Một lớp dạy thêm tại nhà giáo viên - Ảnh: V.Trường |
Họ mừng không phải vì có một chủ trương mới hay một tiến bộ gì đó trong giáo dục, mà họ mừng chỉ bởi tình hình đã... quay về như cũ.
Chỉ mới đây thôi, khi phụ huynh, học sinh rục rịch chuẩn bị năm học mới, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM ra “quân lệnh” cấm dạy thêm. Lãnh đạo sở tuyên bố từ năm học này, TP.HCM sẽ chấm dứt dạy thêm trong trường. Giáo viên chỉ được phép dạy bên ngoài, ở các trung tâm do người khác đứng ra tổ chức, giáo viên được trả lương.
Lãnh đạo của ngành giáo dục thành phố cũng giãi bày rằng việc chấm dứt dạy thêm học thêm trong trường, trách nhiệm của sở phải thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo.
Và đúng là trước đó thành phố đã ra chỉ đạo cấm dạy thêm học thêm trong trường. Theo chỉ đạo này, từ năm học 2016-2017 chấm dứt việc tổ chức học thêm, dạy thêm tại các trường trên địa bàn TP.HCM, chỉ cho phép tổ chức dạy thêm học thêm tại các trung tâm ngoại ngữ, bồi dưỡng văn hóa ngoài nhà trường.
Không ít ý kiến đã phản biện chủ trương này với nhiều ý kiến cho là khối lượng chương trình nặng nề, lương giáo viên không đủ sống và tâm lý phụ huynh muốn con được học thêm để khẳng định việc cấm dạy thêm, học thêm là không khả thi.
Nhưng cũng không ít ý kiến bày tỏ sự ủng hộ thái độ quyết liệt cấm dạy thêm, học thêm. Các ý kiến này nhìn nhận việc dạy thêm - học thêm chỉ nhằm mục đích kinh tế của trường, của giáo viên. Học sinh đi học thêm không theo nhu cầu mà có tâm lý bị ép buộc từ nhiều phía.
Thậm chí có ý kiến ủng hộ việc “chấp nhận đau thương” trong thời gian đầu áp dụng chủ trương cấm dạy thêm để dần dần đưa giáo dục vào quỹ đạo, nề nếp.
Tuy nhiên, phần đông những người đưa ra ý kiến ủng hộ thường tiếp cận dạy thêm, học thêm ở góc độ tổ chức giảng dạy học tập theo kiểu nối dài các môn học chính khóa trong trường.
Và có vẻ như cái chủ trương “cấm tiệt” dạy thêm, học thêm trong trường cũng đã được hiểu và áp dụng theo cách đó.
Hiệu trưởng, giáo viên các trường nhận được chỉ đạo tuyệt đối không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào trong trường.
Thế là các mô hình dạy thêm, học thêm theo chuyên đề, theo câu lạc bộ như một dạng bồi dưỡng kiến thức bị cấm. Có giáo viên muốn ngồi nán lại 15 phút sau giờ học để rèn thêm cho các học sinh học chậm cũng e dè sợ bị “tố”.
Các câu lạc bộ bóng đá, bóng bàn, cầu lông, võ thuật, vẽ… cũng không được thực hiện. Không ít trường đành phải sắp xếp những câu lạc bộ được nhiều học sinh yêu thích vào giờ học chính khóa.
Các đơn vị liên kết tổ chức các chương trình ngoại khóa vốn chỉ tập trung lo về mặt học thuật bị “đá” ra khỏi trường, tất tả tìm kiếm văn phòng, trụ sở để làm nơi hoạt động. Một số khác thuê mướn, xây dựng trung tâm văn hóa ngoài giờ.
Chủ trương chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, tiêu cực là hoàn toàn đúng. Thế nhưng, cần phải phân biệt rõ các hình thức dạy học được gọi bằng cái tên chung là dạy thêm - học thêm.
Có những loại dạy thêm kiểu nhồi nhét kiến thức, dễ dẫn đến tiêu cực làm méo mó hình ảnh giáo dục. Cũng có những loại dạy thêm học thêm để bổ sung kỹ năng cho học sinh.
Nạn dạy thêm học thêm tiêu cực cần phải hạn chế và chấm dứt. Nhưng những giờ bổ sung kỹ năng giúp học sinh phát triển toàn diện cần phải được tạo điều kiện.
Phân biệt một cách rạch ròi dựa trên đặc điểm của từng loại hình để có bước đi phù hợp chắc chắn sẽ tránh được những phản ứng tiêu cực không cần thiết. Nếu tất cả cùng bỏ chung một rổ để cấm một cách máy móc, sẽ khó tránh khỏi chuyện nay cho, mai cấm, mốt lại cho.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận