- Kỳ 1: Mạng lưới “buôn người”
Phóng to |
Người lao động được đưa lên Lâm Đồng và bị giam lỏng trong phòng kín chờ các chủ trang trại ra “mua” * Ảnh nhỏ: lao động làm việc tại trang trại bà Thủy (ấp Buôn Chuối, Mê Linh, Lâm Hà, Lâm Đồng). Trang trại này hiện có trên 20 lao động làm việc, hầu hết được “bắt” từ các bến xe. Nhiều người muốn về đều phải bán sức cả tháng trời mới đủ tiền trả “phí” - Ảnh: Hoàng Lộc |
Các công ty môi giới ở TP.HCM thiết lập một mạng lưới “vệ tinh” rải khắp các bến xe An Sương (Hóc Môn), ngã tư Ga (Q.12), miền Đông (Bình Thạnh), miền Tây (Bình Tân)... để “vét” lao động từ các tỉnh lên và sau đó “bán” cho các ông chủ ở Lâm Đồng.
Trưa 3-7, tôi ăn mặc nhếch nhác, xách balô bước vào cổng bến xe miền Đông. Ông Hoàng (khoảng 40 tuổi, ở đội xe ôm của bến xe) chặn lại hỏi thăm. Khi biết tôi đang đi tìm việc, ông liền ra giá: “Anh chỉ lấy 50.000 đồng tiền xăng”. Tôi nhận lời, ông Hoàng tịch thu chứng minh nhân dân và chở tôi đi.
“Bán sống” không xong thì trấn lột
Trung bình mỗi ngày “mua” được 20 lao động Bà Hằng có một “bí kíp” tư vấn lấp lửng, thay vì nói lên Lâm Đồng làm cực lắm thì chỉ cần nói: “Lên đó, thực tế ra sao thì phải chấp nhận vì đó là sống theo kiểu gia đình”. Theo bà Hằng, trung bình một ngày bà “mua” được khoảng 20 lao động từ các “vệ tinh” tại TP.HCM. Nhờ đó mà lương của bà được công ty trả 12 triệu đồng/tháng, ngoài ra bà còn có khoản thu nhập thêm từ tiền thưởng vượt doanh số (trên 30 lao động/tháng) từ 4-5 triệu đồng/tháng. Theo bà Hằng, Công ty Tuấn Sơn hiện có hàng ngàn “vệ tinh” ở các bến xe lớn tại TP.HCM, thậm chí vươn vòi ra khắp các tỉnh thành trong cả nước để gom lao động cung cấp cho nhà vườn. Bà thừa nhận nhóm người ông Tiến dẫn tôi đến để bà tư vấn chỉ là một “vệ tinh” gom người “bán” lại hưởng hoa hồng, bán xong họ hết trách nhiệm. Theo đó, mỗi lần “vệ tinh” “bắt” được lao động, nếu tư vấn thành công bà phải chi cho “vệ tinh” 600.000 đồng/lao động. Còn đối với lao động tuyển trực tiếp từ quê lên thì bà phải tạm ứng trước cho gia đình mỗi lao động 5 triệu đồng, tiền này lao động sẽ làm trả dần, khoảng hai tháng là trả hết nợ. “Khỏe nhất là bắt lao động từ các vùng Nam Trà My, Bắc Trà My (Quảng Nam), họ mới 15-16 tuổi, vô đây đều được nhận hết, họ chỉ có biết làm và làm, cắm đầu cắm cổ làm, không có chuyện so sánh tiền lương, thời gian làm việc” - bà Hằng “bật mí”. Bà Hằng cũng nói mình làm nghề môi giới lao động được năm năm và hiện tại bà thích địa bàn nào là đến địa bàn đó, không sợ ai cả. “Chị đâu có vừa, thích là chiều. Làm trong nghề này phải có thế lực, máu mặt một chút, không thì người ta sẵn sàng loại bỏ mình nếu không cứng cựa” - bà Hằng nói. |
Điểm đầu tiên mà ông Hoàng chở tôi đến là Công ty TNHH KPH (đường Ba Tháng Hai, Q.11). Ông Hoàng đẩy tôi vào: “Vô đó đi, người ta sẽ bố trí việc”. Thời điểm này trong công ty có khoảng năm lao động nhà quê đang chờ được tư vấn. Khi tôi không đồng ý làm các việc mà nhân viên giới thiệu, ông Hoàng hậm hực dắt tôi đi chỗ khác.
Lúc này ở ngoài, ông Hiệp - một đầu mối chuyên đi “vét” lao động - chạy xe Air Blade lao tới bóp vai tôi hỏi: “Mày đi làm à, để tao đưa lên Lâm Đồng”. Ông Hiệp quay sang trả giá với ông Hoàng để “mua” tôi: “Bán nó ông lấy nhiêu? Một xị nha?”. Ông Hoàng lắc đầu giơ bốn ngón tay ra hiệu “bán” tôi với giá 400.000 đồng. Ông Hiệp cáu gắt: “Đưa hai xị là cao lắm rồi đó, anh ăn miếng thì tôi phải ăn một miếng chớ. Từ bến xe vô anh lấy giá 200.000 đồng là được”.
Sau một lúc cò cưa, ông Hiệp rút tiền “mua” tôi với giá 200.000 đồng từ ông Hoàng, lấy chứng minh nhân dân và tiếp tục chở tôi đi “bán” cho Công ty TNHH cung ứng lao động Tiến Đạt (gọi tắt Công ty Tiến Đạt, số 137/31/3 Phan Anh, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân) do ông Nguyễn Trọng Nghĩa quản lý. Trên đường chở tôi đi “bán”, ông Hiệp nói lên Lâm Đồng làm vườn, người ta bao ăn ở, lo hết tiền xe cộ, cuối năm nhận tiền rồi đi về. “Hôm qua, anh mới giao bốn người cùng quê với chú vô đó làm, một ngày công ty này lấy cả mấy chục người” - ông Hiệp nói.
Vừa bước vào Công ty Tiến Đạt, bà Hòa - vợ ông Nghĩa - thốt lên: “Thấy mày quen quen”. Tôi nói từng bị Công ty Tiến Đạt giới thiệu lên Lâm Đồng nhưng làm cực quá mới trốn về. Bà Hòa thản nhiên quay qua nói với ông Nghĩa: “Thằng này bữa mới đi nè, không chịu làm lại chạy về”. Ông Nghĩa gọi điện lên “công ty mẹ” ở Lâm Đồng, một phụ nữ nói lại với tôi: “Thôi, bây giờ em quay lại làm đi, tụi chị giới thiệu cho một ông chủ tốt lắm, không đánh đập đâu”. Tôi không chịu, ông Nghĩa sừng sổ, chửi: “Không làm được thì đổi chỗ khác. Đ.M, tại sao mày không nói để người ta đổi chỗ khác. Đồ ngu”. Ông Hiệp ngồi bên dỗ: “Thôi, bây giờ rút kinh nghiệm, nếu làm một hai ngày không được thì đổi”. Ông Nghĩa lại hỏi tôi có đi làm nữa không và dọa: “Đi bên đây người ta còn đàng hoàng, chứ mày đi bên khác thì mày hết đường về luôn. Đi qua chỗ con Hằng (một đầu mối gom lao động khác) nó đưa vào trong rừng sâu còn chết nữa”. Khi tôi vẫn kiên quyết không đi, ông Hiệp chửi xối xả: “Má mày, làm bể kèo luôn, mới mua mày hai trăm ngàn đó”.
Dù tôi không đồng ý nhưng ông Hiệp vẫn tiếp tục chở tôi đi “bán” cho chỗ khác. Ông Hiệp cố tỏ ra nhỏ nhẹ: “Anh làm nghề này cả chục năm rồi, giờ anh chở em đi chỗ khác. Nhưng vô đó em đừng nói đã làm qua rồi và làm không nổi”. Cuối cùng, ông Hiệp chở tôi qua Công ty TNHH MTV Ngọc Thu (926 An Dương Vương, P.13, Q.6). Tại công ty này, một thanh niên bặm trợn ngồi canh ở cửa, phía trong một người đàn ông đang tư vấn cho một nhóm lao động ăn mặc nhếch nhác. Tôi nói không đi làm nữa thì ông Hiệp gằn giọng: “Giờ mày có đồng ý đi làm không, nãy giờ đi hai, ba chỗ rồi đó. Tao bỏ tiền ra hai ba trăm ngàn để mua mày, mày không đi tao mất tiền thì sao”.
30 phút chở tôi lòng vòng đi “bán” nhưng thất bại, ông Hiệp chở tôi về thả tại một quán cà phê trong hẻm 38 (đường Lãnh Binh Thăng, P.13, Q.11) và gọi thêm bốn người trong nhóm đến ngồi vây quanh giở trò uy hiếp tinh thần. Người đàn ông tên Hưng giới thiệu là nhân viên làm việc cho Công ty Đức Hoàng (Lâm Đồng) khuyên tôi tiếp tục đi làm, lên Lâm Đồng ông ta sẽ bố trí gặp chủ hiền lành, công việc nhẹ nhàng, không bị đánh đập. Tôi không đồng ý, ông Hiệp ngồi bên lộ bộ mặt côn đồ: “Bây giờ trả tao 450.000 đồng rồi đi về”. Tôi hỏi số tiền đó là tiền gì, ông Hiệp nói huỵch toẹt: “Tiền mua mày từ thằng xe ôm hồi sáng, cộng thêm tiền công của tao 250.000 đồng”.
Lúc này, trong người tôi chỉ còn 150.000 đồng nhưng ông Hiệp vẫn vét sạch rồi giữ lại đồ đạc, chứng minh nhân dân, bắt tôi gọi điện yêu cầu người thân đưa 300.000 đồng tới trả mới cho về. Khoảng 30 phút sau, tôi đưa số tiền còn lại cho ông Hiệp và nhóm cò “buôn người”. Cầm tiền trên tay, ông Hiệp nói: “Tao bán được mày thì chủ đưa tao 800.000 đồng đó, chứ mày không đi làm thì tao chỉ lấy 450.000 đồng thôi”. Tôi xin vài chục ngàn để ăn cơm, ông Hiệp quát: “Mày không làm thì tao không cho một đồng”.
Phóng to |
Ông Hiệp - một tay chuyên đi “vét” lao động - đòi PV Tuổi Trẻ (trong vai người tìm việc) phải trả 450.000 đồng để “bù lỗ” cho một cuộc “bán người” bất thành - Ảnh: H.L. - Đ.Ph. |
Mánh khóe
Theo tìm hiểu, ngoài việc rải “vệ tinh” khắp các bến xe để lừa đảo người lao động, nhiều nhóm đối tượng còn sử dụng mánh khóe dán tờ rơi trên các trụ điện, thậm chí đăng thông tin trên các trang báo, trang mạng... với mức lương cao, công việc nhàn hạ.
Ngày 25-6, tôi gọi điện cho ông Tiến - người đăng thông tin tuyển dụng lao động lên Lâm Đồng trồng hoa. “Thẩm định” xong độ tuổi, chiều cao, cân nặng... ông Tiến nói: “Trồng hoa mức lương trên 3 triệu đồng/tháng, nếu làm tốt sẽ có thưởng, ngày tám tiếng, bao ăn, ở... Lúc đi nhớ mang theo quần áo, lên cầu vượt An Sương anh sẽ đón”. 10g30 ngày 26-6, tôi có mặt tại cầu vượt An Sương. Ông Tiến không ra mặt mà giao cho một thanh niên chở tôi về Công ty TNHH DV-TM vận chuyển hàng hóa Thuận Phát (quốc lộ 1, sát chân cầu An Sương, Q.12). Tại đây, một nam nhân viên vừa bấm điện thoại vừa nói bốp chát: “Quần áo đầy đủ chưa, xác định đi làm chưa, chứ đưa đi mà không chịu làm là tiền xe ôm anh phải chịu đó nha”. Tôi hỏi lương, công việc thế nào thì người này nói: “Cái đó không phải chuyên ngành của tôi. Bên tôi là chuyên vận tải, bốc xếp hàng hóa, còn việc anh hỏi sẽ có bên chi nhánh khác tư vấn, hiểu chưa”.
Phóng to |
Bà Hằng - nhân viên tuyển dụng lao động của Công ty Tuấn Sơn - thao thao bất tuyệt về mánh khóe “mua” người từ “vệ tinh” - Ảnh: H.L. - Đ.Ph. |
Khoảng 30 phút sau, tôi cùng hai lao động khác được chuyển đến một con hẻm trên đường Trường Chinh (Q.12) gặp bà Phạm Thị Nguyệt Hằng (chừng 30 tuổi, quê Thừa Thiên - Huế), nhân viên phụ trách tuyển dụng Công ty TNHH giới thiệu việc làm, cung ứng lao động Tuấn Sơn (gọi tắt Công ty Tuấn Sơn, ở thôn Đoàn Kết, xã N’ThoI Hạ, Đức Trọng, Lâm Đồng). Bà Hằng cho biết mùa này ít việc nên lao động vừa làm vừa chơi, tháng 2,5 triệu đồng, bao ăn ở. Tôi nói ông Tiến đăng quảng cáo là 3 triệu, bà Hằng nói “không biết ông Tiến là ai cả”. Hai lao động người ở Hưng Yên và Bình Định yêu cầu bà Hằng làm hợp đồng cụ thể thì bà Hằng nói: “Tụi bay làm được thì làm, không làm được thì thôi, chị còn nhiều lao động khác để tư vấn chứ không phải riêng gì tụi bay. Những gì tư vấn là thay cho hợp đồng”. Một lúc sau, hai lao động này thấy “không ổn” nên bỏ về, tôi và một lao động tên Anh (26 tuổi, quê Bắc Ninh) được đưa lên Công ty Tuấn Sơn ngay trong đêm.
Tại đây, chúng tôi gần như bị “giam lỏng” ở khu nhà phía sau khi lối ra bị khóa trái cửa, phía trên được giăng chằng chịt dây thép kiên cố. Do công việc không phải là trồng hoa như tư vấn ban đầu nên tôi đòi về thì nhân viên tên Hải ép ký vào bản cam kết: “Vì điều kiện sức khỏe không thích nghi được với khí hậu nên về” và bắt đóng 500.000 đồng tiền xe. Trở về từ chuyến đi, tôi liên hệ với bà Hằng, bà này nói: “Trường hợp em chỉ trả 500.000 đồng mà được về là một ngoại lệ. Những trường hợp khác sẽ bị bắt làm vì người ta bỏ tiền ra mà để cho mình bỏ về thì đâu có dễ”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận