Sắp xếp lại đống sách báo cũ khi gia đình chuyển sang căn nhà mới, tôi bỗng bắt gặp tờ báo xuân năm 2012 có đăng tấm hình cậu Ba ở Trường Sa do anh bạn đồng nghiệp làm báo cùng chuyến đi chụp.
Tấm ảnh chụp tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở thị trấn Trường Sa. Nhìn bức ảnh trên báo mà tôi bần thần.
Thời gian trôi qua thật nhanh, mới ngày nào tôi còn gặp cậu ở Nha Trang, khi cậu từ Phan Thiết ra, ghé nhà thăm anh chị, là ba mẹ tôi, trước khi ngược vào Quân cảng Cam Ranh theo đoàn nhà báo, văn nghệ sĩ theo tàu ra Trường Sa.
Vậy mà giờ cậu đã ở một nơi thật xa, sau 1 năm chống chọi với căn bệnh ung thư dạ dày.
Ngày ấy, những ngày cuối tháng 12 năm 2011, đầu tháng 1 năm 2012, cậu từ Phan Thiết gọi điện báo cho mẹ tôi rằng cậu đã đăng ký và được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Thuận cử đi Trường Sa vào dịp cận Tết.
Nghe cậu báo vậy, cả nhà ai cũng lo, nhất là mẹ, bởi cậu đã 65 tuổi, lại là thương binh. Nhưng rồi mọi người lại được cậu vỗ về phần nào với ý nghĩ rằng: thế là cậu đã thỏa niềm mong ước được một lần đặt chân đến vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc bấy lâu nay.
Ngày đi, từ Quân cảng Cam Ranh, cậu gọi điện cho mẹ rằng cậu đã lên tàu ra đảo, mong mọi người ở nhà an tâm.
Và rồi gần 20 ngày lênh đênh trên sóng nước, qua các đảo chìm đảo nổi, ngày về, cậu gầy hơn, da đen sạm đi vì nắng gió nhưng niềm hăm hở vẫn còn đấy. Cậu cười cười, nói nói, huyên thuyên kể chuyện những ngày ở đảo xa.
Tôi vẫn còn nhớ những món quà cậu tặng tôi và mọi người. Thì đây - vài con ốc, quả bàng vuông và vài viên đá ở Trường Sa.
Quà từ đảo còn là hàng trăm tấm ảnh ghi lại những hình ảnh, cảm xúc của cậu mỗi khi đặt chân đến từng đảo chìm đảo nổi, từ lúc lên tàu, đến khi tàu cập bến, rồi những thú vui, cuộc sống, sinh hoạt, tập luyện của lính đảo...
Mấy trăm tấm hình như xâu chuỗi lại cuộc sống của quân và dân trên đảo, để rồi như nói, kể với những người ở đất liền.
Cậu kể về những khoảnh khắc biển động như thế nào, những tình huống khó khăn của đoàn trong suốt hải trình vì thời tiết cuối năm không thuận; những trải nghiệm thú vị ở những cuộc câu cá, giao lưu; bữa ốc nhảy ăn đã đời do lính đảo mò mẫm dưới biển luộc đãi khách hay chuyện về cô phóng viên trẻ, nhỏ nhắn của báo Tuổi Trẻ - nhân vật nữ duy nhất trong đoàn…
Riêng cậu có được niềm vui trở thành nhân vật được nhiều phóng viên báo đài cùng chuyến đi phỏng vấn vì là người già nhất (gần 65 tuổi) mà vẫn còn "gân" đến Trường Sa và niềm xúc động khi được ngâm những bài thơ do chính mình sáng tác giữa trùng khơi.
Cậu bảo cậu cứ nhớ mãi hình ảnh một thủy thủ đoàn trong chuyến hải trình nhường lại chiếc giường của mình cho cậu.
Nhớ những cậu lính trẻ lội dưới san hô đến tứa cả chân để đẩy xuồng đưa cánh nhà báo, văn nghệ sĩ vào đảo Thuyền Chài, hay những người lính đảo An Bang nhường chỗ cho nhà báo ngủ.
Để rồi sau này, khi đã trở về nhà ở Phan Thiết, thỉnh thoảng cậu khoe cậu vẫn nhận được thùng hải sải tươi rói, là món quà của một người đảo trưởng gửi về đất liền cho cậu.
Cậu còn gửi mail cho tôi bài bút ký đầy cảm xúc dài gần chục trang của cậu, bài viết sau đó được đăng trên báo Văn nghệ.
Đó như thể là những dòng nhật ký về một cuộc hành trình, nhật ký về cảm xúc, khép lại trọn vẹn cảm xúc về một lần được đến Trường Sa của một người con đất Việt, của một cựu chiến binh.
Cậu đi để biết, để chia sẻ, đồng cảm với cuộc sống, tình cảm của quân và dân ở đảo xa. Cảm xúc của những ngày cậu ở Trường Sa năm nào vẫn như còn đọng mãi…
Mời bạn tham gia viết bài 'Những ký ức đẹp'
Điều gì đã đọng lại trong bạn để trở thành ký ức không thể quên? Gợi nhớ ký ức không phải là khơi lại đống tro tàn. Ký ức đôi khi là hành trang, là chiêm nghiệm... để ta bước tiếp với đôi chân vững chãi. Có những ký ức rất đẹp, cũng có những ký ức khi hồi tưởng lại, ít nhiều trong chúng ta vẫn còn cảm thấy "nợ" người trong cuộc.
Nhằm ghi lại những câu chuyện của chính bạn hoặc của người khác nhưng gây nhiều xúc động trong bạn, Tuổi Trẻ Online kính mời bạn viết bài với chủ đề 'Những ký ức đẹp' cho chuyên mục Bạn đọc làm báo.
Bài viết không giới hạn về thể loại bao gồm: văn xuôi, văn vần, thơ, vè... dài tối đa 1.200 từ (có thể kèm clip, hình ảnh). Những bài viết khi đăng sẽ được trả nhuận bút.
Mọi thư từ, bài viết xin vui lòng gửi về: [email protected] hoặc [email protected]. Thông tin bạn đọc, tài khoản... xin ghi rõ dưới bài viết. Chân thành cảm ơn!
TUỔI TRẺ ONLINE
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận