Trước thực tế đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường trung cấp chuyên nghiệp, các trường đại học, cao đẳng có đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp triển khai hình thức dạy học ngoại ngữ tăng cường để hỗ trợ chương trình đào tạo chính khóa nhằm đảm bảo năng lực ngoại ngữ của học sinh trung cấp chuyên nghiệp khi tốt nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1400/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” (gọi tắt là Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020 - ĐANNQG 2020).
Đề án quy định học sinh tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp phải đạt trình độ ngoại ngữ Bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam (theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24-01-2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường triển khai dạy học ngoại ngữ tăng cường, chuẩn đầu ra ngoại ngữ được nâng cao dần đối với từng khóa tuyển sinh, từng chương trình đào tạo nhưng phải hướng tới sớm đạt mục tiêu của ĐANNQG 2020; lộ trình đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế và sự cố gắng của các trường.
Nhà trường cần công bố công khai chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, lộ trình đạt chuẩn cũng như các loại chứng chỉ ngoại ngữ được chấp nhận cho miễn học, thi ngoại ngữ trên trang thông tin điện tử chính thức của trường trước mỗi khóa, kỳ học để học sinh có kế hoạch học tập và đạt chuẩn theo quy định.
Trong khi học sinh trung học phổ thông chưa được học ngoại ngữ theo chương trình mới (chương trình học 10 năm ban hành theo quy định của ĐANNQG 2020), khuyến khích học sinh tham gia học ngoại ngữ tăng cường nhưng không bắt buộc.
Các trường cần tổ chức thi, kiểm tra khảo sát năng lực ngoại ngữ đầu vào của học sinh trung cấp chuyên nghiệp để làm căn cứ xếp lớp học ngoại ngữ tăng cường theo năng lực ngoại ngữ thực tế của học sinh.
Nội dung học tập, giáo trình, tài liệu và hình thức triển khai dạy học ngoại ngữ tăng cường cần đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, với năng lực của học sinh để tạo môi trường, điều kiện học tập và phát huy tốt nhất khả năng học tập và sử dụng ngoại ngữ vào việc làm của học sinh khi ra trường.
Hình thức tổ chức giảng dạy ngoại ngữ tăng cường có thể là dạy học trên lớp, dạy học trực tuyến, các hình thức ngoại khóa, câu lạc bộ tiếng nước ngoài…; coi trọng việc hướng dẫn và tạo môi trường cho học sinh tự học; phối hợp đồng bộ với các chương trình học ngoại ngữ chính khóa.
Đối với hình thức dạy học trực tuyến được thực hiện thông qua tài khoản trực tuyến và phải gửi trực tiếp đến cho học sinh. Yêu cầu học sinh tự sắp xếp thời gian để tham gia đầy đủ và có trách nhiệm với các hoạt động của khóa học trực tuyến.
Giáo viên, giảng viên cần sắp xếp các buổi gặp mặt trực tiếp để giải đáp các thắc mắc của học sinh và hướng dẫn thêm nếu cần thiết. Trong trường hợp sử dụng tài khoản trực tuyến, phải bố trí cụ thể thời gian học trực tuyến và thời gian học trực tiếp. Số lượng học sinh trong một lớp học ngoại ngữ tăng cường không quá 30 học sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận