Chương trình mới dành cho học sinh THCS có yêu cầu dạy "tích hợp", giáo viên phải thay đổi phương pháp - Ảnh: N.H.
Lo không dạy được, lo không biết tổ chức dạy học, sắp xếp thời khóa biểu thế nào, rồi việc thừa, thiếu giáo viên có thể xảy ra.
Vì sao phải "tích hợp"?
GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, giải thích môn học tích hợp giúp học sinh có cơ hội vận dụng kiến thức, kỹ năng của nhiều lĩnh vực, tránh trùng lặp kiến thức, tiết kiệm thời gian cho học sinh, giáo viên, góp phần giảm tải.
Việc này trên thực tế đã được giáo viên ở nhiều trường áp dụng nhưng theo ông Thuyết, nếu triển khai từ khâu xây dựng chương trình, sách giáo khoa (SGK), giáo viên sẽ thuận lợi hơn, việc dạy học sẽ hiệu quả hơn trên toàn hệ thống.
Tuy nhiên, khi trao đổi với giáo viên ở nhiều trường, trong đó có giáo viên ở những vùng thuận lợi như Hà Nội, Hải Phòng, đa số vẫn mơ hồ về "môn tích hợp".
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, người trăn trở nhiều với việc xây dựng phần mềm, xây dựng hệ thống tập huấn giáo viên qua mạng - chia sẻ: "Để giáo viên không hoang mang, cần có những giải thích cụ thể và bắt đầu từ những việc nhỏ. Khi hiểu rồi thì tôi nghĩ các thầy cô đều sẽ thấy không khó và trừu tượng như họ lo ngại".
Theo cách giải thích của ông Thành, môn lịch sử và địa lý, môn khoa học tự nhiên ở bậc THCS vẫn có các mạch kiến thức độc lập, bên cạnh đó sẽ thiết kế các chủ đề liên môn. Cụ thể môn lịch sử và địa lý sẽ có hai mạch riêng, nhưng ở các lớp 7, 8, 9 có chủ đề chung 6-10 tiết.
Tương tự, môn khoa học tự nhiên vẫn có các mạch độc lập của vật lý, hóa học, sinh học nhưng sẽ có các chủ đề chung. Giáo viên các môn độc lập hiện nay sẽ vẫn dạy các phần độc lập, còn chủ đề chung sẽ do nhóm/tổ giáo viên cùng thiết kế. Chủ đề nghiêng về môn nào thì do giáo viên môn đó dạy, các giáo viên khác hỗ trợ.
Ví dụ, theo phân tích của ông Thành thì môn khoa học tự nhiên ở lớp 7 gồm hóa học 24% - vật lý 28% - sinh học 38%; lớp 8 hóa học 31% - vật lý 28% - sinh học 31%; lớp 6 hóa học 20% - sinh học 38% - vật lý 32%; lớp 9 vật lý 30% - hóa học 31% - sinh học 29%.
"Tổng số tiết của ba môn vật lý, hóa học, sinh học trong chương trình hiện hành là 595 tiết, tổng số tiết của môn khoa học tự nhiên trong chương trình mới là 560 tiết, giảm 35 tiết. Như vậy không ảnh hưởng lớn đến cơ cấu giáo viên" - ông Thành phân tích.
Về băn khoăn "vì sao phải tích hợp?", ông Thành cho biết kiến thức cơ bản ở phổ thông mà học sinh tiếp cận đã bao hàm liên môn. Nhưng trước đây chương trình cứ "dàn hàng ngang" cho học sinh học đơn môn. Việc này dẫn tới tình trạng thiếu trình tự cần thiết để học sinh có thể nắm được bài học.
Việc đưa kiến thức liên môn vào môn tích hợp sẽ điều chỉnh lộ trình tiếp cận kiến thức của học sinh hợp lý hơn... Trong đó có những kiến thức cần học trước, làm cơ sở để học sinh học kiến thức sau...
Khó nằm ở phương pháp
Phương pháp và cách bố trí, tổ chức dạy học là những nội dung cần chú trọng tập huấn đối với chương trình giáo dục phổ thông mới - TS Vũ Đình Chuẩn, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, trao đổi.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, "không có một cái gọi là phương pháp dạy học tích hợp liên môn. Mà tích hợp liên môn là nội dung chương trình".
Nên khi dạy môn tích hợp, phương pháp dạy học cũng cần bảo đảm một điểm chung là "phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh".
"Trong mỗi bài học, giáo viên biết tổ chức tốt các hoạt động học cho học sinh thông qua việc giao nhiệm vụ cho học sinh rõ ràng, cụ thể với "sản phẩm" học tập (câu trả lời/lời giải cho các câu hỏi, số liệu thí nghiệm quan sát/ghi chép được; đề xuất ý kiến/giải pháp thực hiện nhiệm vụ) cụ thể; theo dõi, hướng dẫn học sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; tổ chức cho học sinh báo cáo, thảo luận, bảo vệ "sản phẩm"; nhận xét, đánh giá, "chốt" kiến thức, kỹ năng để học sinh ghi nhận và sử dụng. Làm được như vậy trong từng bài học là sẽ thực hiện tốt chương trình mới" - ông Thành nói.
"Trong quá trình dạy học tích cực, vị trí tương tác giữa giáo viên - học sinh - SGK/tài liệu tạo thành hình tam giác, trong đó giáo viên hướng dẫn học sinh tương tác với SGK/tài liệu. Tuy nhiên, nếu giáo viên không thực hiện đúng sẽ biến thành tam giác "bẹt". Tức là giáo viên dần dần đứng vào giữa SGK/tài liệu và học sinh" - ông Thành nhận xét.
Ông cho rằng mục tiêu tập huấn giáo viên tới đây sẽ phải điều chỉnh để tương quan giữa thầy - trò - sách/tài liệu. Trong đó người thầy chỉ tổ chức, hướng dẫn để học sinh chủ động thực hiện chuỗi hoạt động học.
Theo ông Thành, thay vì giao bài tập từ kiến thức đã học, người thầy cần giao bài tập cho học sinh ở bài sắp học. Ví dụ yêu cầu học sinh phải đọc trước bài, đọc tài liệu, nhận xét, trả lời câu hỏi, bày tỏ thắc mắc... và thầy sẽ hướng dẫn học sinh cách giải quyết để có câu trả lời.
Bố trí thời khóa biểu cần cải tiến
"Cùng với việc thiết kế môn học tích hợp, chương trình mới chỉ quy định số tiết/năm học cho mỗi môn học để nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục. Việc thay đổi này tạo điều kiện cho các nhà trường chủ động bố trí thời khóa biểu phù hợp với mục tiêu môn học và điều kiện dạy học" - ông Thành cho biết.
Theo đó, đối với cơ cấu giáo viên hiện nay, có thể giáo viên vật lý sẽ phải dạy liên tục nhiều tuần, rồi mới đến hóa học, sinh học, chứ không phải dàn ra như hiện nay, chẳng hạn tuần có 3 tiết khoa học tự nhiên thì chia đều 1 tiết vật lý, 1 tiết hóa học, 1 tiết sinh học.
Một phương án demo được ông Nguyễn Xuân Thành chia sẻ là năm học sẽ chia 2 học kỳ, mỗi học kỳ có 2 "nửa kỳ", theo thứ tự 4 "nửa kỳ" thì lớp 6 sẽ là hóa 20%, sinh 38%, lý 32%; lớp 7 sẽ là hóa 24%, lý 28%, sinh 38%...
Đây chỉ là ví dụ một cách phân thời khóa biểu, trong khi thực tế có thể có nhiều cách khác nhau để đảm bảo thực hiện yêu cầu môn học và tận dụng nguồn lực của mỗi trường (giáo viên).
Ưu tiên bồi dưỡng tập trung 25% số giáo viên để dạy lớp 6
Theo lộ trình, đến năm học 2021-2022, chương trình áp dụng đến cấp THCS và lần lượt đến năm học 2024-2025 sẽ áp dụng đến lớp 9. Như vậy sẽ có 6 năm để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Bộ GD-ĐT dự kiến ưu tiên tập trung bồi dưỡng 25% số giáo viên để dạy lớp 6 và cuốn chiếu cho các năm tiếp theo. Bộ GD-ĐT khuyến khích và có chế độ cho giáo viên tự đăng ký học thêm các phần bổ sung kiến thức chuyên môn để có thể đảm nhận từ 2 phân môn, tiến tới đảm nhiệm toàn bộ chương trình. Bên cạnh đó, các trường sư phạm phải xây dựng chương trình đào tạo giáo viên để dạy môn khoa học tự nhiên và môn lịch sử với địa lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận