01/12/2014 11:00 GMT+7

​Dấu xưa hùng vĩ

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Trải dòng lịch sử bi tráng của nước Việt, Hải Vân không chỉ là cung đèo kỳ vĩ mà còn đẫm máu xương vệ quốc.

Hải Vân quan được xây từ triều Minh Mạng, xuống cấp dần khi quân Pháp chiếm đóng VN - Ảnh tư liệu
Hải Vân quan được xây từ triều Minh Mạng, xuống cấp dần khi quân Pháp chiếm đóng VN - Ảnh tư liệu

Từ hàng thế kỷ trước, nhiều lữ khách nước ngoài và cả những tay súng thực dân đã vượt ải thiên hiểm này để kể lại bao chuyện xưa bí ẩn...

“Những lần có dịp xuôi Nam ngược Bắc tôi đều cố đi thật chậm, thật chậm qua đèo Hải Vân để cảm nhận hồn thiêng sông núi hội tụ ở đây. Chính thành ải thiên hiểm này đã góp phần tạo nên bao khúc hùng tráng lịch sử của dân tộc Việt”.

Một chiều cuối đông năm 2010, giáo sư Đỗ Văn Ninh trải lòng mình như vậy. Ông tâm sự từ trẻ đã đắm lòng với bài thơ Đèo Hải Vân của Bích Khê: ...

Đường đời thành bại chòm mây bạc
Tiếng cũ anh hùng ngọn gió lau
Nhìn cảnh nước non non nước ấy
Ngàn xưa dâu bể chạnh lòng đau.

Trong mắt Doumer

Chính viên quan toàn quyền Đông Dương Paul Doumer công du qua đèo Hải Vân cũng ngơ ngẩn trước cảnh quan tuyệt vời này.

Nguyên văn hồi ký của Doumer được in lại trong cuốn Những người bạn của cố đô Huế, tập VII, 1920:

“Bây giờ chúng tôi ở đỉnh đèo. Con đường bị chặn lại bởi một thành phòng thủ người An Nam chắc chắn, đẹp mắt, thế đứng uy nghiêm. Cũng như chúng tôi, thành thu mình trong sương mù. Lính gác thành của vua đưa ngựa mới cho tôi cùng với thức ăn.

Chúng tôi uống một chén trà và lên ngựa, khi chúng tôi mới đến thì mây xung quanh chúng tôi bay nhanh hơn, bay dồn dập, tan loãng và biến mất vì gió thổi. Thế là không gian khô ráo, trong trẻo, có ánh nắng. Tất cả sáng ra dưới mắt chúng tôi, bên dưới chúng tôi cửa biển Đà Nẵng hiện ra.

Thật là mê mẩn. Không có một cảnh thần tiên nào ở bờ biển Địa Trung Hải mà vừa đẹp mắt vừa lớn lao như vậy...”.

Viên toàn quyền Đông Dương về sau còn nhiều lần qua lại đèo Hải Vân với tầm nhìn vừa lãng mạn của một nhà du hành vừa rất lý trí của người phương Tây: “Ta đưa cái cửa biển đẹp nhất của Pháp trên bờ biển Côte d’Azur để làm ví dụ.

Lấy diện tích của nó mà nhân với 10, lấy các vùng đất được trông thấy và độ cao của các địa thế xung quanh mà nhân với 100 thì đáp số sẽ là Đà Nẵng gồm cái vịnh và cánh đồng bằng được nhìn thấy từ đèo Hải Vân ở độ cao 500m so với mặt nước biển.

Thật vậy, chỉ riêng cái cảnh trời nước ở đây cũng đủ kêu gọi những kẻ nhàn rỗi thực hiện một chuyến du lịch từ Pháp sang Viễn Đông để thưởng thức biết bao sự vật quyến rũ và kỳ thú”.

Mê mẩn với cảnh biển trải dài từ Huế vào nhưng Doumer cũng không bỏ sót cảnh núi rừng thâm u, hùng vĩ của đèo Hải Vân mặc dù đã có sự tác động của người Pháp khi làm lại con đường này:

“Kia là đường mòn của người An Nam chạy lên đèo, chẳng khác gì các đoạn đường mòn khác mà chúng tôi đã đi qua. Nó chạy theo đường thẳng, dốc dựng đứng, sạn đá gồ ghề giống một chuỗi bậc cấp thì không đúng, mà phải nói là giống một cái thang leo áp một bức tường đứng thẳng...

Đường đèo Hải Vân tiến tới, chạy quanh co giữa các bức tranh phong cảnh tuyệt vời, bám sát vào núi, thỉnh thoảng lõm xuống như các giao thông hào, rồi trồi lên băng qua các cây cầu bạo dạn trên các ngọn đồi... với quang cảnh thiên nhiên hùng vĩ, với muôn vạn loài cây cỏ đã mang đến cho nó một bối cảnh không gì có thể so sánh được”.

Đó chỉ là một ít trong những gì Doumer đã nhìn thấy vào tháng 3-1897. Đây cũng là lần đầu tiên viên toàn quyền Pháp đến Huế bằng hộ tống hạm I’Isly, và trung chuyển từ cửa Thuận An lên kinh thành với thuyền hơi nước.

Khi trở về, ông ta đã quyết định đi ngả bộ theo con đường thiên lý từ Huế qua đèo Hải Vân để đến Đà Nẵng. Từ đây, ông ta mới lên tàu thủy vào Sài Gòn. Doumer đã vượt cung đèo này bằng ngựa với cả đoàn người gồm lính thủy đánh bộ Pháp và cả quan lính triều đình Huế.

Đó là thời điểm cung đường qua núi này đã được công binh Pháp “chỉnh gọt” bớt hiểm trở nhưng vẫn còn nhiều nguyên trạng vì công trình chưa thể hoàn thành.

Thâm tâm Doumer (về sau trở thành tổng thống Pháp) có lẽ cũng ngậm ngùi nhắc nhớ bao quân tướng thực dân từng sa lầy, không thể vượt qua nổi thành ải tự nhiên này để uy hiếp kinh thành Huế.

Chính từ đó cuộc viễn chinh xâm lược bằng ưu thế pháo hạm phải chuyển vào sông Sài Gòn rồi khởi lan ra khắp Nam kỳ.

Và không chỉ Paul Doumer mà nhiều người phương Tây xưa đã từng đặt chân qua đèo Hải Vân. Khởi đầu từ thế kỷ 16 là người Bồ Đào Nha rồi đến người Anh, người Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha... Có người là giáo sĩ, là thương nhân, nhà hàng hải thám hiểm, sĩ quan quân đội. Rất nhiều ghi chép, du ký của những người phương Tây từng bước chân trên con đường thiên lý chập chùng núi đèo thiên hiểm này.

Đoạn giữa đèo Hải Vân - Ảnh tư liệu
Đoạn giữa đèo Hải Vân - Ảnh tư liệu

Hải Vân và giọt lệ Huyền Trân

Sử quán triều Nguyễn kể rằng ngọn núi cao nhất trên dải Hải Vân Sơn được vua Minh Mạng ban tên là Cao An Lĩnh với độ cao 1.192m.

Tuy nhiên, đó chỉ là một trong cả dải quần sơn có địa thế giống như một bức tường thành chắn ngang xứ Huế và đất Quảng, tạo nên hai nền khí hậu khác biệt. Trong đó phía bắc Hải Vân có các ngọn Hải Sơn, Bà Sơn, phía nam giáp với đất Quảng có núi Thông, núi Liên, Chân Sảng, Sơn Chà.

Các triều vua Nguyễn về sau đã đổi tên một số ngọn núi này, khác với danh truyền từ dân gian.

Sử xưa kể rằng chính Chế Mân, vua Chiêm Thành, vì muốn cưới công chúa Huyền Trân đã trao “sính lễ” là hai châu Ô, Lý cho vua Trần Anh Tông nước Đại Việt. Với quà cưới là núi rừng hoang vu “ngàn dặm vuông” này, Hải Vân hoàn toàn nằm trong châu Lý.

Nhà Trần tiếp nhận đã đổi tên thành châu Thuận và châu Hóa. Và Hải Vân lúc ấy thuộc huyện Tư Dung, châu Hóa.

Cái tên Tư Dung bắt nguồn từ câu chuyện Huyền Trân công chúa ly hương đến viễn quốc. Tư là tưởng nhớ, dung là dung nhan mỹ nhân nước Việt. Đây cũng là nơi mà Huyền Trân đã quỳ bái biệt cố quốc nên địa danh được đặt tên là Tư Dung, tri ân phận má hồng đã chấp nhận thiệt thòi cho đất nước.

Chính vua Lê Thánh Tông khi qua Hải Vân, cảm thán tấm lòng người xưa và cảnh non sông thiên hiểm, đã làm bài thơ Tư Dung hải môn lữ thứ:

Thuyền lâu nổi trống đến Ô Long
Cửa ải sông đây hiểm lạ lùng
Chặn giặc núi xanh bày rợp mắt
Liền trời sóng vỗ biếc muôn trùng
Dấu xưa sự nghiệp bao triều đại
Đất cũ nhà Nam vạch núi sông...

Người đời sau, tiến sĩ Dương Văn An triều Mạc, biên soạn Ô Châu cận lục, đã tả về Hải Vân:

“Núi ở cửa Hải Vân, huyện Tư Vinh (đời Mạc đổi tên Tư Dung thành Tư Vinh - PV). Chân sát lợi bể, ngọn ngất từng mây; núi chia hai đường nam bắc, mây đưa những khách đi về. Chính là giới hạn chia hai tỉnh Thuận Hóa với Quảng Nam rất là hiểm hóc.

Từ địa phận Thuận Hóa, theo đường bộ ước hơn một ngày đường thì đến địa phận Quảng Nam. Thật là một nơi xung yếu lớn của hai hạt, ở đó lập đồn ải để canh phòng”.

___________

Tổ tiên triều Nguyễn đã thấy thế thiên hiểm của Hải Vân. Họ căn dặn con cháu phải biết dạy dân, luyện binh để gìn giữ cơ nghiệp đến muôn đời.

Kỳ tới: Thiên hiểm

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp