Các khách mời tại tọa đàm chiều 18-10 - Ảnh: BÁO ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN
Chia sẻ về nguồn ngân sách chi cho giáo dục đại học, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết theo con số chính thức của Bộ Tài chính cung cấp năm 2020, ngân sách chi cho giáo dục đại học chưa đến 17.000 tỉ, chiếm 0,27% GDP.
Nhưng con số thực chi chưa đến 12.000 tỉ. Tính theo số thực chi thì chưa đạt 0,78% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Trong khi để nâng mức căn bản tiên tiến so với thế giới cần ba yếu tố: nguồn lực dồi dào, quản trị ưu việt, tài năng hội tụ.
Về quản trị đã thay đổi mạnh, về tự chủ, trách nhiệm của các trường, sự tham gia của các thiết chế trong trường. Nhưng về nguồn lực thì vẫn khó khăn. Các trường đại học hiện vẫn dựa vào ba nguồn: Nhà nước, người học, xã hội. Nhưng người học chỉ chi trả những gì mình được lợi ích trực tiếp.
"Có những ngành học không phục vụ trước mắt mà về lâu dài để phục vụ đất nước như những ngành về khoa học cơ bản, nông lâm ngư nghiệp, những ngành nghệ thuật, đào tạo trình độ sau đại học...
Không có công nghệ nền tảng thì không thể có công nghệ cao, không có khoa học cơ bản thì không có công nghệ nền tảng. Những vấn đề này không dễ gì xã hội hóa để người học chi trả được, trong khi nguồn lực Nhà nước lại hạn chế", ông Hoàng Minh Sơn chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội - bày tỏ khi trường tự chủ thì Nhà nước sẽ rút dần đầu tư là cách tiếp cận phải xem lại. Vì nguồn đầu tư từ Nhà nước vốn rất thấp, nên khi các trường thực hiện tự chủ thì ngoài nguồn đầu tư của Nhà nước, cần tạo cơ chế để các trường có thể thu hút các nguồn lực khác, bù đắp cho phần tài chính mà Nhà nước không lo được. Như thế mới có nguồn lực đủ đảm bảo nâng chất lượng.
"Chúng ta cứ loay hoay mãi câu chuyện thực hiện an sinh xã hội. Bài toán hiện nay Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phải triển khai thực hiện đó là trong lộ trình tăng học phí. Chúng ta đã có lộ trình rồi, nhưng sau đại dịch COVID -19, thu nhập của người dân khó khăn, do đó đang đặt ra vấn đề phải tạm dừng tăng học phí.
Vậy các trường đại học sẽ giải quyết khó khăn thế nào? Cần phải tính đầy đủ, hài hòa giữa an sinh xã hội với vấn đề trách nhiệm của Nhà nước, trách nhiệm của cộng đồng, của xã hội với việc đầu tư thỏa đáng cho giáo dục đại học", bà Mai Hoa trao đổi.
GS.TSKH Đặng Ứng Vận - nguyên phó chủ tịch Hội đồng khoa học Văn phòng Chính phủ - cho rằng: Điều quan trọng nhất vẫn là cơ chế để các trường có thể huy động được nguồn lực từ xã hội. Phải huy động nguồn lực của chính các doanh nghiệp công, tư cho đầu tư vào đào tạo. Hay nói cách khác chính là sử dụng nguồn lực của các doanh nghiệp để đào tạo ra nguồn nhân lực theo nhu cầu của các doanh nghiệp theo hướng phi lợi nhuận.
Ông Hoàng Minh Sơn cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa vào dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2045 đề xuất mức chi cho giáo dục đại học từng bước bằng mức trung bình của khu vực về tỉ lệ GDP.
Nhưng muốn nâng cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước phải minh bạch hóa. Minh bạch tất cả khoản thu, khoản chi của các cơ sở đại học trực thuộc các bộ ngành, các địa phương thì mới tính được chi như thế nào cho hiệu quả.
"Hiện tại vấn đề đầu tư để giao nhiệm vụ cho trường đại học, ngoài khối quân đội, mới chỉ thực hiện được ở lĩnh vực đào tạo giáo viên. Trong khi nhiều ngành khác cần nhân lực chất lượng cao như nông, lâm, ngư nghiệp, các ngành khoa học cơ bản và đào tạo sau đại học vẫn chưa áp dụng được. Việc đặt hàng trường đại học cũng cần được thúc đẩy theo cơ chế cạnh tranh, tập trung vào những lĩnh vực có tính dẫn dắt, có sức mạnh lan tỏa", ông Sơn cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận