Trò chuyện với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Trần Trung Dũng - giám đốc Trung tâm kỹ năng sống Zuna Edu - cho rằng không chỉ giới trẻ rất nhạy trong việc bắt trend mà thậm chí các cháu ở độ tuổi thiếu nhi cũng rất dễ dàng tiếp nhận, tiếp cận.
Quy tắc ứng xử trước trào lưu
* Nhiều trào lưu trên mạng xã hội hình thành thu hút thiếu nhi và các bạn trẻ. Như trào lưu dàn thành đội hình nhảy khi qua đường ở các nút giao thông, ông có nhìn nhận thế nào về hành vi này?
- Tôi có xem qua những hình ảnh này. Đúng là gần đây các bạn nhỏ, bạn trẻ quay những video đăng lên TikTok ở những nơi đông người, vạch qua đường đang thành xu hướng rất thịnh hành.
Về tâm lý của hành vi, tôi cho rằng việc giới trẻ nói chung thích thể hiện cá tính đặc trưng riêng của bản thân mình trước mọi người là điều hết sức tự nhiên. Tuy nhiên trong thời đại công nghệ, mạng xã hội đang thúc đẩy đặc tính này diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn, đi xa hơn.
Việc nhìn nhận tích cực hay tiêu cực tùy thuộc quan điểm của mỗi người xem. Cá nhân tôi cho rằng các bạn trẻ, các cháu nhỏ thực hiện việc quay, chụp ở các khu vực công cộng gây ảnh hưởng đến hoạt động chung như an toàn giao thông, trật tự xã hội thì chắc chắn là hành vi không tốt.
Lấy ví dụ như trường hợp các cháu nhỏ xuống đường nhảy trong lúc các xe chờ đèn đỏ ở đầu cầu Rồng, Đà Nẵng vừa qua. Nhìn tiêu cực thì nó rất nguy hiểm nếu như xảy ra tai nạn giao thông.
Chưa kể các cháu trong quá trình diễn xuất gặp bất kỳ sự cố nào sẽ gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng người khác và gây ra bức xúc. Vì đường là nơi lưu thông, các hoạt động khác được hạn chế, thậm chí một số hoạt động như văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội, biểu diễn… phải xin phép
Nhưng ở góc khác nếu chỉ nhìn trong một clip, các cháu làm tốt điều đấy trong khoảng chờ thì thời gian vô vị đứng trước đèn đỏ, mọi người được nhìn thấy những hình ảnh vũ điệu đẹp mắt. Xét về tổng quan chung, nếu điều này xảy ra liên tục, lặp đi lặp lại ở nhiều nơi tạo thành xu hướng thì đây là điều quá nguy hiểm.
* Gần đây những người làm video, sáng tạo nội dung số nói chung khi bắt trend bị cho là quá lố, thậm chí bị phản ứng? Theo ông, nên có giới hạn nào cho việc bắt trend?
- Tôi không bài xích các trend vì có những thứ là xu hướng, xu thế để thể hiện được đặc trưng, tính cách của một lớp người, một thế hệ, một giai đoạn nhất định. Chúng ta đã thấy mạng xã hội có những sáng tạo vô tận. Chúng ta sẽ rất khó để cấm cản, mà thay vào đó cần "vẽ đúng đường cho hươu chạy", hình thành nên quy tắc ứng xử trước các trào lưu.
Khi sáng tạo nội dung số, nhiều người hay chọn những hậu cảnh dòng chảy đời sống, có tính "động" và tương tác cao để làm nền. Không riêng gì việc nhảy nhót ở nút giao thông mà những nơi xe lưu thông tốc độ cao như cao tốc, đèo dốc vừa qua cũng được nhiều người "xuống đường" ghi hình. Sẽ có rất nhiều va chạm trong góc nhìn văn hóa, pháp luật khó mà phân tích hết.
Tuy nhiên tôi cho rằng để tránh bị phản ứng, những nhà sáng tạo nội dung số phải trả lời cho mình được hai câu hỏi. Trong đó việc ghi hình sáng tạo ở nơi công cộng như thế có đảm bảo văn minh, lịch sự và đúng quy định hay chưa? Thứ hai, trend đang học và làm theo có phù hợp hay chưa?
Vai trò gia đình
* Theo ông, vai trò của người lớn ở đâu khi con trẻ đứng trước một xu hướng mạng xã hội?
- Khi giảng dạy an toàn cho trẻ trên mạng xã hội ở các trường tôi thường nhấn mạnh về vai trò của gia đình. Bản chất gia đình giống như một xã hội thu nhỏ. Gia đình là nền tảng để hình thành tính cách, nuôi dưỡng tâm hồn các con.
Cho nên nếu cha mẹ tạo ra những thói quen xấu trong gia đình thì vô hình trung con cái sẽ bắt chước và học theo đó rất nhanh. Khi cha mẹ xem những thước phim ấy với sự thích thú, thoải mái thì với tầng nhận thức của con trẻ, thấy cha mẹ như thế con cũng sẽ xem như đây là điều hết sức hiển nhiên.
Nên nhớ các con đang trong quá trình phát triển về nhận thức xã hội nên rất dễ hấp thu, chạy theo các trào lưu.
Như vậy cha mẹ đã vô tình cổ xúy hành vi đó, khiến cho con hình thành thói quen không tốt. Nhiều con trẻ hình thành thói quen theo dõi những kênh có nội dung nhảm nhí, lệch lạc mà không ai khác, người dắt các con theo trend ấy đầu tiên lại là cha mẹ.
Chúng ta đang ở một giai đoạn mà mọi thứ dễ đến, dễ đi trôi qua. Trên mạng xã hội, các trend đến và đi cũng nhanh chóng. Trong khi đó văn minh ứng xử trên mạng xã hội của chúng ta chưa được coi trọng. Tôi cho rằng hơn ai hết chính người lớn chúng ta cũng học được những kỹ năng nhìn nhận lại mình trước "biển trend".
* Như vậy nên dạy con trẻ những tiêu chí gì để ứng xử trước một xu hướng đang phổ biến trên mạng xã hội?
- Đu trend không sai nhưng cần chọn lọc và nhận thức đúng trend. Cha mẹ cần dạy con các vấn đề gốc rễ đạo đức. Từ nhận thức chung cho mọi hành động là việc có lợi mình, có lợi người, có lợi xã hội thì nên làm.
Trước một hình ảnh, video làm sao các con cần đặt câu hỏi mình share hoặc tập làm theo thì xem có liên đới đến luật pháp hay không? Khi các con bắt trend ghi hình như thế về mặt đạo đức có ảnh hưởng gì hay không? Khi bắt trend, đưa video của con lên mạng xã hội có thực sự đem lại giá trị tích cực cho những người xung quanh hay không?
Nếu các con thấy thiếu 1 trong 3 yếu tố trên thì xem xét cân nhắc. Các con tự đặt câu hỏi trước khi hành động sẽ giúp các con an toàn hơn và có hành động phù hợp.
Cha mẹ là người đầu tiên định hình con
Trong vấn đề ứng xử với mạng xã hội, các bậc phụ huynh là người đầu tiên sẽ định hình con cái. Thực sự ở nhà trường thầy cô rất khó kiểm soát các con trong vấn đề an toàn trên mạng. Ở lứa tuổi rất dễ bị ảnh hưởng bởi bạn bè, mạng xã hội thì giáo dục con nhận thức ở tầng sâu nhất phải đến từ chính hành động của cha mẹ trong gia đình. Cha mẹ là tấm gương soi chiếu của con cái.
Ông Trần Trung Dũng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận