Mục tiêu của chương trình trong giai đoạn 5 năm tới sẽ thực hiện bảo vệ trên 113,000 ha rừng; thành lập 1 chuỗi ngành hàng Arabica; 1 chuỗi ngành hàng rau và quả, cải thiện thu nhập 70% nông dân của huyện đồng thời lập "Quỹ bảo vệ rừng và cải thiện sinh kế huyện Lạc Dương".
Trong bản cam kết hợp tác thực hiện chương trình "Cảnh quan bền vững huyện Lạc Dương", các bên đã thống nhất nguồn vốn sẽ chủ yếu tập trung cho người dân vay để phát triển kinh tế. Đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập thấp, ở các vùng tiếp giáp đất rừng. 10 – 20% quỹ vốn còn lại sẽ dùng để hỗ trợ mua sắm thiết bị phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng.
UBND huyện Lạc Dương làm việc với các đơn vị liên quan về đẩy nhanh chương trình Cảnh quan bền vững huyện Lạc Dương giai đoạn 2022 – 2025
Ông Sử Thanh Hoài, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện tại huyện đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh; thu ngân sách năm 2021 trên 200 tỷ đồng; hộ nghèo trên toàn huyện chỉ còn khoảng 0,7% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020); nhiều hộ dân có nhu cầu chuyển đổi mô hình nông nghiệp công nghệ cao… Đây là những tín hiệu đáng mừng để thực hiện đề án phát triển bền vững trong thời gian tới.
"Các tổ chức tham gia chương trình trong giai đoạn 5 năm tới sẽ hỗ trợ tổng số tiền khoảng 70 tỷ đồng. Đây là nguồn lực cực kỳ quan trọng cho việc bảo vệ rừng, bảo tồn rừng, phát triển rừng, cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống – thu nhập của người nông dân Lạc Dương, giúp cải thiện kinh tế - xã hội của huyện Lạc Dương", ông Hoài nói.
Ông Sử Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương
Tại buổi làm việc, công ty Hoàng Thắng Đạ Sar; Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thiên Quang phối hợp với phòng ban đã đề xuất UBND huyện Lạc Dương bố trí cho mượn quỹ đất để thực hiện việc đầu tư, vận hành máy bắn màu. Hoạt động này nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê phục vụ việc xuất khẩu nhằm nâng cao thu nhập cho các hộ dân trên địa bàn huyện.
UBND huyện Lạc Dương sẽ tạo điều kiện, xây dựng tiến trình nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư cho Quỹ SFPLF. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn liên kết hoạt động bảo tồn nguồn lợi rừng, phát triển "Cảnh quan bền vững không mất rừng huyện Lạc Dương".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận