Chẳng thế mà các sân khấu Sài Gòn tết nào người xem cũng đông như trẩy hội, mở màn ngày ba, bốn suất toàn là những vở hài hước vui đùa chẳng cần ý tứ thâm sâu.
Đó cũng là lý do tôi viết bài này, như một thứ gia vị đưa cay đầu xuân để độc giả có thể đọc không cần nhăn trán.
Tôi có một may mắn nghề nghiệp là hay có dịp lê la cà kê dê ngỗng với các cô đào sân khấu Việt Nam. Nói thật là may mắn bởi không phải cứ đại gia đẹp trai, có tiền, có quyền là dễ dàng gặp được các em.
Xin dẫn chứng ngay một chuyện. Đâu khoảng 10 năm trước tôi có mời một nhà sưu tập tranh hàng đầu Việt Nam đi xem vở kịch Số đỏ ở Nhà hát thành phố. Ít ngày trước tôi từng choáng ngợp khi đến bảo tàng tranh cá nhân của anh.
Lê hết mấy tầng lầu xem tranh, bỗng trong đầu tôi nảy lên cái ý nghĩ thảm hại giống như ông giáo tỉnh lẻ nghèo trong một vở kịch của Chekhov, trời ơi tranh ở đây dễ đến mấy chục triệu đô… Đến giờ nghỉ giải lao giữa vở kịch, anh trốn vợ, lẻn ngay ra ngoài rỉ tai tôi: “Nói thật với anh Trung cả đời tôi chưa bao giờ được ngồi ô vip ở Nhà hát lớn xem kịch. Nhìn thấy mấy em Hồng Vân, Hồng Đào tôi chỉ dám nhìn từ xa… Anh… hì hì… có thể dẫn tôi xuống bắt tay em Hồng Vân một cái được không?...”.
Anh nói rất thật. Cách nói bọn đàn ông với nhau. Tôi nhìn vào mắt anh và ùa lên trong lòng niềm tự hào về hai chữ “thánh đường” sân khấu, bởi anh cũng là một tên tuổi nổi tiếng như cồn…
Bé cái lầm với Hồng Vân
Ảnh: Gia tiến |
Bước chân vào nghề báo, chuyên viết mảng phê bình sân khấu được vài năm, tôi chơi thân với đạo diễn trẻ sân khấu quần chúng Mai Khanh.
Một buổi chiều ngồi uống bia hơi tại quán nhà Mai Khanh, góc đường Lê Quý Đôn, hôm đó có thêm Anh Phương - phụ trách sân khấu quận Bình Thạnh. Đang say sưa trò chuyện, bỗng Mai Khanh hét toáng: “Hồng Vân. Hồng Vân…”.
Tôi nhìn ra thấy một em mặt bầu tròn, cao lớn, trắng trẻo, đang đạp xe. Em cười cười, giơ tay vẫy vẫy, rồi mắc cỡ chạy vù xe qua luôn. Tôi hỏi: “Nhỏ nào đấy?”. Mai Khanh xuýt xoa: “Đang học Trường cao đẳng Sân khấu. Diễn hay lắm. Vài năm nữa chắc thành sao…”.
Phương cũng phụ họa theo khen lấy khen để. Tôi nghĩ thầm mấy thằng cha làm sân khấu quần chúng cứ quen ngắm vịt trong ao làng tưởng thiên nga rồi phán một câu xanh rờn, chắc nịch như vua bóng đá Pele dự đoán kết quả trận đấu: “Trời ơi, hai má như bánh bao, chẳng có chút ấn tượng nghệ thuật gì mà thành sao thì sân khấu ra vỉa hè à…”.
Sau này khi kể cho Hồng Vân nghe ấn tượng xám xịt ban đầu của tôi về cô, cô phá lên cười như nắc nẻ. Nhà phê bình kiểu ngựa non háu đá, tự vỗ ngực mình lắm khi cũng mù mờ võ đoán, cả vú lấp miệng em như thế đấy.
Tôi đã từng một lần “bật mí” câu nói của cô đào Lê Khanh (NSND Lê Khanh) nói với riêng tôi: “Nếu em có quyền em sẽ tạc tượng Hồng Vân…”. Ngay cả nhà báo Thế Thanh, khi đương chức phó giám đốc Sở VHTT TP.HCM, sau khi xem vở Mẹ và người tình cũng nói thẳng tuột với đạo diễn Doãn Hoàng Giang, chủ tịch hội đồng giám khảo hội diễn Sân khấu toàn quốc, đồng thời là chủ tịch hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ sân khấu VN: “Em nói anh nhé, Hồng Vân mà không được huy chương vàng, không được đề nghị NSND thì…”.
May mà Hồng Vân đoạt huy chương vàng trong vở diễn đó và sau ít lâu cô được phong NSND. Nếu không, chắc bà Thế Thanh, với cá tính nóng nảy, thẳng như ruột ngựa, sẽ gây sự váng trời…
Đó là một Hồng Vân đa đoan đa tài, biết cười cợt trên mọi nỗi đau, một người đàn bà đúng nghĩa sinh ra cho nghệ thuật. Ít có diễn viên sân khấu nào có thể diễn thăng hoa tất cả loại vai, các thể loại từ bi đến hài kịch, kịch chính luận và cũng ít diễn viên nào tung tẩy, duyên dáng bay lượn trên những trang kịch bản và luôn tỏa ra một sức hút tươi tắn, trẻ trung đến bất ngờ như thế. Trong rất nhiều vở kịch của tôi, cô là một đạo diễn Việt Nam mà tôi yêu mến nhất.
Bởi cô có thể bất chấp những thủ pháp sân khấu màu mè mà vẫn đẩy tới những tận cùng cái thế giới đầy lẩn khuất, chông chênh, nhiều khi run rẩy của tâm hồn nhân vật. Tôi vẫn nghĩ hình như người ta chưa đánh giá thỏa đáng những đóng góp của cô trong nghệ thuật?
Một Hồng Vân đạo diễn tài hoa không kém những vai kịch mà cô thủ diễn. Chỉ có điều hơi tiếc, Hồng Vân quá tham lam, đa đoan với nghề và dòng đời xô đẩy cứ cuốn cô đi, ít khi giật mình ngoảnh lại…
Lê Khanh - mẫu mực và ngu ngơ
Ảnh: Nguyễn Khánh |
Bây giờ nhiều khi tôi và Lê Khanh lang thang các quán cà phê vỉa hè Hà Nội cũng chẳng mấy ai ngước mắt nhìn. Nếu tôi đi với một cô đào xinê hay ca nhạc chắc sẽ nhiều ánh mắt tò mò xét nét, hoặc nhấm nháy chỉ trỏ. Nhịp đời ngày nay hơi khác, thế giới nghệ thuật cũng đơn giản, bớt nghĩ suy và thuần mua vui giải trí tức thời.
Thậm chí nhiều ngôi sao nghệ thuật lại chạy theo quy trình ngược, được biết đến nhiều hơn nhờ xuất hiện tràn lan trên tivi, quảng cáo, game show… Diễn viên phim truyền hình dù có diễn dở như hạch vẫn là những chú đại bàng trong mắt quần chúng, còn diễn viên phim truyện nghệ thuật, sân khấu nghệ thuật thì lon ton như những chú gà con.
Ngay cả giới nghệ sĩ biểu diễn cũng lao vào vòng xoáy những giá trị đảo ngược như một mặc định thế thời - thời phải thế. Người ta dần quen với ý nghĩ áo không mặc qua đầu và nghệ thuật cũng ơ hờ chiều theo lòng thiên hạ.
Nhưng Lê Khanh dường như chỉ chăm chăm vào các vai diễn sân khấu và giống như cố đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, cô thường cảm thấy lạc lõng, lúng túng, ngu ngơ với các câu chuyện ngoài đề tài nghệ thuật. Cái cô Lê Khanh được phong tặng NSND từ khi còn rất trẻ ấy ít đóng phim mì ăn liền, hay quảng cáo thuốc trừ sâu, thực phẩm chức năng, bột giặt… để kiếm thêm thu nhập. Khanh bảo: “Anh ơi, tại em ngu. Lão Trung béo (NSƯT Chí Trung) ở nhà hát cứ gọi em là cô Khanh Down… Mà em ngu thật, đến giờ vẫn sợ đám đông…”.
Khanh là thế, vẫn thoáng chút gì còn sót lại của mấy cô gái Hà Nội xưa như Thu Hà (Nhà hát Kịch Hà Nội), Hương Bông (Nhà hát Kịch Việt Nam)… Đó là những cô đào cả đời sống cho nghệ thuật, đi hết con đường nghệ thuật, nhưng vẫn giữ được mình tránh xa những xìcăngđan phù phiếm đằng sau nghệ thuật.
Tôi quý Lê Khanh bởi cô luôn xem sân khấu chỉ là niềm đam mê và một cuộc chơi, không tranh giành bằng mọi cách đạp lên đầu người khác.
Lê Khanh là một diễn viên có cảm nhận nghệ thuật hết sức tinh tế, sâu sắc và cô chỉ nói ra ý nghĩ thầm kín của mình khi thật lòng tin ai đó. Tôi bảo Khanh: “Em sống quá kín kẽ và cứ sợ sai lầm như thế chán lắm”. Khanh chỉ cười.
Và tôi biết cô vẫn là một nghệ sĩ mơ mộng, lãng đãng, hơi khép kín với đời và nghề. Cuộc đời với những thăng trầm khó nói đã ép cô phải sống khuôn mẫu và cắt gọt nơi cô nhiều góc cạnh...
Với tài năng, tri thức và vóc dáng sang trọng, đài các... Khanh như được đặt hàng cho những vai diễn lớn. Nhưng dường như có một cái gì hơi phi phí với tài năng Lê Khanh, mà không biết bắt nguồn từ đâu...
Oanh “cong” vẫn còn mơ
Ảnh: NVCC |
Oanh là một cô gái ngang ngạnh, bốp chát nhưng lại cực kỳ dễ mến. Trong giới gọi cô là Oanh “cong” (NSƯT Kim Oanh). Chẳng biết có phải là Oanh cong cớn theo tiếng người miền Bắc? Cô xuất hiện thường xuyên trên truyền hình mà nghe nói nổi bật là vai cô Ló trong bộ phim Ma làng.
Thú thật, lỗi tại tôi ít xem phim truyền hình. Chính Oanh cũng một lần bảo tôi: “Thôi, phim ấy phim nọ anh đừng xem, ngượng lắm, em xuất hiện cho vui thôi”.
Cô nói rất thật, không buồn. Đó là một sự thật về chất lượng nhiều phim truyền hình ứ hự trên kênh sóng mà lắm người trong cuộc không dám nói ra hoặc quen tặc lưỡi đổ thừa cho hoàn cảnh hay tại nhà sản xuất. Kim Oanh có vẻ tự hào khi nhắc đi nhắc lại chuyện cô tự bỏ tiền túi, cùng đạo diễn Anh Tú làm vở Mùa hạ cay đắng tham dự Hội diễn Sân khấu toàn quốc.
Hình như sân khấu đôi khi cũng cảnh chợ chiều èo uột, nhưng vẫn là mái nhà xưa yêu dấu của nhiều diễn viên chạy show kiếm sống? Sân khấu dù hiếm những vở diễn hay, thậm chí thưa thớt khán giả nhưng vẫn có một cái gì nghiêm cẩn, chặt chẽ và tử tế, chứ không quá xô bồ xô bộn.
Nếu Kim Oanh thật sự cảm thấy hạnh phúc ở bến bờ nào đó chắc cô không tự móc tiền túi để được chơi sân khấu?
Oanh một lần bảo tôi: “Anh cố nặn cho em một vai gì đó thật hay, em sẽ chạy xin tiền tài trợ…”. Hơi chua xót, bởi ít ai biết rằng nhiều diễn viên nổi tiếng bây giờ chỉ thèm được diễn, được có một vai diễn cho họ thỏa chí thăng hoa nghệ thuật. Kim Oanh mơ một ngày nào đó cô được thủ vai Ngọc Hân công chúa hay thái hậu Dương Vân Nga…
Những người đàn bà yêu cháy bỏng và dám sống hết mình trong lịch sử. Tôi có cảm giác cô luôn muốn phá vỡ cái gì đó, muốn làm ve sầu thoát xác khỏi những vụn vặt, tầm thường của đời sống nghệ thuật. Đó là một khát vọng nhiều khi nhỏ nhoi nhưng rất đáng trân trọng của đời nghệ sĩ. Oanh hay đùa: “Em chẳng bao giờ biết trong túi có bao nhiêu tiền, chỉ thích lang thang…”.
Tự nhiên tôi nhớ cuốn Buồn ơi chào mi của Françoise Sagan. Hóa ra nỗi buồn nhiều khi không vớ vẩn như người ta tưởng và cuộc đời này còn biết bao nghệ sĩ như Oanh, canh cánh niềm mơ ước được múa may trong vùng ánh sáng sân khấu, thèm được sống với tài năng và khao khát của mình. Để một ngày nào đó sung sướng hét to lên: “Đời ơi, ta có mặt…”.
Mỹ Uyên - người trong bóng tối
Ảnh: Phạm Hoài Nam |
Tôi hay nói với các bậc liền anh liền chị trong nghề, Mỹ Uyên là đứa nghệ sĩ trong giới nghệ sĩ. Có đêm cô buồn chuyện gì đó, cô điện thoại rủ tôi ra quán vỉa hè cưa đôi chai rượu tây, tám chuyện huyên thuyên như lên đồng.
Nói người trong bóng tối không phải là tên tuổi của cô chìm trong bóng tối, chỉ riêng ở sân khấu 5B (Võ Văn Tần, Q.3), cô đã tạo được dấu ấn nghệ thuật biểu diễn trong các vở 360 gram, Gương mặt kẻ khác, Phía sau tội ác....; nhưng suốt mấy năm nay cô phải lặng lẽ gồng mình trong hậu trường lo cho Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ đang ngày càng sa sút. Nào thì tất bật chạy đôn chạy đáo lo dàn dựng vở diễn, xin tiền tài trợ dựng vở ở một sân khấu xã hội hóa, kể cả tiền hằng năm tổ chức cúng tổ ngành sân khấu. Có lúc tôi chứng kiến cô còn phải van nài mấy diễn viên đang đắt show làm ơn về diễn để đừng buông màn, trả vé…
Gần đây Mỹ Uyên hay căng thẳng, stress nặng, nổi nóng bất tử, có khi còn chửi thề, đòi bỏ nhà hát. Tôi đùa Mỹ Uyên: “Đúng là phí của giời. Bao nhiêu đại gia tài tử xếp hàng theo em, còn em cứ tự đày ải thời xuân sắc của mình…”.
Cô buồn buồn: “Tội anh em lắm anh ơi, nhất là mấy đứa nhỏ mới ra trường không có đất dụng võ, chỉ mong chờ có được một vai diễn…”. Có nhiều vở cô căng như dây đàn trên sân khấu, xông xông xáo xáo, mắt láo liên như muốn choàng luôn vai cho mấy em sinh viên còn non nớt trong nghề biểu diễn. Tôi chạnh lòng tội nghiệp cho cô, dù cô ít biết thương mình.
Mỹ Uyên là dân gốc Tây Ninh, gái mồ côi lên Sài Gòn tự lập thân, quăng quật với đời. Có lẽ vì thế cô xả thân lo cho bọn trẻ ở Sân khấu 5B không hề vụ lợi. Tôi cũng nhiều lần bắt gặp cách cư xử đẹp của Mỹ Uyên với các bậc tiền bối từ lâu đã rời xa ánh đèn sân khấu.
Những lúc như vậy cô cười rất tươi và nhập vai một cô bé mồ côi mong ước làm được chút gì cho chính cha mẹ mình… Đó là một nét đẹp không dễ kiếm trong nhịp sống quay cuồng, thực dụng.
Ở Mỹ Uyên vừa có sự ngang tàng, lọc lõi từng trải, lại vừa nhân văn tình nghĩa như kiểu… anh Hai Sài Gòn xưa chính hiệu. Cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, Mỹ Uyên là cô đào đẹp trong giới nghệ sĩ.
Đối thoại một mình… Người đời hay hùa nhau theo kiểu tát nước theo mưa khi nói về đời nghệ sĩ. Đôi lúc chạnh lòng như gã hề chèo luôn bị gọi là thằng hề. Tất nhiên, như bất cứ nghề nào trong mọi giai tầng xã hội, có những cô cậu nặc nô nhảm nhí “xướng ca vô loài” nhưng không có vẻ đẹp tâm hồn trời cho thì người nghệ sĩ không thể có những giây phút thăng hoa làm rung động trái tim khán giả. Nếu ai đó chịu khó ngược dòng thời gian (hay tra Google) thì sẽ biết hai chữ “ả đào” xuất xứ từ tên một nữ diễn viên thời xa xưa xinh đẹp, nổi tiếng nhất kinh thành Thăng Long văn hiến… |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận