15/03/2018 09:03 GMT+7

Dạy học sinh vượt qua khủng hoảng từ mạng xã hội

DOÃN HÒA ghi
DOÃN HÒA ghi

TTO - Chuyên gia tâm lý cho rằng, gia đình, nhà trường cần giáo dục học sinh vượt qua biến cố tinh thần và những rắc rối từ mạng xã hội sau sự việc nữ sinh ở Nghệ An tự tử.

Sau sự việc nữ sinh H.T.L. (học sinh lớp 11C12, Trường THPT Nguyễn Đức Mậu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) tự tử sau khi có đoạn video clip tình cảm với bạn trai trong lớp bị tung lên mạng, Tuổi Trẻ Online ghi nhận ý của các chuyên gia tâm lý và luật sư.

Tiến sĩ Dương Thị Thanh Thanh - Trưởng bộ môn Tâm lý học, Khoa Giáo dục, Trường ĐH Vinh:

Dạy học sinh vượt qua khủng hoảng từ mạng xã hội - Ảnh 1.

Tiến sĩ Dương Thị Thanh Thanh - Trưởng bộ môn Tâm lý học, Khoa Giáo dục, Trường ĐH Vinh - Ảnh do nhân vật cung cấp

Chưa có kết luận của cơ quan chức năng, nên chúng ta chưa thể khẳng định được nguyên nhân cái chết của nữ sinh là do bị tung clip hình ảnh nhạy cảm trên mạng.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận ngoài lợi ích, Internet, mạng xã hội cũng có những mặt trái, tác động tiêu cực khôn lường.

Sự việc bạn nữ sinh bị tung clip hình ảnh nhạy cảm trên mạng với những bình luận thiếu thiện ý khó có thể cho rằng không ảnh hưởng tiêu cực tới em - lứa tuổi đang có sự biến đổi lớn về chất trong toàn bộ nhân cách, đặc biệt nhạy cảm trước những tác động của dư luận xã hội.

Các nhà nghiên cứu tâm lý cho rằng, có rất nhiều trường hợp bạn trẻ gặp sự cố trong trường học, trong các mối quan hệ nhưng người lớn không hề hay biết.

Trẻ thường không muốn nói ra cho cha mẹ hoặc thầy cô giáo biết, vì họ cảm thấy xấu hổ, thậm chí nhiều bạn còn cho rằng người lớn không thể giải quyết được những vấn đề rắc rối mà các bạn đang gặp phải.

Cha mẹ cần quan tâm, gần gũi, biết lắng nghe và nói chuyện thân tình với con, sẽ giúp trẻ cảm thấy được thông cảm, được tôn trọng, được tin tưởng.

Trẻ sẵn lòng chia sẻ, nhờ đó cha mẹ có thể kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ con, phòng tránh được những sự cố đáng tiếc mang tính nghiêm trọng có thể xảy ra.

Ngoài ra, nhà trường cần tăng cường giáo dục giúp học sinh nhận thức được tính hai mặt của các trang mạng xã hội, nhất là Facebook, giúp các em có những định hướng đúng về thế giới "ảo" và các kỹ năng ứng phó với các tình huống trên Facebook, như khi bị tung tin với mục đích xấu hay vô tình bị rơi vào cái "bẫy" của những kẻ câu like.

Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Trọng Hải - trưởng văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự (Nghệ An):

Dạy học sinh vượt qua khủng hoảng từ mạng xã hội - Ảnh 2.

Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Trọng Hải - Trưởng văn phòng Luật sư Trọng Hải và Cộng sự (Nghệ An) - Ảnh: D.HÒA

Vụ việc nữ sinh tự vẫn ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An làm xôn xao dư luận những ngày qua là một trong những vụ việc đau lòng, phản ánh sự báo động bởi những mặt trái của mạng xã hội, của truyền thông.

Sự kiện đáng buồn nói trên cho thấy đạo đức và cách hành xử rất đáng lên án của những người có liên quan, có thể nói là gián tiếp tác động dẫn đến hành vi của con người.

Nhìn ở góc độ pháp lý, hành vi đưa hình ảnh nhạy cảm của trang thông tin điện tử, mạng xã hội không chỉ đáng lên án, mà còn vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng.

Cụ thể là vi phạm quyền cá nhân về hình ảnh được pháp luật bảo vệ được quy định trong Bộ Luật Dân sự năm 2015. Theo quy định tại Điều 32, Bộ Luật Dân sự năm 2015 thì "Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý...".

Vì vậy, việc có thông tin cho rằng gia đình nữ sinh sẽ khởi kiện trang thông tin điện tử là có căn cứ.

Điều 584, điều 592, Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định: "Người có hình ảnh, người đại diện của người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại do việc sử dụng hình ảnh làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín".

Mặt khác, trên cơ sở những vi phạm, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cần khẩn trương xác minh, điều tra vi phạm Luật báo chí (nếu có) thì phải có hình thức xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, đảm bảo răn đe những vi phạm ngày càng phổ biến, gây ra hậu quả đau lòng.

Học sinh chia sẻ về cách bảo vệ bản thân và xử sự khi đọc thông tin xấu trên mạng xã hội - Video: TẤT ĐẠT

Sáng 11-3, gia đình nữ sinh H.T.L (học sinh Trường THPT Nguyễn Đức Mậu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) phát hiện thi thể L. ở ao nước trong làng sau một đêm mất tích. Trước lúc ra đi, cô học trò để lại thư tuyệt mệnh cho gia đình.

Trước khi xảy ra sự việc đau lòng, trên mạng xã hội và trang tin điện tử songlamplus.vn đăng tải đoạn video clip L. bày tỏ tình cảm với bạn trai trong lớp hôm 8-3.

Ngày 13-3, Sở Thông tin và Truyền thông gửi văn bản đến Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử; Thanh tra Bộ Thông tin và truyền thông, kiểm tra, xử lý sai phạm của trang tin điện tử songlamplus.vn (nếu có), vì "sự việc gây dư luận không tốt".

DOÃN HÒA ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp