29/04/2023 13:35 GMT+7

Dạy tiếng Anh và làm học trò ở Việt Nam

Trong lễ tuyên thệ tháng 12 năm ngoái, Ethan Light - đại diện nhóm chín tình nguyện viên Chương trình Hòa bình tại Việt Nam - chia sẻ bằng tiếng Việt: "Tuy chúng tôi là giáo viên tiếng Anh nhưng chúng tôi hiểu mình cũng là học trò trên đất Việt".

Tình nguyện viên Isaac Barnes giảng dạy tiếng Anh tại một trường THPT tại huyện Mê Linh, Hà Nội - Ảnh: DANH KHANG

Tình nguyện viên Isaac Barnes giảng dạy tiếng Anh tại một trường THPT tại huyện Mê Linh, Hà Nội - Ảnh: DANH KHANG

Học sinh Việt Nam truyền cảm hứng cho tôi. Khi nhìn các em học tập nghiêm túc, chăm chỉ, khát khao thành công và thông thạo tiếng Anh, đó là nguồn cảm hứng rất lớn.
Tình nguyện viên ISAAC BARNES

Chính phủ Việt Nam mong muốn đặt trọng tâm vào công tác giảng dạy tiếng Anh, nên Chương trình Hòa bình (Peace Corps) triển khai các tình nguyện viên giảng dạy tiếng Anh tại các trường THPT trên địa bàn thủ đô Hà Nội.

Thầy giáo Isaac

"Thầy Isaac is very good! (Thầy Issac rất giỏi)" - một bạn học sinh hào hứng chia sẻ sau tiết học. "Thầy" là cách gọi của nhiều học sinh tại một trường THPT ở ngoại thành Hà Nội dành cho tình nguyện viên Isaac Barnes của Chương trình Hòa bình tại Việt Nam. 

Sau ba tháng kể từ lễ tuyên thệ, anh chàng 28 tuổi đã tranh thủ chút thời gian giữa các tiết dạy để chia sẻ với chúng tôi về đất nước đầu tiên anh đi làm tình nguyện.

"Xin chào" - anh Isaac mở đầu cuộc trò chuyện bằng lời chào bằng tiếng Việt vào một ngày cuối tháng 3. Công việc của Isaac là đóng góp thêm ý tưởng cho các bài giảng tiết học dạy tiếng Anh thêm hấp dẫn và phụ trách dạy phát âm trong các tiết học.

Ðể hiểu hơn về công việc của một tình nguyện viên Chương trình Hòa bình tại Việt Nam, chúng tôi theo chân "thầy" Issac đến một tiết học. 

Chàng trai người Mỹ khởi động giờ học bằng một ý tưởng mà anh vô cùng tâm huyết: học từ vựng và hội thoại thông qua truyện tranh. Theo Isaac, khó khăn lớn nhất khi dạy học là dù có sự tương đồng về bảng chữ cái nhưng khi phát âm thì hai ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt.

Isaac cũng được giao nhiệm vụ phụ trách câu lạc bộ tiếng Anh của nhà trường. Hoạt động sau giờ học, câu lạc bộ chú trọng phát triển kỹ năng nói thông qua các chủ đề đơn giản do học sinh tự chọn. "Các em có thể thoải mái nói mà không cần lo về điểm số. Hy vọng điều đó sẽ giúp các em cảm thấy tự tin hơn khi nói tiếng Anh", Isaac bộc bạch.

Thực tế, việc giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh không còn quá xa lạ trong chương trình giáo dục phổ thông nhưng vẫn còn hạn chế ở một số khu vực nông thôn. 

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, thầy Nguyễn Văn Ðồng - hiệu trưởng trường nơi Isaac đang dạy  - cho biết ông cảm thấy rất vui vì sự xuất hiện của tình nguyện viên Chương trình Hòa bình tại Việt Nam. "Kể từ khi Isaac đến dạy, bầu không khí học tập đã khác hẳn", thầy nhận xét.

Thầy Đồng hy vọng với sự giúp đỡ của tình nguyện viên Chương trình Hòa bình tại Việt Nam, học sinh sẽ có thêm tự tin để hùng biện bằng tiếng Anh, và việc sử dụng thành thạo ngoại ngữ sẽ mở ra các cơ hội việc làm tốt hơn trong tương lai cho các em.

"Tôi đã dành nhiều thời gian để tôi và học sinh có thể hiểu nhau. Sau ba tháng, có vẻ chúng tôi không còn ngại nhau nữa, các em cũng tiếp thu rất nhanh. Một điều đã giúp tôi rất nhiều trong quá trình giảng dạy là học sinh Việt Nam rất ngoan, cư xử lễ phép và chăm chú lắng nghe những gì tôi chia sẻ", Isaac nói về những học sinh thân yêu của mình.

Dạy tiếng Anh và làm học trò ở Việt Nam - Ảnh 3.

Lễ tuyên thệ của nhóm tình nguyện viên Chương trình Hòa bình tại Việt Nam hồi tháng 12-2022 - Ảnh: Peace Corps

Hiểu sâu hơn về văn hóa Việt

Các tình nguyện viên người Mỹ của Chương trình Hòa bình tại Việt Nam cần hoàn thành 10 tuần đào tạo hội nhập về ngôn ngữ và văn hóa. Trong thời gian này, họ nói chuyện với người bản địa, học tiếng Việt, đến thăm nhiều di tích và địa điểm nổi tiếng ở Hà Nội. Khi nhận công tác, các tình nguyện viên trực tiếp sinh sống và hòa nhập vào cộng đồng địa phương.

"Giờ thì tôi đã biết cách đi chợ, nói mấy câu chuyện phiếm với mọi người, kể tên vài con vật, vài môn thể thao", Isaac nói với chúng tôi rằng anh vẫn rất hào hứng để có thể giao tiếp tốt hơn bằng tiếng Việt. Anh chàng người Mỹ đã trở thành một nhân vật "nổi tiếng" trong khu vực vì là người nước ngoài hiếm hoi ở đây.

Thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Ðồng vô cùng ấn tượng với sự gần gũi, cởi mở và tôn trọng văn hóa Việt Nam của Isaac. "Cậu ấy hiểu giờ chào cờ là một nghi thức truyền thống nên luôn tôn trọng và nghiêm trang. Isaac còn lên biểu diễn cùng một nhóm học sinh trong giờ chào cờ thứ hai đầu tuần nữa đấy", thầy Ðồng nói.

Thầy Ðồng kể rất nhiều câu chuyện về Isaac Barnes. Phải nhắc đến lần đi lễ chùa đầu năm cùng tập thể giáo viên, thầy dặn chàng trai người Mỹ không nên đội mũ khi ở trong gian thờ để thể hiện sự kính trọng: 

"Thế là cậu ấy cứ cầm cái mũ khư khư trên tay kể cả khi đã bước ra ngoài sân", thầy bật cười khi nói về sự "máy móc" của chàng tình nguyện viên ngoại quốc. 

Sau một thời gian, thầy nhận thấy Isaac đã học được sự linh hoạt trong nếp sống, hòa nhập với những thói quen sinh hoạt của người Việt. Một điểm thú vị là chàng người Mỹ này dùng đũa rất thành thục.

Với những chi tiết nhỏ như thế, Isaac đã có cái nhìn sâu sắc hơn về văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, một trong những hoạt động mà Isaac yêu thích nhất ở Việt Nam là đi thăm bảo tàng.

Gần đây, Isaac và các tình nguyện viên khác đã có dịp hội ngộ sau ba tháng nhận công tác trong một sự kiện ở Làng văn hóa Việt Nam

Họ cùng nhau học nấu cơm niêu, làm vòng ngũ sắc và bánh nếp. "Người Việt Nam rất thân thiện. Lúc nào nhìn thấy tôi họ cũng cười và còn giúp tôi đi chợ mua được thức ăn với giá tốt nữa", một tình nguyện viên khác trong đoàn chia sẻ tại cuộc hội ngộ.

Việt Nam và Mỹ đang cùng nhìn về tương lai với nhiều hy vọng. Thế hệ những người sinh ra sau chiến tranh như anh Isaac cũng đang nhìn mối quan hệ giữa hai nước qua một lăng kính rất tích cực. 

"Tôi đến từ một thế hệ mới của nước Mỹ, vậy nên tôi hy vọng bản thân sẽ góp phần tạo ra những câu chuyện mới tốt đẹp hơn, ngày càng thân thiện hơn trong mối quan hệ giữa hai nước" - Isaac chia sẻ.

17 năm

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Mikel Herrington - giám đốc Chương trình Hòa bình tại Việt Nam - cho biết trong mối quan hệ đối tác với Việt Nam, chương trình này luôn hướng tới mục tiêu tăng cường sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa hai quốc gia thông qua mối quan hệ giữa con người với con người.

"Các tình nguyện viên Chương trình Hòa bình sau khi hoàn thành công tác hai năm sẽ trở về nhà và chia sẻ sự hiểu biết sâu sắc hơn và lòng biết ơn về Việt Nam, về văn hóa và con người Việt Nam" - ông Herrington nói.

Chương trình Hòa bình được thành lập tại Mỹ năm 1961 bởi Tổng thống Mỹ John F. Kennedy, đến nay đã có lịch sử hơn 60 năm, sở hữu mạng lưới 240.000 công dân Mỹ đã và đang là tình nguyện viên trên toàn thế giới. Việt Nam là quốc gia thứ 143 tiếp nhận tình nguyện viên Chương trình Hòa bình.

Ngày 27-10-2022, nhóm tình nguyện viên đầu tiên của Chương trình Hòa bình tới Việt Nam. Sự kiện đó đánh dấu việc chính thức khép lại chặng đường 17 năm đàm phán không chỉ về lĩnh vực hoạt động của Chương trình Hòa bình mà còn được xem như một thành tựu mới trong tiến trình xây dựng lòng tin giữa hai nước.

Du học sinh mang tiếng Anh về dạy cho trẻ nghèoDu học sinh mang tiếng Anh về dạy cho trẻ nghèo

TTO - Bước sang mùa hè thứ ba, Dương Quốc Bảo, một du học sinh, tranh thủ thời gian nghỉ về Quảng Nam dạy tiếng Anh cho những đứa trẻ nghèo.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp