03/09/2021 05:45 GMT+7

Dạy nghề 3 tại chỗ, có khả thi?

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Trong văn bản vừa gửi đến các trường nghề về tuyển sinh, đào tạo trong tình hình dịch COVID-19, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đề nghị các trường xem xét phương án học tập trung '3 tại chỗ' cho sinh viên sắp tốt nghiệp.

Dạy nghề 3 tại chỗ, có khả thi? - Ảnh 1.

Một tiết thực hành trên hệ thống cơ điện tử của học sinh Trường trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương - Ảnh: NHƯ HÙNG

Theo tổng cục, mô hình này nhằm đảm bảo tiến độ, kế hoạch đào tạo nhưng vẫn giữ an toàn phòng chống dịch bệnh.

Học viên ở nhà, "tập trung" giảng viên

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, đại diện một trường dạy ẩm thực lớn tại TP.HCM cho biết trường đã tính đến phương án dạy "3 tại chỗ" từ một tháng nay. 

Là trường tư, chủ yếu đào tạo các khóa trung và ngắn hạn, doanh nghiệp này đã chịu thiệt hại rất lớn khi số lượng học viên và doanh thu giảm sút vì đóng cửa quá lâu. 

Cũng do tập trung vào các khóa từ 3 - 6 tháng, các tiết thực hành chiếm phần lớn, nên trường không thể nào mở lớp từ xa mà chỉ dạy mỗi lý thuyết.

Sau nhiều cuộc họp tìm hướng xoay xở, trường cân nhắc phương án dạy học "3 tại chỗ". Theo đó, giáo viên sẽ ăn ở tập trung tại cơ sở, nơi có đầy đủ trang thiết bị, đồ dùng dạy thực hành. 

Học viên ở nhà, học qua phần mềm trực tuyến, nhưng sẽ được chuyển các bộ kit bao gồm dụng cụ và nguyên liệu tương ứng từng bài. Nhờ vậy, cả người dạy lẫn người học đều vượt qua được trở ngại lớn là thiếu đồ dùng khi dạy nấu ăn hay pha chế từ xa.

Đơn vị này cho biết nhiều giảng viên sẵn sàng "3 tại chỗ" cùng trường theo phương án trên, chịu ăn ngủ tại cơ sở để dạy học trong giai đoạn khó khăn. 

Dù vậy, khi tiếp cận với một số đơn vị chức năng để hỏi về thủ tục, doanh nghiệp được cho biết rất khó thực hiện và đến nay cũng chưa có hướng dẫn cụ thể. 

Ngay cả việc xin giấy đi đường cho các thầy cô đến nơi dạy cũng không dễ dàng. Cuối cùng, kế hoạch "3 tại chỗ" của trường đã gần như không thể thực hiện được.

Tùy diễn biến dịch ở mỗi nơi

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, các trường cần chủ động điều chỉnh kế hoạch đào tạo cho phù hợp với tình hình dịch bệnh và quy định giãn cách xã hội của các địa phương, đảm bảo khai thác tối đa thời gian học sinh, sinh viên được tập trung học trực tiếp tại trường. 

Ở một số nơi dịch bệnh không căng thẳng, không thực hiện giãn cách xã hội, "3 tại chỗ" có thể là giải pháp đáng cân nhắc.

Chẳng hạn ở Lâm Đồng, số ca nhiễm mới hằng ngày ít hơn rất nhiều so với các tỉnh phía Nam và hiện tỉnh chỉ giãn cách xã hội ở một số khu vực nhỏ. 

Trước diễn biến đó, một số trường nghề tại đây đang rất muốn cho sinh viên, đặc biệt cho những bạn năm cuối, trở lại trường hoàn tất những nội dung thực hành. 

Tại Trường CĐ Nghề Đà Lạt, ThS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường đang chủ yếu dạy online nhưng cũng tính đến việc cho sinh viên trở lại trường theo phương án "3 tại chỗ".

Dù vậy, ký túc xá của trường đang được sử dụng làm khu cách ly, nên trước mắt trường sẽ xin lại ít nhất một phần để làm nơi ở cho sinh viên nếu muốn "3 tại chỗ". 

Khi được cho phép, trường sẽ triển khai kế hoạch chi tiết hơn. ThS Hạnh chia sẻ nhiều sinh viên tâm sự rất muốn được đi học để ra trường thay vì kéo dài như hiện nay.

Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Huấn, hiệu trưởng Trường CĐ Bến Tre, cho biết lúc này các khóa cuối cấp của trường đã hoàn tất chương trình, chỉ còn một số lớp sinh viên năm nhất, năm hai chưa thi kết thúc môn, nên việc tổ chức "3 tại chỗ" với trường không thực sự cần thiết. 

Theo TS Huấn, ngay từ những ngày đầu khi Bến Tre thực hiện giãn cách theo chỉ thị 15, trường đã rốt ráo dạy và thi, ưu tiên cho những khóa sắp ra trường. Do đó trước khi tỉnh thực hiện chỉ thị 16, trường đã xong chương trình.

Dự kiến lịch vào học năm học 2021 - 2022 của Trường CĐ Bến Tre sẽ vào giữa tháng 9 tới đây, bắt đầu bằng một số học phần online. 

Trong trường hợp nếu phải thực hiện dạy học "3 tại chỗ", TS Huấn kiến nghị các giảng viên và ngay cả sinh viên của trường nên được hỗ trợ tiêm vắc xin. Điều này sẽ giúp cả người học lẫn người dạy yên tâm hơn khi tiếp xúc trực tiếp với nhau.

Không thể?

Ông Đặng Minh Sự, trưởng phòng giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM), chia sẻ trước diễn biến dịch COVID-19 tại TP.HCM nói riêng và các tỉnh phía Nam nói chung, dạy học "3 tại chỗ" là không khả thi.

Trường hợp tất cả học sinh ở lại tại một cơ sở lại càng không thể vì các em sẽ ăn ở ra sao, sinh hoạt, học tập thế nào. Đặc biệt khi đối tượng học trường nghề có những học sinh, sinh viên tuổi đời còn khá nhỏ, nên việc quản lý các bạn là cả một thử thách lớn.

Ông Sự cho rằng đã từng có một số trường hợp thực hiện "3 tại chỗ" nhưng chỉ một ca không may nhiễm bệnh từ bên ngoài đã làm lây bệnh nhanh chóng cho những người bên trong.

Vì vậy theo ông, ở các địa phương dịch bệnh phức tạp như TP.HCM, nhà trường rất khó thuyết phục được phụ huynh về độ an toàn khi cho con đến học "3 tại chỗ" so với học ở nhà.

Cùng một trường, "đóng mở" tùy nơi

ThS Phạm Hồng Chương, phó hiệu trưởng Trường CĐ Quảng Nam, cho biết do trường có nhiều cơ sở ở các huyện, thành phố nên những khu vực nào đang giãn cách theo chỉ thị 16 sẽ học online, còn lại sẽ được chia theo những nhóm nhỏ dạy trực tiếp.

Sinh viên sẽ phải chấp hành nghiêm quy định của từng địa phương, không thể đến các cơ sở khác nếu khu vực của mình đang áp dụng chỉ thị 16.

Thay vào đó, trường có thể sẽ hỗ trợ những phần kiến thức thực hành cho sinh viên thông qua một số chương trình, phần mềm hiện có.

Bố mẹ hết tiền, học sinh phải nghỉ học, trường nghề xin gói vay Bố mẹ hết tiền, học sinh phải nghỉ học, trường nghề xin gói vay

TTO - Đó là những thực trạng, đề xuất được trường nghề đưa ra trong cuộc họp trực tuyến do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức ngày 20-8.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp