Học sinh Trần Nguyễn Thụy Khanh - Trường THCS Lạc Hồng, Q.10, TP.HCM - phát biểu tại buổi đối thoại - Ảnh: Như Hùng |
166 học sinh, sinh viên này đại diện cho khối THCS, THPT, giáo dục thường xuyên và khối CĐ, trung cấp chuyên nghiệp. Mặc dù đây là năm đầu tiên có sự tham dự của học sinh khối THCS nhưng các em đã rất chủ động thể hiện những bức xúc của mình.
Từ năm 2009 đến nay, mỗi năm Sở GD-ĐT TP.HCM đều tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo sở với học sinh thành phố. Và năm nào cũng vậy: đều có khá nhiều học sinh than phiền về chương trình học quá áp lực, ít tiết thực hành. Sau bảy năm tổ chức đối thoại vẫn chưa hết những than phiền ấy.
Thậm chí một học sinh ở một trường thuộc quận Thủ Đức còn kể về cách dạy lạ lùng của cô giáo dạy tiếng Anh: “Cứ đến giờ học tiếng Anh là cô giáo kêu tụi em mở sách học tốt tiếng Anh ra chép từ đầu bài đến cuối bài. Mỗi tiết như vậy tụi em phải chép 2-3 trang. Em rất thắc mắc thời gian đó sao không thay bằng hình thức dạy nghe và nói. Lạ một điều nữa là ngay khi chúng em làm bài tập trong sách bài tập thì cô cũng bắt chép những bài tập trong sách vào vở...”.
Trong khi đó Phạm Thị Thanh Phụng, lớp 9/3 Trường THCS Chu Văn An, quận 11, lại nêu thực trạng: “Trước đây khi học lịch sử chúng em có một cuốn tập bài ghi: ở nhà học sinh soạn bài trước rồi ghi vào đó. Đến lớp tụi em chỉ việc nghe cô giảng rồi sửa ý vào cuốn tập này. Khi học bài tụi em cũng học theo cuốn tập bài ghi. Thế nhưng, hồi học kỳ 1 có thầy trên phòng GD-ĐT xuống dự giờ và yêu cầu nhà trường không được cho tụi em sử dụng cuốn tập bài ghi nữa. Tụi em phải vừa nghe giảng vừa viết bài, mỗi tiết phải viết 4-6 trang tập, rất mệt. Em xin ban lãnh đạo sở hãy cho chúng em sử dụng lại cuốn tập này để chúng em không phải mất quá nhiều thời gian chép bài trên lớp. Mỗi tiết học chỉ có 45 phút, hãy dành thời gian cho chúng em được nghe giảng và tiếp thu nhiều kiến thức khác ngoài sách giáo khoa”.
Chúng em cần được hướng nghiệp
Tại buổi đối thoại, nhiều học sinh đã yêu cầu thành lập phòng tư vấn tâm lý trong trường học vì tâm sinh lý học sinh phổ thông hiện rất phức tạp.
Võ Ngọc Nguyên Thảo, học sinh Trường THPT Đào Sơn Tây, Thủ Đức, còn đề nghị: “Nên thành lập trang web để tư vấn trực tuyến vì hiện nay mạng xã hội đã rất phổ biến, hầu như học sinh nào cũng sử dụng. Ngoài ra, tụi em còn rất muốn được tư vấn để chọn ngành, nghề. Có bạn năm nay đã học lớp 12 nhưng vẫn chưa định hướng được mình sẽ chọn thi vào trường nào, nghề gì. Việc lựa chọn ngành, nghề hiện rất khó khăn”.
Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Ngọc Thanh, phó giám đốc Sở GD-ĐT, nói: “TP.HCM là địa phương đi đầu cả nước trong việc thực hiện biên chế giáo viên tư vấn tâm lý trong trường học. Việc hướng nghiệp cũng được sở chỉ đạo thực hiện từ lớp 6 chứ không phải đợi đến lớp 12 mới thực hiện”.
Thế nhưng, một học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn nêu thắc mắc: “Những buổi giảng dạy về hướng nghiệp có diễn ra hằng ngày thì cũng chỉ là những buổi học lý thuyết, chứ những trải nghiệm thì không có hoặc rất ít. Năm ngoái, trường em đã cho tụi em thử làm việc tại các quầy thu tiền ở siêu thị. Khi làm việc em mới thấy mình cần nâng cao khả năng giao tiếp, sử dụng máy tính... Em mong sở hãy tạo điều kiện cho chúng em có nhiều buổi đi thực tế như thế để tụi em được va chạm và chọn được ngành, nghề mình thích”.
Lý Hoàng Hồng Châu, Trường THPT Gò Vấp, cũng đồng tình: “Chúng em muốn những buổi giáo dục hướng nghiệp phải là những buổi truyền tình yêu, truyền cảm hứng về nghề nghiệp chứ không phải dạy lý thuyết và tiếp thị cho các trường đại học”.
Mong sách giáo khoa dạy thêm kỹ năng “Chương trình học vẫn còn quá nặng nề, thiên về lý thuyết, chưa gắn liền với thực tế cuộc sống. Chúng em muốn chương trình vừa trang bị kiến thức cần thiết vừa dạy kỹ năng như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết tình huống bất ngờ... Bên cạnh đó, sách giáo khoa hiện hành luôn đề cao những thành tựu to lớn mà nước ta đã đạt được, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, những mặt còn hạn chế trong chính sách phát triển lại chưa được phân tích, mổ xẻ kỹ càng để học sinh nhận thấy rằng nước ta vẫn còn nghèo, vẫn còn lạc hậu so với các quốc gia trong khu vực châu Á, thậm chí là trong khu vực Đông Nam Á. Em mong rằng sách giáo khoa cần phân tích sâu sắc hơn những khó khăn, hạn chế của đất nước để từ đó tạo động lực thúc đẩy, nung nấu ý chí cho học sinh cố gắng vươn lên trong học tập và nghiên cứu”. NGUYỄN NHẬT VY (học sinh Trường THPT Thủ Đức) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận