11/09/2017 16:14 GMT+7

​Dạy thêm, công tâm sẽ chẳng ai nói!

ĐỨC BẢO
ĐỨC BẢO

TTO - Dạy thêm học thêm là nhu cầu chính đáng của giáo viên, học sinh, vì sao phải cấm? Sao nhà quản lý không tìm cách loại bỏ những "con sâu làm rầu nồi canh"?

​Dạy thêm, công tâm sẽ chẳng ai nói! - Ảnh 1.

Học sinh chờ phụ huynh đón sau buổi học thêm ban đêm ở Q.5 (TP.HCM) - Ảnh: NHƯ HÙNG

Dạy thêm, học thêm luôn là "bài ca" không có hồi kết giữa học sinh, phụ huynh và giáo viên. Bản chất của việc dạy thêm là loại hình lao động trí óc có thu nhập ngoài giờ làm việc, được trả thù lao tương xứng với công sức của người dạy. 

Thế nhưng những sự việc tiêu cực xoay quanh việc dạy thêm, học thêm đã làm cho công việc chính đáng này bị méo mó, biến tướng khiến dư luận lên án và tẩy chay.

Nhưng cũng đã đến lúc những người quản lý giáo dục nên dẹp bỏ tư tưởng vấn đề nào giải quyết không được thì cấm, thay vào đó hãy tìm cách loại trừ những "con sâu làm rầu nồi canh".

Phụ huynh phát huy quyền giám sát

Ngoài cơ quan quản lý, bản thân phụ huynh cũng có quyền theo dõi, giám sát gián tiếp chất lượng học thêm của con em mình bằng nhiều cách khác nhau. 

Khi phát hiện giáo viên nào có tiêu cực như: "trù dập" học sinh không đi học thêm, "gà" bài kiểm tra trước, cắt xén chương trình trên lớp... phụ huynh có quyền gặp trực tiếp ban giám hiệu để phản ánh hoặc thông qua hòm thư phản ánh gắn ở cổng trường. 

Ngoài ra đường dây nóng cũng sẵn sàng tiếp nhận thông tin của phụ huynh, trường nào có giáo viên bị phản ánh thì sẽ có ngay đoàn thanh tra của phòng trực tiếp xuống kiểm tra và chính giáo viên đó phải có nhiệm vụ giải trình. 

Nếu phát hiện sai phạm, không chỉ giáo viên đó bị xử lý mà ngay cả hiệu trưởng cũng liên đới trách nhiệm (tùy theo lỗi mà cắt thi đua, điều chuyển công tác, chậm nâng lương...).

Rõ ràng, phụ huynh không chỉ là người cung cấp tài chính để trả cho giáo viên trong việc dạy thêm mà họ còn là nguồn cung cấp thông tin phản ánh hữu ích cho các cơ quan quản lý giáo dục kịp thời chấn chỉnh công tác dạy thêm, học thêm trên địa bàn mình quản lý.

Rèn học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi

Đây có lẽ là điều mà nhiều phụ huynh quên mất khi đăng ký học thêm cho con em mình. Khi chương trình học trên lớp ở một số môn chính vẫn còn nặng về lí thuyết, một tiết dạy 45 phút không đủ để hình thành kỹ năng giải bài tập thì học thêm sẽ giúp học sinh rèn được những kỹ năng quan trọng này.

Là một giáo viên dạy văn, khi dạy thêm, tôi thường lên kế hoạch, soạn giáo án dạy thêm rất kĩ vì nội dung, phương pháp giảng dạy của tôi lại phụ thuộc vào năng lực của người học. 

Nếu đối tượng là học sinh khá giỏi thì quá tuyệt vời. Một tiếng rưỡi đến hai tiếng học thêm là cơ hội tốt để giáo viên rèn luyện kỹ năng làm văn như phân tích, bình giảng, bình luận chuyên sâu. Các em được luyện tập nhiều dạng bài tập nâng cao, nhiều đề thi học sinh giỏi các năm trước. 

Với những học sinh có tố chất đặc biệt, những buổi học thêm là khoảng thời gian quý báu để giáo viên giúp các em phát triển tư duy, trình bày lời nói, sắp xếp ngôn từ sao cho hay nhất và chỉn chu nhất. 

Có nhiều học sinh học văn rất tốt nhưng vì gia đình khó khăn không đủ điều kiện đi học thêm, tôi sẵn sàng ghi danh và miễn hoàn toàn học phí, không thể để khó khăn mà chôn vùi khả năng của các em ấy.

Đối với học sinh có năng lực dưới trung bình, giáo viên dạy thêm rèn cho các em kỹ năng làm văn ở mức đơn giản để các em lấy lại căn bản, tự mình tạo lập được một bài văn có đầy đủ bố cục, tách đoạn hợp lý. Chưa kể những em chữ viết cẩu thả, viết sai lỗi chính tả cũng phải nhờ giáo viên dạy thêm uốn nắn, điều chỉnh lại giùm.

Cần lắm cái tâm của người dạy

Dù là dạy thêm cho học sinh giỏi hay trung bình, những buổi dạy thêm đa phần đều kết thúc muộn, thường trễ 15-20 phút sau khi chuông báo hiệu tan học vang lên. Phụ huynh đợi đón con tuy sốt ruột nhưng lại cảm thấy an lòng vì con mình có tiến bộ.

Ai nói giáo viên dạy thêm chỉ vì thu nhập mà không vì sự tận tâm và tấm lòng yêu thương học trò?

Thử hỏi, khi bài toán ngành sư phạm "rớt giá", chất lượng đầu vào sư phạm quá thấp...vì ra trường không có nhiệm sở, lương bổng không đủ để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống, liệu ai sẽ đủ can đảm "lao đầu" vào môi trường vốn tiếp xúc với nhiều bụi phấn, áp lực từ công việc, chỉ tiêu từ cấp trên? 

Vì vậy rất mong dư luận có cái nhìn chính xác và cơ quan quản lý hãy nới lỏng, xem dạy thêm, học thêm cũng là công việc chân chính nhằm đáp ứng nhu cầu từ phía người học. Giống như ngoài giờ làm việc tại bệnh viện, các bác sĩ được cấp phép để mở ra những phòng khám tư nhằm phục vụ nhu cầu của người bệnh.

Riêng với giáo viên dạy thêm, họ phải nhận thức ra quyền lợi và trách nhiệm đặc thù của nghề dạy học. Học sinh các cấp bây giờ vốn thông minh và nhạy bén hơn thế hệ trước, cộng thêm với những thiết bị nghe nhìn hiện đại phổ biến thì nhất cử nhất động của người thầy, người cô sẽ bị các em quan sát và ghi lại rất nhanh. 

Chỉ có người thầy luôn biết trau dồi phẩm chất, tài năng và luôn công minh trong việc đánh giá tất cả học sinh trên nhiều phương diện khác nhau mới thật sự được học sinh tin yêu, là tấm gương, "thần tượng" để các em học tập, noi theo.

Bài viết chia sẻ góc nhìn của một giáo viên dạy thêm. Bạn có đồng tình với góc nhìn này? Là phụ huynh, học sinh... bạn nghĩ gì về việc dạy thêm, học thêm hiện nay? Mời bạn chia sẻ ý kiến ở ô Bình Luận, hoặc gửi email đến địa chỉ [email protected]. Cảm ơn bạn!

ĐỨC BẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp