Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 đang ghép gan cho bệnh nhi - Ảnh: H.LỢI
"Có những nỗi đau thật khó để nhắc lại vì chỉ nhớ đến thôi, trái tim như bị cứa đau. Nếu con trai tôi được ghép gan giờ cháu đã được hơn 4 tuổi. Nhưng con tôi đã không chờ được, cháu đã ra đi từ hơn 9 tháng trước" - chị N.T.H.P., 34 tuổi, ngụ ở Bà Rịa - Vũng Tàu, rưng rưng nói.
Mòn mỏi chờ
Ngay từ khi sinh con ra, chị P. đã được thông báo con trai chị mắc bệnh teo đường mật. Theo thời gian, bệnh của con ngày càng nặng hơn. Con chị được tạm phẫu thuật, sau đó đăng ký, hy vọng chờ đến ngày được ghép gan. Cuối tháng 6-2021, bệnh viện đã trả lời không thể tổ chức ghép gan vì dịch bệnh.
Cuối cùng con chị P. đã tử vong...
Dù con không còn nữa nhưng chị P. rất mong tốc độ ghép gan của bệnh viện nhanh hơn nữa để các cháu bé có cơ hội giành lại được sự sống.
"Chúng tôi vẫn chưa vượt qua được nỗi sợ sinh bé thứ hai có thể bị bệnh như bé đầu" - chị P. lo lắng chia sẻ.
Còn chị L.T.B.H., 37 tuổi, ở Bình Dương, cũng cho biết con gái chị đã tử vong hơn một năm trước trong thời gian chờ đợi được ghép gan. Hiện giờ chị đang mang thai bé mới nên không muốn nhắc đến câu chuyện quá đau lòng này.
TS.BS Trần Thanh Trí, trưởng khoa gan - mật - tụy, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết hiện nay chỉ tính riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 2 đã có ít nhất 200 bệnh nhi mắc bệnh teo đường mật, đã được phẫu thuật tạm thời, đang chờ được ghép gan. Mỗi năm thêm 60 ca teo đường mật mới, 80% trong số này cần ghép gan mới có thể giữ được mạng sống. Trong đó, có hơn 40 bệnh nhi trong tình trạng nặng, có nhiều biến chứng cần được ghép gan sớm trong năm nay. Những cháu bé này đã bị nhiễm trùng, xuất huyết tiêu hóa tái phát nhiều lần, suy tế bào gan.
Cuối năm 2021, lần đầu tiên Bệnh viện Nhi đồng 2 phối hợp với Bệnh viện Đại học Y dược ghép gan cho trẻ em, không có sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài. Nhưng hiện mỗi tháng Bệnh viện Nhi đồng 2 mới chỉ ghép gan được cho một bệnh nhi. Với tốc độ ghép gan như hiện nay, hiện mỗi tháng vẫn còn hai bệnh nhi tử vong tại bệnh viện vì không chờ được đến lượt, chưa kể những cháu bé mắc bệnh nặng tử vong tại nhà.
Đẩy nhanh tốc độ ghép gan
Mục tiêu của Bệnh viện Nhi đồng 2 vẫn là ngày càng đẩy nhanh tốc độ ghép gan để cứu sống được nhiều bệnh nhi hơn nữa nhưng tạm thời vẫn chưa thể tăng ca ghép gan ngay lên được. Phòng mổ và phòng hồi sức cho bệnh nhi ghép gan phải dùng chung với bên phẫu thuật tim nên khi ghép gan, êkip mổ tim lại phải ngưng mổ một tuần. Nếu mổ gan càng nhiều thì các ca mổ tim phải ngưng lại càng nhiều.
Hiện nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã có dự án xây dựng khu kỹ thuật cao 10 tầng và đang chờ động thổ. Công trình này có đủ phòng mổ, khu hồi sức và các khoa lâm sàng. Nếu công trình được động thổ trong năm nay thì 2 - 3 năm sau mới có thể sử dụng được.
Tuy nhiên, trong thời gian này, khu phẫu thuật tim đã được xây dựng và chuẩn bị vận hành.
Khi khu phẫu thuật tim đi vào hoạt động, phẫu thuật ghép gan sẽ không cản trở hoạt động của chuyên khoa này. Bên cạnh đó, khoa gan-mật-tụy và ghép gan cũng đã trình đề xuất mở rộng khoa để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhi trong năm nay. Bệnh viện vẫn tiếp tục tuyển dụng bác sĩ nội và ngoại đủ đam mê và năng lực để bổ sung nhân sự trong hiện tại và cho việc kế thừa sau này.
Ngoài ra, một vấn đề mà các bậc cha mẹ có con cần ghép gan cũng đang phải đối mặt đó là chi phí ghép gan. Những bệnh nhi cần được ghép gan hiện nay tại bệnh viện là những bệnh nhi tồn đọng trong nhiều năm. Những bệnh nhi này cứ có biến chứng là phải vào bệnh viện, mỗi lần nhập viện điều trị đều đóng viện phí hàng chục triệu đồng nên nhiều gia đình rơi vào tình trạng khánh kiệt.
Trước đây, nhiều người nhà bệnh nhi từng nghĩ phải có vài trăm triệu đồng đến 1 tỉ đồng mới ghép được gan nhưng nếu bệnh nhi có bảo hiểm y tế (BHYT), gia đình bệnh nhi chỉ phải chi trả cho một ca ghép gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2 từ 400 - 500 triệu đồng. Trong số những bệnh nhi cần được ghép gan tại bệnh viện, chỉ có khoảng 20% gia đình bệnh nhi trang trải được chi phí ghép gan, còn khoảng 80% gia đình còn lại rất lo lắng về chi phí.
TS Thanh Trí cho hay những bệnh nhi được phẫu thuật ghép gan có hoàn cảnh khó khăn vừa qua tại Bệnh viện Nhi đồng 2 đều đã được bệnh viện hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ viện phí từ quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo nói chung và bệnh nhân ghép tạng tại bệnh viện nói riêng. Tuy nhiên, với khả năng ghép gan hiện tại và tăng dần thì nguồn hỗ trợ cần được tăng cường bởi cộng đồng và các nhà hảo tâm.
"BHYT cũng cần xem xét việc ghép tạng là nhiệm vụ chuyên biệt của ngành y tế và tách những bệnh nhân này ra khỏi trần BHYT giao cho bệnh viện. Chi phí mỗi ca ghép gan lớn, chi phí theo dõi bệnh nhi ghép gan cũng không nhỏ, chưa kể số trường hợp được ghép gan tại bệnh viện ngày càng cao. Khi bệnh viện đẩy tiến độ ghép gan lên, tổng số tiền BHYT chi trả cho bệnh nhi ghép gan sẽ chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong trần BHYT giao cho Bệnh viện Nhi đồng 2" - TS Thanh Trí đề xuất.
Sẽ lấy tạng từ người cho đã bị chết não để ghép cho trẻ
Theo TS Thanh Trí, Bệnh viện Nhi đồng 2 sẽ phối hợp với Bệnh viện Đại học Y dược lấy gan từ người cho đã bị chết não để ghép gan cho bệnh nhân.
Trước đây, một lá gan từ người cho bị chết não được lấy để ghép cho một bệnh nhân. Nhưng với kỹ thuật như hiện nay và nhiều nước trên thế giới vẫn đang làm, là lấy lá gan từ người cho đã bị chết não chia đôi để ghép gan được cho hai bệnh nhân (một người lớn và một trẻ em). Điều này rất có ý nghĩa khi nhiều bậc cha mẹ cho con gan lại là lao động chính trong gia đình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận