11/07/2024 22:55 GMT+7

Đậu xe giữa đường cao tốc để tranh cãi là hành vi rất thiếu hiểu biết

Từ vụ đậu xe giữa đường để tranh cãi dẫn đến tai nạn, chuyên gia cho rằng các hành vi như chuyển làn không bật đèn xi nhan, không giữ khoảng cách an toàn, đi lùi... thể hiện hiểu biết cực kỳ thấp của tài xế khi lái xe trên đường cao tốc.

Hiện trường vụ tai nạn làm 8 người thương vong trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Ảnh: D.X.

Hiện trường vụ tai nạn làm 8 người thương vong trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Ảnh: D.X.

"Thật khó hiểu, tại sao họ lại làm vậy?" là bình luận được nhiều người để lại, sau khi xem lại đoạn clip từ camera giám sát, ghi lại vụ tai nạn sáng 11-7 trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Tông xe liên hoàn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, 8 người thương vong

Đoạn clip sau đó được lan truyền trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội. Nội dung ghi lại lúc chiếc xe con lao tới, tông thẳng vào chiếc xe khách cùng nhóm người đang đứng tranh cãi giữa đường.

Chưa đầy 10 ngày, hai vụ tai nạn liên tiếp xảy ra trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ba nạn nhân thiệt mạng, nhiều người bị thương cùng các phương tiện, tài sản hư hỏng.

Văn hóa lưu thông trên đường cao tốc, đặc biệt khi xe xảy ra sự cố lại là bài toán được đặt ra, trong bối cảnh loại hình đường bộ này đang ngày một nối dài trên cả nước.

Đứng giữa làn đường 120km/h để… tranh cãi

Theo báo cáo từ Cục Cảnh sát giao thông, gần 9h ngày 11-7, vụ tai nạn giữa xe con, xe khách và ô tô bán tải xảy ra trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đoạn qua huyện Gia Lộc (tỉnh Hải Dương).

Thời điểm trên, xe bán tải đi chậm để tránh chướng ngại vật thì bị một ô tô 16 chỗ va chạm nhẹ từ phía sau.

Sau đó, ba người đàn ông trên hai xe này dừng lại tranh cãi ngay giữa đường cao tốc, phía trước chiếc xe 16 chỗ. Làn đường này có tốc độ xe chạy tối đa 120km/h.

Sau khi họ tranh cãi được 3-5 phút, một xe con lao tới với tốc độ nhanh, tông mạnh vào đuôi xe 16 chỗ và nhóm người này.

Vụ tai nạn làm hai người tử vong tại chỗ - là hai trong số ba người đàn ông đứng cãi nhau sau vụ va chạm nhẹ trước đó - và sáu nạn nhân bị thương.

Cũng trên đoạn cao tốc qua huyện Gia Lộc (Hải Dương), hôm 2-7, chiếc xe tải do anh V.V.T. (sinh năm 1979) cầm lái gặp sự cố, dừng tại làn xe chạy. Anh T. đứng trước đầu xe, có cảnh báo bằng cành cây, nhưng điều đó là chưa đủ.

Một chiếc xe bồn chở xăng sau đó đã lao tới, tông trúng xe tải này. Cú tông khiến xăng trào ra mặt đường, ngọn lửa bùng lên rất mạnh, bốc cao hàng chục mét, lan sang cả phía ngoài hộ lan đường cao tốc. Cảnh sát sau đó đã phát hiện một thi thể, người này nghi là tài xế V.V.T..

"Việc xử lý khi xe gặp sự cố, tai nạn giao thông của lái xe còn yếu, dẫn đến nguy hiểm cho chính lái xe và người tham gia giao thông", theo nhận định của Cục Cảnh sát giao thông, sau hai vụ tai nạn.

Vụ cháy xe bồn khiến một đoạn cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ngập trong khói lửa - Ảnh: VIDIFI

Vụ cháy xe bồn khiến một đoạn cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ngập trong khói lửa - Ảnh: VIDIFI

"Cao tốc an toàn, nhưng nếu sơ sẩy dẫn đến tai nạn sẽ rất thảm khốc"

"Đó là một hành vi quá thiếu hiểu biết", TS Phan Lê Bình (trưởng đại diện văn phòng tư vấn OCG, Nhật Bản - đơn vị tư vấn toàn cầu trong lĩnh vực xây dựng, nghiên cứu khả thi, quản lý dự án giao thông...) nói với Tuổi Trẻ Online khi nhận định về sự việc nhóm tài xế đậu xe giữa đường cao tốc để tranh cãi chỉ vì một va chạm nhẹ.

Trong bối cảnh mạng lưới đường cao tốc tại Việt Nam được mở rộng rất nhanh, lượng người sở hữu ô tô ngày một nhiều, vị chuyên gia cho rằng việc hiểu biết đầy đủ về lái xe an toàn trên đường cao tốc đối với các tài xế chưa tăng lên tương xứng.

Nhiều người vẫn giữ quan niệm đi trên đường cao tốc chỉ đơn giản là lái xe với tốc độ nhanh hơn.

Bên cạnh vụ việc vào sáng 11-7, ông Bình cho hay hàng ngày không khó để bắt gặp các hành vi nguy hiểm khác như: chuyển làn không bật đèn xi nhan, không giữ khoảng cách an toàn, đi lùi, đi ngược chiều… "Nó thể hiện hiểu biết cực kỳ thấp của tài xế khi lái xe trên đường cao tốc", ông nói.

Nữ tài xế lùi xe để vào nút giao cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây - Ảnh: Công an cung cấp

Nữ tài xế lùi xe để vào nút giao cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây - Ảnh: Công an cung cấp

Chuyên gia Phan Lê Bình cho biết cao tốc là đường dành riêng cho xe ô tô, tốc độ tối đa có thể đạt 100 - 120km/h.

Theo nghiên cứu, đây là loại hình đường bộ có tỉ lệ an toàn cao nhất, nhưng khi sơ sẩy dẫn đến tai nạn, hậu quả sẽ rất thảm khốc.

Một vấn đề nữa cũng được ông nêu ra là khi lái xe trên đường cao tốc, mức độ tập trung phải cao hơn nhiều lần so với đường quốc lộ, đô thị thông thường.

Tuy nhiên điều đáng ngại là các cao tốc có hạ tầng tốt, không giao cắt đồng mức và không hỗn hợp xe cộ; điều này lại khiến cho tài xế dễ rơi vào trạng thái buồn ngủ, mất tập trung.

"Khi ô tô đạt tới tốc độ cao, chỉ cần một phút xao nhãng, không kịp chú ý để đưa ra phản xạ sẽ dễ dẫn tới những cú tông rất mạnh", ông Bình nói và cho biết thêm một chiếc xe khi chạy tới tốc độ 60km/h, khi phanh "chết bánh" cũng mất ít nhất 15m để dừng lại hoàn toàn.

Trong khi đó, thượng tá Đoàn Văn Quới (phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông Công an TP.HCM) lại nhấn mạnh việc giữ khoảng cách là điều quan trọng.

"Việc chạy nối đuôi nhau, giành đường dẫn đến khi xảy ra tình huống bất ngờ, tài xế không có đủ thời gian nhận biết, phán đoán và đưa ra các quyết định phù hợp; đồng thời việc không giữ khoảng cách an toàn cũng làm cho tài xế không đủ quãng đường để thực hiện việc phanh (thắng) và dừng xe an toàn", theo ông Quới.

Dẫn chứng quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông Công an TP.HCM cho biết với tuyến đường có tốc độ 80 - 100km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu là 70m, còn cao tốc cho phép chạy 100 - 120km/h, các xe cần cách nhau 100m, để đảm bảo an toàn.

Khuyến cáo trang bị an toàn trên cao tốc từ Cục Cảnh sát giao thông

Thông tin với Tuổi Trẻ Online, đại diện Cục Cảnh sát giao thông khuyến cáo lái xe khi xe gặp sự cố trên cao tốc cần chú ý quan sát, bật xi nhan, cố gắng từ từ di chuyển từng làn một đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy cho đến khi vào sát bên phải đường hoặc làn dừng xe khẩn cấp.

Sau đó, tài xế được khuyến cáo tiếp tục bật xi nhan cảnh báo; xuống xe (mặc áo phản quang vào ban đêm) và đặt ngay 3 chóp nón hoặc biển tam giác phản quang phía sau xe để cảnh báo với khoảng cách 100m trên cao tốc.

"Lái xe không được tự ý đi bộ trên đường cao tốc, phải đứng ngoài dải tôn hộ lan để đảm bảo an toàn. Sau đó gọi điện thoại tới lực lượng chức năng để được hỗ trợ", đại diện Cục Cảnh sát giao thông nhận định.

Khi xe gặp tai nạn trên đường cao tốc, cơ quan này khuyến cáo tài xế bình tĩnh xử lý, đặt cảnh báo và liên hệ với lực lượng chức năng để được hỗ trợ, xử lý theo quy định. Họ cũng được khuyến cáo tuyệt đối không được đi bộ trên cao tốc, không được tập trung đông người để tranh cãi.

Về trang bị khi đi trên cao tốc, Cục Cảnh sát giao thông cho biết nên có: dán giấy phản quang vào phía sau xe; trang bị tối thiểu 3 chóp nón hoặc 3 biển tam giác phản quang; áo phản quang để mặc khi gặp sự cố trên đường vào thời điểm trời tối, sương mù và ban đêm.

Dừng ô tô giữa cao tốc để tranh cãi thì bị xe khác tông vào, 2 người chết, 6 người bị thươngDừng ô tô giữa cao tốc để tranh cãi thì bị xe khác tông vào, 2 người chết, 6 người bị thương

Sau vụ va chạm nhẹ, người trên chiếc xe khách và ô tô bán tải đỗ xe rồi tranh cãi ngay giữa đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Lúc này, một xe con lao tới tông trúng làm 2 người chết, 6 người bị thương.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp