Nhà văn, biên kịch và đạo diễn điện ảnh
TTCT trò chuyện với ông nhân dịp ông tới Việt Nam tham dự Tuần Văn học Pháp 2018 với chủ đề "Từ trang sách đến màn ảnh", chiếu 3 bộ phim do ông chuyển thể và viết kịch bản.
Bộ phim đầu tay Mối tình Paris (La délicatesse - 2011) do ông chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của mình và đồng đạo diễn với anh trai Stéphane Foenkinos đã nhận được 2 đề cử giải César cho kịch bản chuyển thể và bộ phim đầu tay xuất sắc nhất.
La délicatesse Trailer
* Tự chuyển thể những tác phẩm văn chương của mình thành bộ phim điện ảnh với ông có những lợi thế gì? Và rào cản lớn nhất, nếu có, là gì?
- Tôi chỉ mới chuyển thể một tác phẩm của mình thành phim thôi, đó là Mối tình Paris. Tôi cảm thấy muốn tiếp tục ở lại trong câu chuyện này, được sống tiếp với các nhân vật của mình. Lợi thế khi tự chuyển thể tác phẩm văn học của mình thành phim là tác giả chính là người "phản bội" tác phẩm của mình tốt nhất.
Tôi có ba tác phẩm khác đã được chuyển thể thành phim, nhưng tôi không muốn làm đạo diễn cho những bộ phim đó. Bộ phim mới nhất của tôi Ghen tuông (Jalouse - 2017) đã được làm từ một kịch bản gốc.
Jealous Trailer (French Subs)
* Khi chuyển thể tiểu thuyết của mình thành phim, ông có trung thành tuyệt đối với tác phẩm gốc?
- Cần phải trung thành với tinh thần của tác phẩm văn học, nhưng đối với Mối tình Paris, tôi đã thay đổi một số thứ, thêm một số nhân vật. Câu chuyện phải có tính điện ảnh hơn.
* Nhiều đạo diễn thường chuyển thể phần tinh thần, linh hồn của tác phẩm văn chương hơn là biến thành một bản sao của văn chương. Còn ông thì sao?
- Không có nguyên tắc cho việc này. Theo tôi, phải được tự do. Vấn đề là người ta thường chọn chuyển thể những tác phẩm văn học rất nổi tiếng, mà khán giả thì lại kỳ vọng được thấy lại tác phẩm văn học trong tác phẩm điện ảnh. Tốt hơn là nên chọn chuyển thể một tác phẩm văn học không nổi tiếng.
* Tiểu thuyết Mối tình Paris mô tả rất chi tiết mối quan hệ giữa Nathalie và Makus, nhưng với bộ phim chuyển thể, hầu hết hội thoại giữa hai nhân vật đều rất ngắn. Trong tiểu thuyết, sau nụ hôn bất ngờ của Nathalie, ông diễn tả tâm trạng của Makus là "Anh ta là Armstrong trên mặt trăng. Chiếc hôn ấy là bước lớn của nhân loại".
Đó là một câu văn hài hước mô tả bước đột phá lớn trong đời anh chàng nhân viên người Thụy Điển này. Nhưng trên phim, ta không thể thấy được tâm trạng đó của anh ta. Ông có tiếc nuối những chi tiết đắt như vậy không thể chuyển tải lên màn ảnh do sự khác biệt giữa hai loại hình ngôn ngữ này không?
- Chuyển thể không có nghĩa là sao chép một tác phẩm văn học. Trong một bộ phim, không thể có cùng văn phong và mọi hành động có trong tác phẩm văn học. Nhưng điều này không hề quan trọng. Chắc chắn văn học và điện ảnh bổ sung cho nhau.
Les Souvenirs (Hoài niệm), một phim do David Foenkinos viết kịch bản nhưng người khác đạo diễn, lại là một phim gia đình hài hước nhưng cảm động, một phim kiểu “hàn gắn thế hệ”.
* Theo ông, có những sức mạnh nào của văn chương mà điện ảnh không thể chuyển tải được bằng hình ảnh, và ngược lại, có những lợi thế nào của điện ảnh mà văn chương không thể chuyển tải được bằng ngôn ngữ?
- Văn học cho phép diễn đạt được chiều sâu tâm lý, những nỗi niềm thầm kín của các nhân vật, trong khi đó điện ảnh tạo ra hiệu ứng tức thì và tạo ra cảm xúc nhanh chóng.
* Chủ đề những cuốn tiểu thuyết và phim ảnh của ông là những mối quan hệ tình yêu của giới trẻ Pháp đương đại.
Mối tình Paris (La délicatesse), Những lần ta chia tay (Nos séparations), Chỉ tại vợ tôi gợi tình (La potential erotique de ma femme) - ba cuốn tiểu thuyết của ông được dịch ra tiếng Việt đều có điểm chung này. Tại sao ông chọn tình yêu làm chủ đề chính?
- Ồ, vậy là độc giả Việt Nam yêu thích những cuốn tiểu thuyết viết về tình yêu của tôi. Nhưng tôi không chỉ viết về đề tài này. Tôi thích viết về những mối quan hệ giữa người và người. Tôi cũng có thể nói về mối quan hệ giữa ông bà và con cháu. Nhưng tình yêu là thứ quan trọng nhất trong cuộc sống mà, đúng không?
* Cả ba cuốn tiểu thuyết tràn ngập tiếng cười khi mô tả những mối quan hệ tình cảm phức tạp, đồng sàng dị mộng, hay những biến chứng tình dục kỳ dị.
Ví dụ như trong Chỉ tại vợ tôi gợi tình, nhân vật chính Hector có sở thích kỳ quái là sưu tập các tư thế lau kính của vợ. Chứng "ảo dâm" này khiến anh ta trở thành nạn nhân của chính mình. Ông nói gì về những tiếng cười khi mô tả những sở thích kỳ quái, điên rồ của các nhân vật đó?
- Đây là một trong những tác phẩm đầu tiên của tôi. Tôi viết đã lâu lắm rồi. Thời đó tôi hơi "khùng khùng". Nhưng tôi thích sự hài hước. Tôi rất trân trọng những người làm tôi cười. Sự quyến rũ cũng có liên hệ với sự hài hước.
Trong tác phẩm này, chắc chắn là chúng ta cảm thấy rất buồn cười với những hành vi kỳ quặc của nhân vật, nhưng rốt cuộc thì anh chàng này rất lành tính.
Nhà báo Lê Hồng Lâm trò chuyện với David Foenkinos - Ảnh: FBNV
* Trong lời đề từ của cuốn tiểu thuyết Chỉ tại vợ tôi gợi tình, ông trích dẫn câu nói của Louis Aragon: "Trong vô vọng, lý trí tố cáo với tôi sự độc đoán của nhục dục". Đây là một câu trích dẫn rất chính xác khi mô tả về cuốn tiểu thuyết này. Nhiều nhà văn, đạo diễn khai thác nhục dục như một thứ "vũ khí" để thu hút độc giả, còn với ông, ông biến nó thành tiếng cười trào lộng và tràn ngập hài hước. Tại sao vậy?
- À, anh có lý đấy. Tôi rất thích câu nói về quyền lực của nhục dục này. Tôi lúc nào cũng thích cái đẹp, sự ham muốn. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể nói về tình yêu một cách hài hước. Với lại, có gì đó hài hước khi ta bỗng nhiên phải lòng ai đó. Chúng ta phải đấu tranh để vẫn là chính mình và điều này khá buồn cười.
* Ông có thể chia sẻ vài điều về Charlotte, cuốn tiểu thuyết mới nhất đoạt hai giải thưởng văn chương quan trọng của Pháp của ông sắp được dịch ra tiếng Việt? Đây là một tác phẩm rất khác so với những cuốn tiểu thuyết trước của ông?
- Đây là cuốn tiểu thuyết quan trọng nhất của tôi. Đúng là nó rất khác những cuốn trước. Đó là một câu chuyện có thật về Charlotte Salomon, một nữ họa sĩ người Đức có một cuộc đời bi đát. Cô ấy là một thiên tài trong hội họa và đã bị lãng quên.
Thành công của cuốn tiểu thuyết tại Pháp và các nước khác đã giúp mọi người nhớ ra cô ấy. Đó là tác phẩm làm tôi hạnh phúc nhất. Tôi háo hức mong chờ độc giả Việt Nam khám phá người phụ nữ phi thường này.
Nhà văn và đạo diễn nào ảnh hưởng và truyền cảm hứng đến ông nhiều nhất khi viết tiểu thuyết và đạo diễn phim? Điều gì ở họ ảnh hưởng nhất đến ông?
- Tôi thích nhà văn Houellebecq, sự hài hước và cách nhìn đời của ông ấy. Và tôi yêu điện ảnh Pháp của những năm 70, như François Truffaut.
Giữa việc chọc cười khán giả với những tình huống, chi tiết, đối thoại hài hước trong sách của ông và việc khiến độc giả phải suy ngẫm về những mối quan hệ lãng mạn nhưng dễ tổn thương của giới trẻ trong xã hội hiện đại Pháp, ông chú trọng điều nào hơn?
- Tôi thích cả hai. Một là để giải trí, thư giãn, chọc cười. Một là có thể làm người ta suy nghĩ. Trong cuộc sống, tôi cũng như vậy. Có những lúc tôi dễ dãi và có những lúc tôi sâu sắc. Kiểu giống một người trầm cảm mà vui tính ấy mà.
Có bao giờ ông nghĩ đến chuyện sẽ đạo diễn một bộ phim không do mình viết kịch bản và không chuyển thể từ tiểu thuyết của mình? Nếu có, điều đầu tiên mà ông muốn làm với kịch bản của người khác là gì?
- Tôi không nghĩ là như thế. Làm một bộ phim là phải mất 2 năm. Tôi cần hoàn toàn nhập tâm vào câu chuyện. Vì vậy tôi thích tự viết kịch bản hơn. Nhưng biết đâu được! Nếu độc giả Việt Nam có một kịch bản tuyệt vời dành cho tôi, tại sao không.
David Foenkinos là một trong những nhà văn đương đại nổi tiếng nhất ở Pháp hiện nay. Năm 2002, ông xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay, Sự đảo ngược của chứng ngu (NXB Gallimard), được giới phê bình chú ý. Năm 2004, cuốn Chỉ tại vợ tôi gợi tình mang lại cho ông giải Roger-Nimier, tạo đà cho sự nghiệp văn chương của ông thăng hoa.
Nhưng phải đến năm 2009, Mối tình Paris mới chính thức nâng ông lên hàng các tác giả nổi tiếng. Tác phẩm này tinh tế, nhạy cảm, đề cập một cách vị tha đến chủ đề cái chết và câu hỏi hiện sinh muôn thuở: liệu chúng ta còn có thể mở lòng mình sau khi đã mất tình yêu lớn trong đời, đã được chính Foenkinos tham gia chuyển thể thành phim và cùng lúc được đề cử hai giải César dành cho phim đầu tay và kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất.
Năm 2014, ông cho ra mắt Charlotte, cùng lúc giành hai giải thưởng văn học danh giá là Renaudot và Goncourt des lycéens, hiện tượng thực sự của văn học Pháp với gần 1 triệu bản in được tiêu thụ.
Tại Việt Nam, ông được đông đảo bạn đọc yêu mến qua các tiểu thuyết: Mối tình Paris, Chỉ tại vợ tôi gợi tình, Những lần ta chia tay và sắp tới đây là Charlotte.
Khán giả Việt Nam cũng biết đến ông với tư cách biên kịch và đạo diễn qua các phim Mối tình Paris, Cô gái ghen tuông. Cả hai bộ phim này, cùng với một bộ phim khác do ông viết kịch bản, được trình chiếu tại Việt Nam trong Tuần lễ văn học Pháp tại Hà Nội và TP.HCM (từ 5 đến 18-11-2018).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận