Bà Chiêu Nguyễn, Việt kiều Mỹ, trong giây phút gặp người thân tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: N.PHƯỢNG
Dường như đối với hầu hết những người Việt xa xứ, niềm mong mỏi lớn nhất trước thềm xuân mới là được trở về với quê hương.
Chặng đường trở về ấy quả thực không dễ dàng đối với nhiều người Việt ở hải ngoại. Tết là thời gian làm việc bình thường ở nhiều quốc gia trên thế giới, vì thế để thu xếp được lịch nghỉ phép đủ dài thưởng thức trọn vẹn tết ở quê nhà là cả một nỗ lực lớn.
Hơn một cuộc trở về
Sắp xếp hành lý cho một chuyến trở về ngày tết là một trải nghiệm vừa khó khăn, vừa thú vị hơn những cuộc trở về bình thường. Ta có thể đóng gói vào vali những món quà đem lại cảm giác mùa xuân cho bạn bè, người thân? Ta có thể đem về món ăn truyền thống đã gặp trên chặng đường ra thế giới để góp vào sự trù phú của mâm cơm ngày tết? Ta có thể mang theo những câu chuyện từ đất nước ta đang sống để nhân đôi tiếng cười những người mà ta sẽ gặp?
Khi ra sân bay, tôi nhận ra rằng hành lý của những người Việt quanh tôi bao giờ cũng lỉnh kỉnh. Nó không chỉ là vali, túi xách, mà là những câu chuyện rôm rả với những ký ức và kế hoạch về tết. Bởi với chúng tôi, trở về quê hương vào thời điểm này là không chỉ về với hiện tại, mà còn về với quá khứ và với cả tương lai.
Tôi yêu chuyến bay ngập tràn sự háo hức và hồi hộp, đưa tôi và hàng trăm người Việt khác trở về với tết. Những chuyến bay mà chúng tôi như hòa vào nhau trong niềm xúc động dâng trào. Không xúc động sao được trước hình ảnh các cô, các bác với bước chân không còn vững chãi, được con cháu dìu lên máy bay và hiểu rằng đây có thể là lần cuối cùng họ được trở về quê hương dịp tết! Không xúc động sao được khi nghe những người lớn cố dạy con cháu mình những câu chào hỏi bằng tiếng Việt để chúng ngọng nghịu chúc tết ông bà!
Ngắm quê hương khi máy bay hạ thấp độ cao là một cảm giác thiêng liêng đến lạ lùng. Và sự thiêng liêng ấy ngân lên khi tôi áp mặt vào cửa sổ máy bay, ngắm nhìn mùa xuân qua ô cửa. Kìa những dòng sông lấp lánh như những dải lụa mềm. Những mái nhà lô nhô, nghiêng nghiêng trong nắng. Những con đường nhộn nhịp người qua lại như những mạch máu đưa tôi về với trái tim rộn nhịp đập tình yêu quê hương.
Máy bay hạ cánh, tôi chợt nhận ra rằng quê hương chính là một người mẹ tảo tần luôn ngóng đợi những đứa con của mình, luôn yêu chúng dù chúng đã trôi dạt đến miền xa ngái. Và những ai biết nâng niu tình yêu của "mẹ quê hương" chính là những cái cây còn gốc, những bông hoa còn hương, những con chim còn tổ.
Tết đâu bằng tết quê nhà?
Ngày nay, cộng đồng người Việt hải ngoại ngày càng đông hơn, sung túc hơn. Những sự kiện, những phiên chợ Tết Nguyên đán cũng được tổ chức với quy mô lớn và rộn ràng hơn. Đã từng sống và làm việc ở nhiều quốc gia, được trải nghiệm không khí tết ở những nơi đó, tôi thấm thía rằng dù có nỗ lực đưa tết ra khỏi Việt Nam thì cái không khí thánh thiện của tết cổ truyền không thể vượt ra ngoài biên giới.
Chỉ ở trên dải đất hình chữ S ta mới ra đồng hoa, ngắm nhìn những giọt mồ hôi ngời lên trên gương mặt người nông dân, rồi đem cả nụ cười của họ cùng hoa về nhà trang điểm cho tết.
Ở quê hương, ngọn lửa cũng ngân nga hát khi ta ngồi quanh nồi bánh chưng, bánh tét đang sôi.
Ở quê hương, nồi nước đun lá mùi già thơm hơn, khi ta thanh tẩy cơ thể mình khỏi những lo toan năm cũ.
Ở quê hương, ta thấy mình bé nhỏ hơn khi sửa soạn nhà cửa đón giao thừa, nấu cùng mẹ bữa cơm tất niên.
Ở quê hương, tiếng Việt của ta hóa trẻ thơ khi ta ngồi bệt cùng gia đình trên nền nhà, ăn bữa chiều cuối năm.
Ở quê hương, khói từ nén nhang trên tay làm ta cay mắt, khi ta đứng bên bàn thờ tổ tiên.
Giữa cộng đồng những người Việt xa quê, câu chuyện về tết có lẽ là câu chuyện đem đến nhiều cảm xúc nhất. Gần đây, tôi hỏi nhà thơ Du Tử Lê (ở California, Mỹ), về bài thơ gan ruột nhất mà ông viết về nỗi nhớ quê hương khi tết đến? Ông nói đó chính là bài Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển, với những câu thơ đầy ám ảnh "Khi tôi chết, hãy đem tôi ra biển/ nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi/ bên kia biển là quê hương tôi đó/ rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì".
Cũng như nhà thơ Du Tử Lê, càng đi xa tôi càng thấu hiểu được sự thiêng liêng của hai tiếng "quê hương" và hiểu về sự quý giá của tết. Giữa bộn bề của cuộc sống, phong tục tập quán tết của người Việt là một hòn ngọc trong trẻo, lung linh. Ai níu giữ được ánh sáng thánh thiện của nó để làm giàu cho tâm hồn và ký ức của mình, đó chính là người hạnh phúc.
Sợi dây nối người con xa xứ với cội nguồn
Ngắm những đại gia đình dắt díu nhau về với tết, tôi hiểu rằng không chỉ là một ngày lễ, tết là sợi dây rốn nối những người Việt xa xứ với cội nguồn. Những trải nghiệm về tết chính là những món ăn tinh thần quý giá nuôi dưỡng ký ức của chúng tôi, để chúng tôi vơi bớt đi niềm thương, niềm nhớ trong những năm tháng đằng đẵng xa quê.
Mời bạn đọc kể chuyện về quê ăn tết
Năm hết tết đến, người Việt xa quê ai cũng mong được về bên gia đình. Hành trình về quê trong những ngày này luôn là một trải nghiệm đầy cảm xúc, với những câu chuyện đẹp về tình người và không thiếu những bức xúc bởi những trắc trở trên đường. Đường về quê tết này có thuận lợi, suôn sẻ không, có vui, đẹp, độc, lạ?...
Kính mời bạn đọc chia sẻ cùng Tuổi Trẻ những trải nghiệm của mình trên đường về quê đón xuân Kỷ Hợi 2019, chủ đề "Đường về quê ăn tết của tôi". Hãy gửi cho Tuổi Trẻ câu chuyện của chính bạn, hoặc bạn trực tiếp chứng kiến dưới dạng bài viết, tin ảnh, clip theo địa chỉ email: [email protected] từ nay đến 11-2-2019 (mùng 7 tháng giêng).
Mỗi câu chuyện được chọn đăng sẽ được nhận quà lì xì 2 triệu đồng. Ngoài ra, Tuổi Trẻ sẽ chọn 10 tác phẩm được bạn đọc yêu thích nhất để trao tặng "Lộc xuân 2019", mức 5 triệu đồng/tác phẩm.
Chương trình do Tuổi Trẻ tổ chức, Công ty cổ phần xe khách Phương Trang FUTA Bus Lines là đơn vị đồng hành.
Tuổi Trẻ mong nhận được tin bài của bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận