.HCM, phản ảnh.

Theo chị Thu: "Cánh cửa vào lớp tiếng Hàn rất hẹp. Gia đình bạn tôi ở ngay TP Thủ Đức cũng không xin được cho con vào học tại Trường Hoa Lư hoặc Bình Thọ vì đây là 2 trường nổi tiếng. Chỉ những học sinh được Phòng GD-ĐT phân tuyến mới được vào học và có cơ hội chọn lớp tiếng Hàn".

Về việc lựa chọn ngoại ngữ dạy trong trường phổ thông, cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), bày tỏ quan điểm: "Nếu điều kiện có thể tổ chức thì trường tôi cũng chỉ bố trí các lớp tiếng Nhật, Đức hay Hàn là ngoại ngữ 2. Còn ngoại ngữ 1, tôi nghĩ vẫn phải là tiếng Anh".

"Nhu cầu của người học chọn tiếng Anh phổ biến hơn. Tiếng Anh cho tới thời điểm này vẫn là ngoại ngữ thông dụng nhất. Vì thế nếu mở lớp ngoại ngữ 1 là các tiếng Nhật, Đức, Hàn, Trung thì nguồn tuyển sẽ hạn chế, điều kiện dạy học cũng khó khăn hơn" - cô Nhiếp cho biết.

Cũng theo cô Nhiếp, nhu cầu học các ngoại ngữ như Đức, Nhật, Hàn chỉ tăng khi ở các cấp học dưới tổ chức được tốt các lớp ngoại ngữ này và học sinh, phụ huynh có nhu cầu cho con học tiếp lên. Khi nhìn thấy nhu cầu đó, ở cấp THPT các trường mới tính đến và để thực hiện cũng cần có đủ các yếu tố cần thiết.

Hà Nội hiện chỉ có một số trường có lớp tiếng Đức là Trường THCS Đống Đa, Trường THCS & THPT Lomonoxop, Trường THPT Kim Liên, THPT Việt Đức, THPT Chu Văn An, THPT chuyên ngữ - ĐHQG Hà Nội (có nơi là ngoại ngữ 1, có nơi là ngoại ngữ 2), một vài trường đang tổ chức các câu lạc bộ dạy tiếng Đức theo diện tự nguyện. Tiếng Hàn thì mới chỉ có 2 trường tại Hà Nội là THPT Việt Đức và THPT Nguyễn Gia Thiều (ngoại ngữ 2).

Trong tương lai, nhu cầu học các ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh có thể gia tăng, quy mô dạy học cũng mở rộng hơn hiện nay. Nhưng theo đánh giá của chính các trường đang thực hiện dạy các ngoại ngữ như Nhật, Hàn, Đức, Pháp, Trung thì số học sinh lựa chọn các ngoại ngữ này sẽ không vượt quá 10% so với tổng số học sinh ở Hà Nội và TP.HCM. Có nghĩa là trên 90% học sinh vẫn sẽ chọn tiếng Anh.

Tùy nhu cầu, điều kiện thực tế

Chương trình chỉ là một trong các điều kiện để triển khai việc dạy học. Trong các điều lệ trường học đã quy định cụ thể về điều kiện tối thiểu để tổ chức dạy học.

Các nhà trường có thể tùy theo nhu cầu thực tế để đăng ký tổ chức các lớp dạy học các môn ngoại ngữ theo diện ngoại ngữ 1 hoặc 2, đảm bảo chất lượng. Trong thời gian qua, nhiều nhà trường đã tổ chức dạy tiếng Nhật, Đức, Hàn là ngoại ngữ 2 (tiếng Anh là ngoại ngữ 1).

Tuy nhiên, với những đối tượng học sinh có mục tiêu rõ ràng, có nhu cầu được học các môn tiếng Nhật, Đức, Hàn để đạt mức cao hơn thì các trường có thể tổ chức các lớp tiếng Nhật, Đức, Hàn là ngoại ngữ 1, tiếng Anh có thể là ngoại ngữ 2.

Ông Nguyễn Xuân Thành (vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT)

Thiếu giáo viên

Để tổ chức dạy học các môn ngoại ngữ mới, ngoài chương trình, tài liệu, trang thiết bị, yếu tố quan trọng nhất là giáo viên. Hiện nay nhiều trường có các lớp tiếng Đức, Nhật, Hàn ở Hà Nội và TP.HCM đều trong tình trạng thiếu giáo viên. Những giáo viên được đào tạo bài bản phải "chạy sô" ở nhiều trường, rất ít trường có giáo viên cơ hữu dạy các môn tiếng Hàn, Đức...

"Số giáo viên đạt chuẩn theo quy định thường không gắn bó lâu với nghề giáo vì thu nhập thấp. Chưa kể, để tìm ra giáo viên dạy tiếng Đức, tiếng Hàn cũng rất khó. Thậm chí, vì thiếu giáo viên nên có trường THCS phải ngưng một năm không dạy tiếng Đức" - ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay.

Tiếng Hàn, tiếng Đức được đưa vào chương trình phổ thông, học sinh được tự chọn Tiếng Hàn, tiếng Đức được đưa vào chương trình phổ thông, học sinh được tự chọn

TTO - Chương trình phổ thông nay sẽ có thêm hai ngoại ngữ là tiếng Hàn và tiếng Đức. Các trường có thể tự chọn hai ngoại ngữ này để dạy, học sinh được tự chọn chứ không bị bắt buộc lựa chọn như thông tin lan truyền gần đây.

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp