Toàn cảnh buổi hội thảo "Phương pháp giảng dạy trực tuyến hiệu quả" sáng nay 2-10 - Ảnh: TRẦN HUỲNH
COVID-19 đã làm thay đổi rất nhiều thứ, trong đó có giáo dục. Việc chuyển từ giảng dạy trực tiếp trên lớp học truyền thống sang giảng dạy trực tuyến qua mạng Internet là một trong những thay đổi đó. Thực tế thì nhiều thầy cô chưa hoàn toàn sẵn sàng cho những thay đổi lớn và gấp như thế này
PGS.TS Vũ Hải Quân - phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM
"E-Learning (giáo dục trực tuyến, dạy học online) có những giá trị riêng nhưng cũng đang có những hiểu lầm tai hại", TS Vũ Thế Dũng - nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - nhận định như vậy tại hội thảo Phương pháp giảng dạy trực tuyến hiệu quả do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức sáng nay 2-10.
5 bậc phát triển của E-Learning
Theo TS Vũ Thế Dũng, việc hiểu E-Learning và những ứng dụng trong giảng dạy ở Việt Nam còn chưa được hiểu đầy đủ và sâu sắc.
Có thể tạm phân việc ứng dụng E-Learning của các trường hiện nay thành 5 bậc. Bậc 1 gồm 100% lớp học truyền thống. Bậc 2 chỉ là nền tảng lưu trữ và chia sẻ một số tài nguyên học tập. Bậc 3, E-Learning được sử dụng rộng rãi hơn, nhiều tài nguyên hơn, nhưng lớp học trực tiếp vẫn là chủ đạo. Ở bậc 4, E-Learning kết hợp trong phương thức và triết lý giáo dục.
Đến bậc 5, trường học đã thực sự chuyển đổi số hoàn toàn mô hình hoạt động của mình từ học tập, giảng dạy, quản lý, chất lượng. Ở bậc này, E-Learning thực sự thay đổi cách tiếp cận và chất lượng giáo dục.
"Hầu hết các trường ở Việt Nam, theo quan sát chủ quan của tôi, đang ở bậc 1 - 2. Số ít ở bậc 3. Bậc 4 diễn ra ở một số môn học, ở một số trường lớn nhưng chưa mang tính hệ thống", ông Dũng nhận định.
Các bậc của E-Learning theo TS Vũ Thế Dũng |
Cũng theo TS Vũ Thế Dũng, hiện nay đang có nhiều hiểu lầm về E-Learning như chất lượng thấp, kém tương tác, chi phí công nghệ và thiết bị đắt, giảng viên sẽ bị mất bản quyền...
Ông Dũng cho biết hình thức này tương tác cao hơn vì học viên, giáo viên có thể trao đổi, chia sẻ bất kỳ lúc nào.
Các hệ thống live streaming (giảng dạy thời gian thực) hiện cho chất lượng buổi lên lớp thời gian thực rất tốt, không kém gì các lớp học truyền thống. Ưu điểm hơn là người dạy và người học không phải di chuyển, và có thể xem lại buổi học bất cứ lúc nào, chi phí ngày càng rẻ cho cả phía giảng viên và người học.
"Thực ra nội dung bài giảng hiện rất nhiều và miễn phí khắp nơi nên vấn đề bản quyền thực chất không quan trọng. Các hệ thống E-Learning đều có các lớp bảo mật nên cũng không quá đáng lo ngại. Tôi còn nghĩ rằng nếu bài giảng của tôi có người chịu lấy, chia sẻ và có người chịu xem thì còn đáng mừng", ông Dũng nói.
Hệ thống quản lý môn học trên nền tảng Internet
Theo ThS Văn Chí Nam - phó trưởng khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), 15 năm qua, khoa đã vận hành hệ thống quản lý các môn học riêng để giảng viên có thể triển khai các nội dung bài giảng, hoạt động cho sinh viên trên nền tảng Internet.
"Cùng với các phần mềm hỗ trợ khác, hệ thống này đã giúp nâng cao chất lượng học tập, tăng cường khả năng tương tác, đảm bảo chất lượng. Khoa đã triển khai thêm phương pháp giảng dạy mới phù hợp với xu thế này. Việc này đã mang lại cho khoa sự chủ động thích ứng khi đại dịch COVID-19 xảy ra", ông Nam cho hay.
Chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp, giải pháp (trên nền tảng hệ thống quản lý môn học Moodle cùng với phần mềm hội thoại có hình trực tuyến Zoom) khoa đã vận dụng để thực hiện hiệu quả việc dạy - học trực tuyến,
TS Lâm Quang Vũ - phó trưởng khoa công nghệ thông tin, cho biết đã thử nghiệm và đánh giá nhiều phần mềm để lựa chọn áp dụng chính thức, đồng thời chuẩn bị sẵn vài phần mềm khác cho các kịch bản dự phòng cần thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận