Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Ảnh: VIỆT HẢI
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: "Xin lỗi đã muộn"
Việc sử dụng xe công đón người nhà không phải là điều quá lớn, vì có những trường hợp do kết hợp đưa đón lãnh đạo, trên đường về tiện đón con, hay đón vợ, hay đưa người thân ốm đau đi bệnh viện…
Nhưng vấn đề ở đây là sự lạm dụng, bất kỳ một cái gì lạm dụng đều không tốt, đặc biệt ở đây là lạm dụng tiêu chuẩn cao cấp, thứ rất kiêng kỵ. Bởi người nhà bộ trưởng không thuộc diện đó, mà lại đưa xe công vào đón tại chân cầu thang máy bay, bắt cả trăm hành khách phải ngồi chờ rất không hay. Đặc biệt, đối với đảng viên, cán bộ, công chức còn phải thực hiện quy định nêu gương của Đảng.
Trong khi có những đồng chí ủy viên trung ương đi cùng họ cũng không yêu cầu đón tại cầu thang máy bay.
Chuyện lạm dụng xe công trong trường hợp này còn liên quan đến cả vấn đề Văn phòng bộ đánh công văn một đằng nhưng sự việc một nẻo, rất không hay, tạo phản ứng tiêu cực của xã hội.
Sự việc diễn ra ngày 4-1, đến ngày 8-1, Bộ trưởng Bộ Công thương mới có văn bản xin lỗi công khai là chậm, đáng nhẽ với tinh thần cầu thị thì phải xin lỗi ngay. Dư luận rất bức xúc mấy ngày qua, nhưng đến giờ bộ trưởng mới xin lỗi thì dư luận đã trôi đi rất xa rồi.
Tôi có trao đổi với một số đồng chí là ủy viên trung ương, kiêm ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đồng chí đó cho biết bản thân họ nhiều khi không sử dụng cả cửa VIP A, chả bao giờ yêu cầu đưa đón tại chân cầu thang máy bay.
Luật sư Trương Thanh Đức - Ảnh: QUANG THẾ
Luật sư Trương Thanh Đức (trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam): Đẩy mạnh khoán xe công để hạn chế lạm dụng
Việc sử dụng xe công đưa đón người thân đã tồn tại, diễn ra từ lâu rồi, không phải chỉ ở một cấp, một ngành, mà trên phạm vi toàn quốc, đâu đó cũng có.
Việc làm này vi phạm các quy định của Luật cán bộ công chức, Luật viên chức, Luật phòng chống tham nhũng, lãng phí, Luật quản lý tài sản công chứ nó không dừng ở chuyện đạo đức công vụ. Kể cả việc đưa đón bộ trưởng cũng chỉ giới hạn trong phạm vi đưa đi làm chứ không phải đưa đi chơi, chứ không nói đến việc đón người nhà.
Qua sự việc bộ trưởng Bộ Công thương dùng xe công đón người nhà, cần lấy làm ví dụ để chấn chỉnh cái chung. Cách đây mấy năm Chính phủ đã chấn chỉnh việc dùng xe công đi lễ chùa đầu năm rồi.
Cần đẩy mạnh việc giám sát để hạn chế sai trái của cán bộ, công chức, cần khuyến khích các kênh giám sát xã hội nhằm công khai, giám sát để các lãnh đạo phải chấn chỉnh hành vi của mình.
Qua sự việc này cũng cần phải làm mạnh việc khoán xe công cho lãnh đạo, cán bộ, công chức để hạn chế tình trạng lạm dụng xe công vào việc khác.
Tất nhiên, cần có lộ trình để khoán từ cấp thứ trưởng trở xuống, từ cấp bộ trưởng trở lên cân nhắc không áp dụng chế độ khoán. Việc khoán xe công không chỉ giảm sự lạm dụng, mà giảm đi rất nhiều chi phí vận hành xe công hiện nay.
Khi áp dụng chế độ xe công dễ dẫn tới hai yếu tố không có ý thức tiết kiệm, và giới hạn chỉ tiêu không rõ thì cán bộ, công chức muốn làm thế nào thì làm, đi thế nào thì đi, sẽ rất khó kiểm soát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận