Phóng to |
Giám thị cho thí sinh kiểm tra niêm phong túi đề thi môn toán năm 2014 tại một hội đồng thi ở TP.HCM - Ảnh: Như Hùng |
“Nguyên tắc của đề thi là không được phép có hai đáp án. Tôi nằm ngủ, nghĩ mãi xem còn cách giải nào khác nữa không. Hôm qua đến giờ xem mãi không còn cách giải nào nữa...” - vị giáo sư ĐH Quốc gia Hà Nội nhớ lại.
Cả tổ thức tới sáng
Thức dậy, năm thành viên tổ làm đề thi và ba thành viên phản biện môn vật lý đi về nơi làm việc của tổ. Trước đó, giáo viên phản biện và giáo viên ra đề không được tiếp xúc với nhau. Chỉ sau khi giáo viên phản biện đã giải thử bài độc lập và đưa ra những đề xuất của mình xong, hai bên mới gặp nhau để thảo luận và xây dựng đề thi. Phòng làm việc của tổ vật lý cũng như các tổ khác được niêm phong sau khi kết thúc ngày làm việc. Cán bộ không được mang bất kỳ giấy tờ gì từ phòng làm đề về phòng ngủ.
Cẩn thận tính toán, bàn luận xong, cả tổ thừa nhận với vị giáo sư ĐH Quốc gia Hà Nội: “Ôi, đúng là còn một cách giải nữa thật ông ạ”. Đây là bài toán vẽ hình, không cần phải giải. Chỉ cần vẽ hình xong là đã giải được bài toán ấy. Bài toán quá hay. Nhưng vấn đề đặt ra: vậy thì làm thế nào bây giờ? Đề thi sắp đưa đi in rồi, bây giờ thay câu khác vào sẽ không thể nào làm kịp. Mọi người đứng lên đi đi lại lại suy nghĩ. “Năm ấy, không còn cách nào khác là phải bổ sung vào đáp án là học sinh giải theo cách thứ hai vẫn được chấp nhận đúng và tính điểm” - vị giáo sư ĐH Quốc gia Hà Nội kể lại. Đó là một câu hỏi 0,75 điểm. Giải quyết xong tình huống ấy thì trời cũng vừa sáng.
Từ “tiền lệ” ấy, thỉnh thoảng những năm sau trong đáp án đề thi đại học vẫn thường thấy thòng thêm câu: “Nếu còn cách giải khác ra được đáp số vẫn được tính điểm”. “Ở những môn tự nhiên làm đề thi khó nhất là đề chỉ có một lời giải duy nhất. Ra đề là một chuyện. Phải làm đáp án, barem điểm cho hợp lý lại là chuyện khác. Có năm tổ ra đề “cãi” nhau hai ngày mới ra được barem” - một cán bộ ĐH Quốc gia Hà Nội ra đề thi đại học môn vật lý kể.
Thí sinh dự thi đại học đợt 1 năm 2014 - Ảnh: Thuận Thắng |
Bóng đèn dài 1,5km
Ngoài câu chuyện đáp án, người ra đề sợ nhất là “lối mòn” trong đầu mình. “Mình cứ nghĩ trong đầu mình là bình phương nhưng khi cầm bút viết ra lại thiếu dấu mũ. Đọc đi đọc lại vẫn cứ nghĩ trong đầu mình là viết đúng. Mà chỉ cần thiếu dấu là thay đổi hoàn toàn ý nghĩa. Và nhiều người nửa đêm bật dậy khi phát hiện những chi tiết như thế” - vị cán bộ kể thêm.
Cẩn thận, rà soát đến từng dấu chấm, phẩy nhưng đôi khi “lối mòn” vẫn dẫn đến những tình huống dở khóc dở cười. Chẳng hạn có lần làm đề thi vật lý với số nguồn, bóng đèn đơn vị là mét nhưng cuối cùng viết nhầm sang thành... kilômet. “Nhầm lẫn này dẫn đến sai thực tế là không thể có bộ nguồn mấy viên pin mà thắp sáng hệ thống bóng đèn dài 1,5km được. Lúc đầu, cán bộ ra đề là mét nhưng người đánh máy lại đánh nhầm sang kilômet. Vậy mà bao nhiêu người làm đề đọc đi đọc lại mãi vẫn cứ nghĩ là mét. May mà cuối cùng giáo viên phản biện thấy câu đó không sát thực tế nên phát hiện được” - cán bộ từ ĐH Quốc gia Hà Nội tham gia ra đề thi môn vật lý kể. Và để hạn chế những tình huống này, sau đó luôn có những người làm “tỉnh táo viên” soi thật kỹ từ dấu chấm, phẩy, chính tả, câu cú của đề thi.
“Cách đây vài năm, đề thi tuyển sinh ĐH ra về tùy bút Người lái đò Sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân. Đề thi ngon lành rồi, đóng gói, niêm phong, chuyển đến các điểm in sao chờ ngày thi thì một thầy trong tổ ra đề chợt lóe ra: “Sông Đà” trong tác phẩm của Nguyễn Tuân viết hoa cả hai chữ “Sông Đà”. Đằng này đề thi chuyển đi chỉ có chữ “Đà” là viết hoa”! Cả tổ ra đề tá hỏa xem lại thì đúng như vậy. Trong quan niệm ngữ pháp thông thường, “sông” là danh từ chung nên các thầy viết thường như một thói quen dùng từ. Còn nhà văn Nguyễn Tuân coi “Sông Đà” như một nhân vật nên đã trân trọng viết hoa cả hai chữ.
Yêu cầu sửa lỗi cho đề thi lập tức được chuyển đi, dẫu những người ra đề biết rằng để bảo đảm tính tuyệt mật, quy trình sửa chữa khi đề đã chuyển ra ngoài “trại” là vô cùng phức tạp...” - một thầy giáo của tổ ra đề thi văn “bật mí”.
“Nếu vẫn ở chỗ cũ, cho tôi xin thôi...” Trước mỗi mùa tuyển sinh, Bộ GD-ĐT lại phải tìm địa điểm để hội đồng ra đề cách ly gần một tháng trời làm công tác đề thi. Ở mỗi lần tiền trạm, bên cạnh cán bộ của Bộ GD-ĐT, sẽ có cán bộ an ninh đi kèm để kiểm tra các điều kiện bảo đảm tính bảo mật, biệt lập của khu cách ly. Không ít lần địa điểm đã được “nhắm từ trước”, nhưng rốt cuộc khâu kiểm tra an ninh cuối cùng lại cho kết quả khu nghỉ không đủ bảo đảm để thực hiện ba vòng bảo vệ như yêu cầu. Vậy là đành tìm địa điểm khác. “Có năm, chúng tôi chọn địa điểm là một khách sạn ở ngoại thành Hà Nội. Sự biệt lập của khách sạn cho chúng tôi yên tâm có thể thực hiện đúng yêu cầu cho một khu làm đề. Không ai lường được rằng khách sạn cách ly tốt, nhưng đó là khu khép kín, ở một vài ngày không vấn đề gì, nhưng “chôn chân” cả tháng trời trong đó không thể tránh khỏi cảm giác ngột ngạt, thiếu khí trời. Nỗi ám ảnh ấy còn theo mãi những người tham gia ra đề năm ấy. Đến năm sau, một thầy giáo khi được tiếp tục mời ra đề thi tuyển sinh ĐH đã đặt điều kiện: “Ra đề không ngại, nhưng nếu vẫn cách ly trong khách sạn năm ngoái thì tôi xin thôi”. Thực tế, không cần chờ đến khi vị giáo viên này nhắc, ban chỉ đạo thi cũng đã rút kinh nghiệm không bao giờ chọn những khách sạn theo mô hình khép kín thông thường nữa” - một thành viên nhiều năm tham gia ban chỉ đạo thi tuyển sinh ĐH, CĐ chia sẻ. |
Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4: Kỳ 5:
__________
Bạn có biết gần sát ngày thi, nhiều người đã tìm cách đi mua đề thi. Họ là ai? Và bạn có tin rằng có lần đề thi đã biến mất khỏi phòng thi, vì đề thi bị... say rượu (!).
Kỳ tới: Đi mua... đề thi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận