Sinh viên năm 4 khoa điện tử viễn thông Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) thực hành thí nghiệm siêu cao tần - Ảnh: N.HÙNG
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Quang Hưng cho rằng Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục trong nước và thu hút các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài hợp tác, đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục...
* Trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ mỗi năm học sinh, sinh viên Việt Nam ra nước ngoài học tập, nghiên cứu nhiều, mỗi năm mất khoảng 3 - 4 tỉ USD dưới dạng các chi phí khác nhau. Ông đánh giá thế nào về lựa chọn này của người học Việt Nam?
- Trên thế giới hiện nay có trên 4 triệu sinh viên quốc tế đang ở nước ngoài, trong đó tập trung ở các nước như Hoa Kỳ (trên 1 triệu), Úc (trên 600.000), Vương quốc Anh (450.000). Ngoài ra, các nước như Canada, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc... cũng là những quốc gia thu hút ngày càng nhiều sinh viên quốc tế tới du học.
Việc du học ở nước ngoài không những giúp cho các du học sinh có được kiến thức tốt mà còn giúp họ có tính tự lập, làm quen với môi trường học tập, làm việc của nước ngoài, nâng cao trình độ ngoại ngữ...
Có thể nói, Việt Nam đang trong xu hướng chung của thế giới để thúc đẩy hội nhập quốc tế và cũng là của các nước đang phát triển muốn gửi con em mình đến các nước phát triển để được học tập trong nền giáo dục tiên tiến và giúp trang bị những kiến thức, kỹ năng, hành trang tốt cho tương lai.
Ông Phạm Quang Hưng - cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Bộ GD-ĐT
* Nhìn vào con số du học sinh ấy, giáo dục Việt Nam cần làm gì để người học không chỉ ra nước ngoài mới có giáo dục tốt mà ngay trong nước cũng có thể hưởng nền giáo dục tốt?
- Theo tôi, để làm được việc này, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục trong nước và thu hút các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài hợp tác, đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục.
Việc này không những tạo điều kiện cho con em chúng ta được thụ hưởng một nền giáo dục chất lượng cao mà còn có thể thu hút học sinh, sinh viên nước ngoài đến Việt Nam học tập.
Thực hiện nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, trong thời gian qua, Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục như: đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đẩy mạnh tự chủ đại học, tăng cường kiểm định chất lượng, cử giảng viên đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài... Trong đó, có một số việc đã cho kết quả bước đầu rất khả quan.
20.000 du học sinh nước ngoài học tại Việt Nam Hiện nay, có gần 20.000 du học sinh nước ngoài vào Việt Nam học tập theo diện tự túc kinh phí và học bổng hiệp định chính phủ với khoảng 20 nước bao gồm Campuchia, Lào, Mông Cổ, Trung Quốc, Liên bang Nga, Ukraine, Cuba... Trong đó, số lượng du học sinh diện tự túc tăng khoảng 15% mỗi năm trong những năm gần đây. Bên cạnh phần lớn du học sinh từ một số nước như Lào, Campuchia, Trung Quốc, còn có nhiều du học sinh đến từ Hàn Quốc và một số nước như Nhật Bản, Anh, Pháp, Mỹ, Úc...
Ông Phạm Quang Hưng
Tới đây, sau khi sửa đổi xong 2 luật: Luật giáo dục và Luật giáo dục đại học, với những giải pháp đồng bộ, tôi tin rằng chất lượng giáo dục của chúng ta sẽ sớm có những bước tiến đáng kể về chất lượng cả ở bậc phổ thông và đại học.
Năm 2018, Bộ GD-ĐT cũng đã trình Chính phủ ban hành nghị định 86 thay thế nghị định 73 (năm 2012) quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Nghị định 86 đã mở rộng hơn về các hình thức hợp tác, đầu tư, cắt giảm điều kiện kinh doanh và đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính.
Hi vọng sẽ có nhiều đối tác, nhà đầu tư nước ngoài hợp tác, xây dựng trường, đưa các mô hình, chương trình giáo dục tiên tiến vào Việt Nam tạo điều kiện cho công dân Việt Nam có thể du học tại chỗ và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của cả hệ thống.
Vì sao cho con du học?
Phụ huynh và học sinh tìm hiểu thông tin về các chương trình du học - Ảnh: NHƯ HÙNG
Có con gái và con rể du học, làm việc tại Canada, bà Phan Thị Hoa (hưu trí, quận 4, TP.HCM) cho biết: "Bằng cấp nước ngoài dù sao vẫn giá trị hơn, đem tấm bằng đi làm ở các nước hay trở về Việt Nam đều tốt. Gia đình công chức, không giàu có nhưng thay vì cho con số tiền làm vốn, tôi đầu tư cho con học hành, có cái chữ. Du học không phải là đầu tư mạo hiểm, theo tôi chỉ có được chứ không mất, nhưng với điều kiện con cái phải chịu học, phải quyết tâm. Tôi phải biết năng lực học của con từ khá trở lên mới dám bỏ tiền đầu tư".
Con trai út của bà Hoa vừa học xong năm 1 ngành kiểm toán ĐH Kinh tế TP.HCM và tháng 11 cũng sẽ đi Canada du học.
Cho con học trường quốc tế suốt 12 năm phổ thông, chị Nguyễn Vân (quận 1, TP.HCM) chia sẻ: "Con tôi cần du học để bổ sung những điều thế hệ tôi thiếu thốn. Vào đời cuối giai đoạn bao cấp, tôi quá thấu hiểu sự thiệt thòi của học sinh Việt Nam khi hội nhập. Vì vậy, trong khả năng kinh tế, tôi cố gắng cho con học trường tư, trường quốc tế với triết lý giáo dục phù hợp. Con tôi học song song chương trình Mỹ, Úc và Việt Nam nên có nhiều hơn một lựa chọn và du học đại học là điều cháu muốn".
Chị Vân nói tiếp: "Bây giờ thế giới phẳng rồi, học sinh Việt Nam có thể tiếp cận kiến thức tại các trường đại học hàng đầu ở Mỹ, châu Âu qua Internet nhưng môi trường vẫn là yếu tố quyết định. Con đi để rèn luyện phẩm chất trở thành công dân toàn cầu, quăng đến đâu cũng sống tốt và hòa nhập".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận