Chi phí đầu vào tăng quá nhanh khiến nông dân và doanh nghiệp gặp khó, giá bán lẻ tới người tiêu dùng tăng lên - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt cũng khiến người chăn nuôi đối mặt với thua lỗ kéo dài.
Đại gia cũng khó
HAGL Agrico vừa công bố báo cáo tài chính quý 1-2022 với doanh thu giảm 17,7% so với cùng kỳ năm 2021. Quý 1-2021, công ty này lãi 6,7 tỉ đồng nhưng quý 1 năm nay ghi nhận khoản lỗ ròng gần 113 tỉ đồng. Lượng trái cây thu hoạch giảm 19%, khai thác mủ cao su giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ban giám đốc công ty, kết quả thấp bởi các lý do giá phân bón, vật tư nông nghiệp tiếp tục tăng 130%, bao bì đóng gói trái cây tăng 15% so với đầu năm. Tiếp đến là thiếu hụt container lạnh để xuất khẩu trái cây, chi phí container lạnh tăng cao. Thời gian vận chuyển và thông quan từ 12 ngày lên đến 35 ngày làm ứ hàng, tăng chi phí kho bãi, giảm chất lượng trái cây...
Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cho biết doanh thu thuần quý 1 của riêng mảng nông nghiệp đạt 1.628 tỉ đồng, giảm 27,6% so với cùng kỳ năm trước và giảm 8,6% so với quý trước. Trong quý đầu năm, tập đoàn ghi nhận lỗ sau thuế 55,8 tỉ đồng trong mảng nông nghiệp.
Lý giải nguyên nhân, HPG giải thích: "Ngành chăn nuôi nói chung tiếp tục đối mặt với khó khăn kép từ dịch bệnh COVID-19 và dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm. Nền kinh tế chưa hoàn toàn phục hồi, sức cầu với sản phẩm thịt chất lượng cao, nhất là thịt bò còn yếu.
Bất ổn trong cuộc chiến Nga - Ukraine đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào, vì đây là 2 quốc gia cung cấp nguồn nguyên liệu lớn của ngành thức ăn chăn nuôi thế giới. Điều đó ảnh hưởng tới chi phí thức ăn chăn nuôi, hoạt động chăn nuôi heo, bò và gia cầm của HPG, trong khi giá sản phẩm không tăng làm giảm lợi nhuận gộp".
Cùng chung cảnh ngộ, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DABACO) báo cáo tài chính quý đầu năm với lợi nhuận "lao dốc". Cụ thể lãi sau thuế ghi nhận lời gần 9 tỉ đồng, giảm gần 98% so với cùng kỳ năm trước và thấp nhất trong 10 quý gần đây.
Người chăn nuôi than lỗ
Người chăn nuôi cũng gặp khó khăn không kém khi 2 đầu vào quan trọng là thức ăn chăn nuôi và phân bón tiếp tục tăng nóng trong thời gian qua.
Mới đây, hàng loạt công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đã tăng giá cám kể từ đầu tháng 5 với mức tăng 300 - 500 đồng/kg. Đây đã là lần tăng giá thứ 13 - 14 kể từ cuối năm 2020 đến nay.
Ông Nguyễn Kim Đoán, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết giá thành chăn nuôi heo thịt hiện tăng lên 56.000 - 60.000 đồng/kg, trường hợp phải đi mua con giống thì chi phí sẽ cao hơn. Trong khi đó, giá heo hơi ở mức thấp kéo dài với hiện chỉ 54.000 - 57.000 đồng/kg.
Tương tự, nhiều hộ nuôi gà cho biết giá cám tăng liên tục đã đẩy giá thành chăn nuôi gà công nghiệp (lông trắng) ở mức cao, hiện phổ biến 27.000 - 28.000 đồng/kg. Rất nhiều người nuôi gà công nghiệp đang có nguy cơ thua lỗ lớn khi giá thành chăn nuôi tăng liên tục nhưng giá gà bán ra thường thiếu ổn định, dưới giá thành sản xuất.
Theo HPG, trước những khó khăn chung, về mảng nông nghiệp thì doanh nghiệp này tập trung chuẩn bị nguồn hàng "đẩy" vào cuối năm để kéo lợi nhuận năm 2022 lên.
"Trong bối cảnh khó khăn đó, tập đoàn đã duy trì mức sản lượng phù hợp với nhu cầu của thị trường. Tối ưu hóa chi phí sản xuất ở tất cả các khâu nhằm tối ưu giá thành khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Đặc biệt, chuẩn bị nguồn hàng để đưa ra thị trường khi phục hồi hậu COVID-19 và mùa cao điểm cuối năm", tập đoàn này chia sẻ giải pháp.
Còn ông Nguyễn Kim Đoán cho rằng giá cám tăng do giá nguyên liệu thế giới tăng phi mã. Để tồn tại, các công ty phải tăng giá theo giá thế giới vì nguồn nguyên liệu sản xuất tăng, cơ bản nguyên liệu là 70% nhập khẩu nước ngoài.
Do vậy, rất khó kìm giá cám trong nước nếu giá thế giới tiếp tục tăng. Người chăn nuôi buộc phải cắt giảm chi phí và hy vọng giá bán heo hơi tăng tương ứng thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận