WEF năm nay thiếu vắng nhiều lãnh đạo các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Anh và Pháp = Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, diễn đàn năm nay thiếu vắng nhiều lãnh đạo các nước lớn vì họ bận... xử lý khủng hoảng trong nước.
Chỉ 3 nước G7 dự
Tổng thống Mỹ Donald Trump, người có sự xuất hiện "ồn ã" tại Davos 2018, đã tuyên bố không tham dự WEF năm nay để toàn tâm toàn ý ở lại Washington giải quyết vấn đề chính phủ đóng cửa, tới nay đã kéo dài tròn một tháng.
Sau tổng thống Mỹ, Thủ tướng Anh Theresa May cũng rút lui khỏi Davos để giải quyết khủng hoảng Brexit. Trước đó, bà May chịu thất bại lịch sử khi dự thảo Brexit của bà không được thông qua. Dù đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nhưng tình hình nước Anh vẫn đang rối như tơ vò, khiến bà May không còn cách nào khác phải ở lại trong nước.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng không tham gia Davos để dành thời gian tìm cách trấn an xã hội vì phe "áo vàng" vẫn tiếp tục xuống đường biểu tình, bất chấp việc ông đã có nhiều nỗ lực nhượng bộ và thương thuyết.
Lãnh đạo một số nước lớn khác như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng xác nhận không tham dự, dù cả hai người đều tham dự Davos 2018.
Như vậy, chỉ còn ba trong số các nước G7 tham dự là Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Ý Giuseppe Conte.
Nghi ngờ tính hiệu quả
Thông thường, WEF là dịp quy tụ các lãnh đạo chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức thương mại, học thuật hay dân sự trên toàn thế giới, tham gia giải quyết những vấn đề cấp thiết mang tính toàn cầu. Tuy nhiên, gần đây WEF bị đặt nhiều nghi vấn về tính hiệu quả, cụ thể là những cuộc thảo luận chưa mang đến nhiều chương trình hành động thiết thực và chưa tạo được sự thay đổi rõ rệt.
Ngoài ra, chiếc vé để tham dự diễn đàn có giá lên đến hàng chục ngàn USD. Điều này khiến WEF bị chỉ trích là nơi tụ họp của những người giàu và "chỉ phục vụ cho người giàu", theo lời nhà kinh tế Behravesh.
Việc thiếu vắng cả lãnh đạo cao cấp nhất của Mỹ và Trung Quốc khiến việc hàn gắn mâu thuẫn thương mại rơi vào thế khó. Hãng tin Reuters trích lời một quan chức thường xuyên tham dự diễn đàn cho biết khả năng Trung Quốc và Mỹ đạt được bước tiến trong đàm phán thương mại tại Davos là bằng không.
Ngoài ra, cuộc khủng hoảng niềm tin của dân chúng cũng là vấn đề cần nhắc đến. Cuộc thăm dò thường niên của Công ty Edelman Trust Barometer của Mỹ cho thấy dân chúng các nước đang có sự mất mát niềm tin lớn nơi doanh nghiệp, chính phủ và triển vọng kinh tế.
Cụ thể phần lớn người dân Mỹ, Nhật và các nước châu Âu được hỏi nói họ không tin rằng cuộc sống của họ sẽ tốt hơn trong năm năm tới. Thay vào đó, họ sợ bị mất việc làm vì không theo kịp tiến độ tự động hóa của nền kinh tế.
Trong khi đó, Tổ chức Oxfam (một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Anh) vừa công bố một báo cáo trước thềm Davos rằng tài sản của nhóm tỉ phú tăng 12%, tương đương 2,5 tỉ USD/ngày, trong khi tài sản của 3,8 tỉ người nghèo trên thế giới giảm 11% trong năm 2018.
Những con số trên như đào sâu thêm vào khoảng cách ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo trên thế giới và điều đó đang hủy hoại cuộc chiến chống đói nghèo, gây thiệt hại cho các nền kinh tế và khiến công chúng tức giận.
Như vậy, trong khuôn khổ bốn ngày, từ 22-1 đến 25-1 của WEF, việc khôi phục niềm tin nơi người dân bằng cách khắc phục đói nghèo sẽ là một trong nhiều yếu tố quan trọng để bàn thảo nếu WEF năm nay muốn đi vào thực chất và mang lại hiệu quả rõ rệt.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Davos
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết nhận lời mời của chủ tịch sáng lập và điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự WEF 2019.
Theo đó, Việt Nam muốn tận dụng diễn đàn này để quảng bá mạnh mẽ thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong năm 2018 khi bối cảnh kinh tế thế giới có những diễn biến khó lường.
Ngoài ra, đây cũng là cơ hội tốt để phái đoàn Việt Nam nắm bắt các cơ hội, ý tưởng, xu hướng, thông tin về sự vận động, phát triển của thế giới trong giai đoạn ngắn và dài hạn, đồng thời tiếp xúc, gặp gỡ lãnh đạo các nước khác nhằm duy trì đà hợp tác.
DIỆU AN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận