Thực hiện đề án trên của Bộ Y tế, Sở Y tế đã quyết định 36 đơn vị công lập tham gia triển khai thực hiện mô hình và vận động triển khai thực hiện thành lập phòng khám bác sĩ gia đình ngoài công lập.
Cụ thể, xây dựng 2 mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại bệnh viện Xanh pôn và bệnh viện Đông Anh; 16 phòng khám tại trạm y tế; 19 mô hình phòng khám bác sĩ gia đình lồng ghép với phòng khám đa khoa khu vực như Ngãi Cầu-Hoài Đức, Linh Đàm-Hoàng Mai, Hòa Thạch-Quốc Oai, Hàng Bún-Ba Đình… và xây dựng 2 phòng khám bác sĩ gia đình ngoài công lập.
Với các phòng khám trên, trong năm 2014, có hơn 2,2 nghìn lượt bệnh nhân tới cấp cứu, hơn 116,6 nghìn lượt khám bệnh, hơn 5,6 nghìn ca thủ thuật, 355 ca khám bệnh tại nhà…
Ngoài ra, việc thực hiện công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu và phục hồi chức năng tại các phòng khám bác sĩ gia đình cũng được chú trọng như: tư vấn sức khỏe cho người bệnh; lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho các thành viên trong gia đình; phối hợp tiêm chủng mở rộng tại các trạm y tế có triển khai phòng khám bác sĩ gia đình; phối hợp với cán bộ chuyên trách phục hồi chức năng cho người tàn tật có nhu cầu…
Tuy nhiên, hoạt động của phòng khám bác sĩ gia đình vẫn gặp nhiều khó khăn do người dân chưa hiểu về mô hình này, cho rằng bác sĩ gia đình chỉ đơn giản là đến nhà thăm, khám bệnh nhân.
Bên cạnh đó, danh mục kỹ thuật được phép thực hiện tại trạm y tế đã được mở rộng nhưng do cơ sở vật chất và điều kiện về nhân lực nên việc thực hiện còn hạn chế; thuốc phục vụ điều trị bệnh nhân tại trạm y tế cũng hạn hẹp về số lượng, chủng loại…
Vì vậy, để mô hình đạt hiệu quả cao hơn, trong thời gian tới cần mở lớp đào tạo cho các y, bác sĩ của phòng khám bác sĩ gia đình; hỗ trợ các phòng khám bác sĩ gia đình một số trang thiết bị y tế; hỗ trợ phần mềm bệnh án điện tử quản lý bệnh nhân của phòng khám bác sĩ gia đình, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, trao đổi thông tin giữa tuyến trên và tuyến dưới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận