Sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng trở lại trường sáng 1-11 - Ảnh: MINH GIẢNG
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Dũng nói: Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cùng với sự cộng hưởng của đại dịch đang và sẽ tạo ra những thay đổi mạnh mẽ thị trường việc làm và người lao động.
* Ông có thể nói rõ hơn?
- Trong 5 năm tới, thời gian dành cho các công việc hiện tại của con người và máy móc sẽ bằng nhau. 84% người sử dụng lao động sẽ chuyển sang số hóa các quy trình làm việc.
Trong 10-15 năm tới, khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ biến đổi do tác động của CNTT, robot, tự động hóa và AI... Khoảng cách ngày càng tăng giữa các kỹ năng của lao động hiện tại và kỹ năng các doanh nghiệp cần có thể khiến 6% GDP của thế giới, tương đương 5.000 tỉ USD, bị mất mỗi năm.
Việt Nam là nước đang phát triển, rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh tế hiện chủ yếu là thâm dụng lao động giá rẻ, lao động khu vực phi chính thức rất cao nên sẽ chịu tác động nặng nề hơn trong xu thế biến mất của nhiều ngành nghề.
Thị trường lao động và việc làm ngày càng phân hóa theo hai nhóm kỹ năng thấp/lương thấp và kỹ năng cao/lương cao. Điều này không chỉ đe dọa tới việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu họ không trang bị các kiến thức, kỹ năng mới.
* Các chính sách và chương trình của Việt Nam hiện nay để lực lượng lao động thích ứng bối cảnh mới là gì, thưa ông?
- Từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Về vấn đề lao động, mới đây Thủ tướng đã ban hành chỉ thị về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
Đồng thời, Thủ tướng đã ban hành quyết định về chương trình Hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 và chương trình Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Các chính sách nêu trên đã nâng cao nhận thức của toàn xã hội, nhất là cơ quan quản lý nhà nước để có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng phát triển kỹ năng cho người lao động. Ngoài ra, các bước đi này cũng sẽ tập trung, huy động hiệu quả các nguồn lực, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các bên nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong đào tạo.
Hoạt động đào tạo cũng được định hướng đáp ứng nhu cầu lao động. Trước mắt, chúng ta đang cập nhật những "kỹ năng 4.0" trong 50-60 nhóm ngành, nghề được tổ chức thi kỹ năng ở khu vực ASEAN và thế giới.
Chúng ta cũng tiếp nhận chuyển giao 34 chương trình từ nước ngoài đào tạo chất lượng cao như cơ điện tử, điện tử công nghiệp, quản trị mạng máy tính, công nghệ sinh học... Trong thời gian tới, hơn 20 ngành, nghề và kỹ năng nghề mới sẽ được triển khai đào tạo, đào tạo lại gắn với chuyển đổi việc làm cho ít nhất 300.000 lao động.
* Để chủ động trong xu hướng lao động hiện nay, giáo dục nghề nghiệp cần có những chiến lược nắm bắt thời cơ như thế nào, thưa ông?
- Việc cần làm là chú trọng và nâng cao chất lượng hoạt động dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo trong lĩnh vực ngành, nghề chịu tác động của cách mạng công nghiệp. Cho đến nay vẫn còn thiếu các quan sát, đánh giá cụ thể theo từng ngành nghề và sự khác biệt cần thiết trong bối cảnh mới.
Kế đó, cần đẩy mạnh thu hút và tập trung nguồn lực để thúc đẩy đào tạo - đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động đáp ứng với thời kỳ số hóa. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp cũng như nghiên cứu, khai thác kinh nghiệm quốc tế.
Đặc biệt, trong đào tạo nhân lực cần nhấn mạnh kỹ năng cốt lõi, kỹ năng mềm, kỹ năng số, kỹ năng ngoại ngữ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thể hiện từ khâu đào tạo bồi dưỡng nhà giáo, phát triển chương trình và tổ chức đào tạo, kiểm tra đánh giá.
Các chương trình giảng dạy mới sẽ bao gồm các kỹ năng thiết yếu cho lực lượng lao động trong tương lai mà máy móc công nghệ không thể thay thế như giao tiếp, giải quyết vấn đề, sáng tạo, cộng tác và tư duy phản biện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận