27/02/2017 12:27 GMT+7

Đầu tư tiền tỉ, trạm cân xe có cũng như không

MẬU TRƯỜNG - YẾN TRINH - LÊ DÂN
MẬU TRƯỜNG - YẾN TRINH - LÊ DÂN

TTO - Được đầu tư tiền tỉ với nhiều lực lượng cùng tham gia nhưng không ít trạm kiểm soát tải trọng xe mỗi ngày chỉ cân vài chiếc xe, thậm chí không cân xe nào, trong khi xe quá tải vẫn vô tư chạy.

Dù có trạm cân xe trên cầu Ông Lớn, đường Nguyễn Văn Linh, Q.7, TP.HCM nhưng xe quá tải vẫn có cách lọt qua - Ảnh: Mậu Trường
Dù có trạm cân xe trên cầu Ông Lớn, đường Nguyễn Văn Linh, Q.7, TP.HCM nhưng xe quá tải vẫn có cách lọt qua - Ảnh: Mậu Trường

Một số trạm cân tại TP.HCM hoạt động kém hiệu quả, còn các trạm cân do Tổng cục Đường bộ cấp cho một số tỉnh cũng đang “đắp chiếu” từ nhiều tháng nay.

Ghi nhận ở một trạm cân

Trạm cân cầu Ông Lớn (3 làn xe) được đặt trên đường Nguyễn Văn Linh (Q.7, TP.HCM) hướng từ miền Tây vào nội thành. 0h02 ngày 8-2, một chiếc xe tải bít kín thùng chạy trên đường Nguyễn Văn Linh, hướng H.Bình Chánh đi Q.7.

Vừa qua cầu Ông Lớn, chiếc xe bị camera của trạm cân xe thứ cấp tự động đặt trên cầu ghi lại tải trọng là hơn 35,8 tấn.

Theo quy định, xe này chỉ được tham gia giao thông với tổng khối lượng (cả xe và hàng) 30 tấn, quá tải 19,37%.

Thế nhưng sau khi chạy qua trạm cân sơ cấp, chiếc xe dừng lại trạm thu phí trên đường Nguyễn Văn Linh để trả phí đường bộ rồi ung dung chạy qua trạm cân xe thứ cấp mà không gặp bất kỳ khó khăn nào.

Bốn phút sau, tiếp tục một chiếc xe tải chạy qua cân sơ cấp, thông tin được báo về trạm thứ cấp là quá tải 11,39% nhưng vẫn được phép chạy qua trạm. 20 phút sau, chiếc xe tải mang biển số Hà Nội quá tải 15,73% vẫn chạy qua trạm cân mà không hề gặp sự cản trở của lực lượng chức năng.

Đến 7h sáng cùng ngày, có tổng cộng 17 chiếc xe tải bị trạm cân sơ cấp phát hiện quá tải từ trên 10% - 35% nhưng không có bất cứ chiếc xe nào bị dừng lại để cân lại đối chiếu.

Trong sổ trực đêm do thanh tra viên Trương Văn Sáng - đội 6 thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM - ký tên ghi ở khung giờ này chỉ là một dấu gạch chéo, không có bất kỳ một chiếc xe vi phạm nào được ghi vào sổ.

Trong ngày 8-2, ở trạm cân cầu Ông Lớn có đầy đủ lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, thanh niên xung phong và kỹ thuật viên phụ trách cân gồm 8 người.

Tính đến hết ca trực, có 19 xe quá tải bị cân sơ cấp phát hiện nhưng tuyệt nhiên không có chiếc xe nào bị xử phạt.

Nhật ký ca trực cũng chỉ là một dấu chéo do tổ trưởng Đào Thế Hưng, thanh tra viên đội 6 thanh tra Sở Giao thông vận tải ký, thể hiện không có xe nào bị xử lý.

Dễ dàng qua mặt

Trạm cân sơ cấp được lắp đặt tại 3 làn xe trên cầu Ông Lớn (đường Nguyễn Văn Linh) chỉ ghi nhận những xe đi trên những làn đường này.

Trường hợp xe chạy vào làn xe phía ngoài cùng bên phải, cân sơ cấp không ghi nhận nên lực lượng chức năng tại trạm cân sẽ không hề hay biết. Nhiều tài xế nắm được điểm yếu này để né trạm cân.

Xe tải chạy vào làn đường cấm xe trọng tải trên 3,5 tấn để né trạm cân sơ cấp trên cầu Ông Lớn, đường Nguyễn Văn Linh, Q.7, TP.HCM - Ảnh: Mậu Trường
Xe tải chạy vào làn đường cấm xe trọng tải trên 3,5 tấn để né trạm cân sơ cấp trên cầu Ông Lớn, đường Nguyễn Văn Linh, Q.7, TP.HCM - Ảnh: Mậu Trường

PV Tuổi Trẻ từng chứng kiến một chiếc xe ben chở đầy bùn đất nhưng không che đậy, chạy trên làn ngoài cùng của đường Nguyễn Văn Linh, hướng từ H.Bình Chánh đi Q.7.

Do trên làn này không có camera nên xe dễ dàng chạy qua, trạm cân sơ cấp cũng không thể cập nhật biển số và tải trọng chiếc xe. Lần lượt, không ít xe khác đều đi qua cầu Ông Lớn bằng làn ngoài cùng và thoát khỏi trạm cân một cách dễ dàng.

Theo tài liệu, trạm cân này mới được lắp đặt từ tháng 7-2016 nhưng liên tục gặp sự cố. Tháng 11-2016, có 16 ngày trạm phải ngưng hoạt động để kiểm tra, bảo trì.

Tháng 12-2016, ít nhất có 5 ngày gặp trục trặc và phải ngừng hoạt động. Trong những ngày trạm cân ngưng hoạt động dù vẫn có ca trực với đầy đủ lực lượng chức năng.

Đồng loạt ngừng hoạt động

Giữa tháng 2-2017, anh N.H.Đ., chạy xe tải loại 3 tấn chở vật liệu xây dựng từ H.Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) cho một người khách ở tỉnh Bến Tre. Tài xế Đ. cho biết lộ trình xe chạy phải đi qua 2 trạm kiểm soát tải trọng.

Một trạm trên quốc lộ 1 (tỉnh Tiền Giang) và một trạm trên quốc lộ 60 (dưới chân cầu Rạch Miễu, tỉnh Bến Tre). “Nhưng nhiều tháng nay, cả hai trạm đều ngưng hoạt động nên chạy thoải mái lắm” - tài xế Đ. buột miệng nói.

Trạm cân xe lưu động trên quốc lộ 51 hiện tạm ngừng hoạt động vì phải kiểm định thiết bị - Ảnh: V.Phú
Trạm cân xe lưu động trên quốc lộ 51 hiện tạm ngừng hoạt động vì phải kiểm định thiết bị - Ảnh: V.Phú


Trong hơn 2 năm qua, trạm kiểm soát tải trọng xe trên quốc lộ 60 do 3 lực lượng gồm thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, kiểm soát quân sự thường xuyên túc trực.

Từ cuối năm 2016 đến nay, nơi đặt trạm cân (đầu tư 1,8 tỉ đồng) bị bỏ không, xe cân do Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp được dời về cất trong khuôn viên Sở Giao thông vận tải Bến Tre.

Ngày 10-2, ông Nguyễn Văn Sơn - chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Bến Tre - cho biết nguyên nhân tạm ngưng trạm cân này là để kiểm định thiết bị cân.

“Do phải gửi thiết bị ra Hà Nội để kiểm định. Có thể phải mất một thời gian nữa trạm cân mới hoạt động trở lại” - ông Sơn cho biết.

Tại tỉnh Tiền Giang, trạm cân do Tổng cục Đường bộ VN cấp cũng ngưng hoạt động từ tháng 10-2016.

Theo ông Nguyễn Văn Bảy - phó chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Tiền Giang, thời điểm này trùng với đợt kết thúc kế hoạch phối hợp kiểm tra xe quá tải giữa lực lượng công an và thanh tra giao thông.

Ông Nguyễn Văn Bảy còn nói trong quá trình vận hành trạm cân do Tổng cục Đường bộ VN cấp hỏng hóc liên tục.

Mỗi lần hư hỏng, thiết bị đều phải gửi ra Hà Nội để sửa chữa, lần nào nhanh cũng mất vài tuần, có đợt mất cả tháng mới xong. Mật độ hỏng hóc nhiều đến nỗi mà chính ông Bảy cũng không thể nhớ hết.

Còn tại Cần Thơ, do kế hoạch phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải về kiểm soát tải trọng xe chấm dứt, Sở Giao thông vận tải và Công an TP Cần Thơ thống nhất tạm ngừng hoạt động trạm cân xe lưu động tại khu vực cầu Cần Thơ (P.Hưng Phú, Q.Cái Răng) từ tháng 9-2016 đến nay.

Ông Nguyễn Văn Sới, chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, cho biết trước đây mỗi ca trực của trạm cân xe lưu động gồm 5 người, trong đó có 2 thanh tra giao thông, 2 cảnh sát giao thông và 1 cảnh sát trật tự, nên trạm cân hoạt động rất hiệu quả.

Còn bây giờ, khi lực lượng cảnh sát giao thông và cảnh sát trật tự rút đi, trong khi thanh tra giao thông không có quyền yêu cầu dừng xe khiến trạm cân xe lưu động không thể hoạt động nữa.

Mỗi trạm cân đầu tư 7 tỉ đồng

Theo ông Ngô Hải Đường - trưởng Phòng quản lý khai thác hạ tầng Sở Giao thông vận tải TP.HCM, tại TP.HCM có 4 trạm cân tự động gắn với 4 trạm cân thứ cấp, bắt đầu hoạt động từ ngày 11-7-2016. Mỗi trạm cân bao gồm sơ cấp và thứ cấp có vốn đầu tư trung bình khoảng 7 tỉ đồng.

Theo quy chế trạm cân, mỗi ca có 8-10 người trực gồm thanh tra giao thông 2-4 người; cảnh sát giao thông từ 2-3 người, nhân viên kỹ thuật từ 1-2 người, lực lượng thanh niên xung phong 1-2 người.

Toàn bộ các trạm cân sơ cấp và thứ cấp đều được kết nối online về trung tâm điều khiển để giám sát quá trình hoạt động.

Trong trường hợp nếu trạm cân thứ cấp không hoạt động thì từ trung tâm điều khiển sẽ phát hiện ngay.

Vì sao trạm cân 3 làn xe trên đường Nguyễn Văn Linh có nhiều ngày không cân xe dù trạm sơ cấp liên tục báo các trường hợp xe quá tải?

Trả lời câu hỏi này, ông Đường cho biết theo quy định, không phải tất cả các phương tiện qua cân sơ cấp báo có dấu hiệu quá tải thì trạm cân thứ cấp phải dừng phương tiện để kiểm tra.

Khi có tín hiệu báo, các nhân viên kỹ thuật tại trạm cân thứ cấp sẽ xem sơ lược hình ảnh phương tiện vừa qua cân (do camera tại trạm cân sơ cấp chụp được) để nhận diện nhanh.

Nếu xe không thuộc đối tượng kiểm tra thì trạm cân thứ cấp không dừng phương tiện để không gây phiền hà, ảnh hưởng đến việc lưu thông của các xe này.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hầu hết những trường hợp trạm sơ cấp báo quá tải đều không thuộc đối tượng không cần thiết kiểm tra. (Thu Dung)

Liên tục hư hỏng

Đề cập đến trạm cân trên quốc lộ 51 (địa bàn Đồng Nai nối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), một cảnh sát giao thông từng tham gia ở trạm cân lưu động này tiết lộ: “Có lần thanh tra giao thông cân xe, khi xác định vi phạm quá tải thì bị tài xế phản ứng. 

Đem xe ấy cân lại ở cơ sở tư nhân rồi so sánh phiếu cân của tài xế mới thấy kết quả cân ở trạm có sai số rất lớn nên cho xe đi và tạm ngưng hoạt động để kiểm định, sửa chữa. 

Tôi nghi thiết bị cân “có vấn đề” vì nhiều lần ngừng hoạt động mang thiết bị ra Hà Nội sửa chữa”.

Theo tìm hiểu của PV Tuổi Trẻ, tháng 4-2014 trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động ở Đồng Nai được đưa vào hoạt động tại quốc lộ 51 thì trong năm này trạm phải ngưng hoạt động đến... 60 lần vì lỗi thiết bị như máy bị treo, phần mềm lỗi, không hiện kết quả cân, camera hư... 

Tình trạng thiết bị trục trặc tiếp diễn trong năm 2015, năm 2016 như đèn điện tử chập nguồn. Từ tháng 4-2014 đến cuối năm 2016 trạm cân lưu động có 348 lần thu dọn, ngưng cân vì trời mưa. Hiện trạm cân cũng tạm ngưng hoạt động vì phải kiểm định lại thiết bị theo quy định.

Đánh giá về hoạt động của trạm cân lưu động, ông Dương Mạnh Hưng - chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai - thừa nhận: “Thiết bị có lúc trục trặc phải đưa đi sửa chữa, bảo trì”. (Hà Mi)

MẬU TRƯỜNG - YẾN TRINH - LÊ DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp