Cuộc đàm phán được truyền thông gọi là “lịch sử” tại Cuba - Ảnh: AFP |
AFP dẫn lời các nhà chức trách mỗi bên mô tả ngày đầu tiên trong hai ngày đàm phán tại Cuba mang tính xây dựng và phát triển mặc dù họ vẫn bất đồng sâu sắc về chính sách di dân người Cuba đến Mỹ.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Tây bán cầu Roberta Jacobson dẫn đầu phái đoàn ngoại giao Mỹ đến Cuba lần đầu tiên kể từ năm 1980.
Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Alex Lee phát biểu sau ngày đàm phán đầu tiên rằng "Mặc dù những khác biệt rõ ràng vẫn tồn tại giữa hai nước, Mỹ và Cuba vẫn tìm thấy cơ hội để chia sẻ lợi ích lẫn nhau".
Đáp lại, người đứng đầu bộ phận các vấn đề Mỹ của bộ Ngoại giao Cuba, bà Josefina Vidal cho biết: "Cuba mong muốn có mối quan hệ bình thường với Mỹ". Tuy nhiên bà Vidal chỉ trích chính sách di cư của Mỹ, cho rằng chính sách này sẽ gây ra nạn chảy máu chất xám.
Trong khi đó, tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhận định hai bên vẫn còn có nhiều điều để thương lượng trước khi tiến đến bình thường hóa quan hệ sau 50 năm Chiến tranh Lạnh.
"Khi thời điểm là thích hợp và đúng lúc, tôi mong muốn đến Cuba để chính thức mở Đại sứ quán và bắt đầu những bước đi hướng về phía trước" - ông Kerry tuyên bố.
Trong khi đó một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Cuba cho biết: "Chúng ta không thể trông mong có thể giải quyết tất cả mọi thứ trong một cuộc họp".
Quan chức này nhận định bình thường hóa mối quan hệ giữa hai quốc gia là một "quá trình dài và phức tạp".
Trong cuộc đàm phán diễn ra trong ngày hôm nay 22-1, theo AFP, Mỹ muốn Cuba công nhận lại các nhà ngoại giao của Mỹ, dỡ bỏ các giới hạn về di chuyển của các nhà ngoại giao này tại Cuba, tạo điều kiện cho các nhiệm vụ đường thủy của Mỹ,...
Trong khi đó, để hỗ trợ cho quyết định của mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã kêu gọi Quốc hội dỡ bỏ các cấm vận kéo dài hàng thập kỷ chống lại Cuba vốn gây nhiều khó khăn cho kinh tế Havana.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận